Khuôn viên Hội Sân khấu TP.HCM có một căn tin nhỏ, trong đó kê một cái bàn gần cánh cửa tòa nhà của Hội. Mọi người gọi vui đó là "bàn làm việc" của ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội suốt 5 nhiệm kỳ. Và mọi người cũng quen gọi ông là "anh Ba". Mà thật, anh Ba ít chịu ngồi trong văn phòng trừ những lúc hội họp, hoặc làm gì đó rất quan trọng. Còn lại, anh Ba chỉ thích ngồi ở cái bàn của căn tin, trước mặt là ly nước, bình trà và gói thuốc. Đúng 8 giờ, anh Ba vô làm việc, ngồi đúng cái bàn đó, đúng cái ghế trong góc đó. Anh hay nói: "Ngồi đây thì anh em tới thấy gần gũi, dễ chịu hơn, chứ anh em không thích vô văn phòng". Thiệt tình, anh em nghệ sĩ, báo chí tới Hội, cứ thấy anh Ba là họ liền sà vô bàn, uống cà phê, trà đá, ăn điểm tâm, rồi ngồi nói chuyện, chia sẻ, chuyện nhỏ chuyện lớn gì cũng nói được, không thấy khoảng cách, không thấy đây là một "ông lãnh đạo". Mọi người chỉ thấy anh Ba như một ông anh có thể giải quyết cho mình chuyện làm nghề, hoặc có thể tâm sự gì đó, hoặc có khi chỉ là nói chuyện vui, chuyện nắng mưa, gia đình, con cái… y như những người bạn thân thiết. Rồi có khi mọi người cũng ngồi lắng nghe anh Ba kể chuyện đời, kể về tuổi thơ, về sân khấu, nói chuyện nghề, thế thái nhân tình…
Sáng nào cái bàn đó cũng rộn rã tiếng nói cười, hàn huyên, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Nơi đó anh Ba đã sống chan hòa cùng với anh em nghệ sĩ và báo chí, làm nên một "thế giới" rất riêng của Hội Sân khấu. Vẫn nhớ gương mặt anh Ba lúc nào cũng như mỉm mỉm cười, nếu chưa có ai đến thì anh cứ ngồi một mình, mắt nhìn lơ đãng lên đám mây xanh hoặc ngọn cây cổ thụ ven đường Võ Văn Tần ríu rít tiếng chim… Tôi hỏi thì anh nói anh đang nghĩ về kịch bản của mình hoặc của ai đó đang nhờ anh góp ý, hoặc một kế hoạch nào của Hội sắp triển khai. Nhìn anh rất thong dong, chứ không phải đang "làm việc". Tôi nhớ anh có kể về mẹ của anh, một bà mẹ có nếp giáo dục con rất hay. Bà giao việc cho mỗi đứa con, nhưng bắt mỗi đứa phải kiểm tra chéo công việc của cả nhóm, vì một đứa làm sai là bà phạt hết bầy con. Có lẽ nhờ vậy mà anh chị em của anh Ba lớn lên đều có khả năng quản lý, đều chặt chẽ trong công việc, quán xuyến chu đáo. Đúng là thấy anh Ba nhiều việc nhưng trông rất thong dong, nhẹ nhàng, không hề rối rắm, cuống quýt.
Anh giản dị trong cả sinh hoạt đời thường. Anh tỉnh bơ chạy chiếc xe cub 82 xưa quắc, chả cần xe sang xe xịn. Lâu lâu thấy anh mặc một cái áo sọc hơi trẻ trung, thì anh nói: "Của thằng con, nó không mặc nữa, mình lấy mặc". Rồi miệng anh hơi cười cười, tôi bóc phốt ngay: "Anh mặc cho đỡ nhớ con chứ gì!". Anh gật đầu chịu nhận. Hai đứa con đều học giỏi, tự có học bổng sang Mỹ không cần "nhờ vả" người cha cán bộ là anh. Anh nói: "Đó là niềm vui lớn của tôi, để con có thể ngẩng mặt nhìn đời".
Thế nhưng, kịch bản của anh Ba thì không hề thong dong chút nào. Hầu như mỗi vở đều khiến người ta phải trăn trở, suy tư, ngẫm ngợi, đau đầu. Ông viết kịch bản rất nhiều, cả kịch nói lẫn cải lương. Những vở nổi tiếng như Diễn kịch một mình, Mặt trời đêm thế kỷ, Hoàng hậu hai vua, Dời đô, Sáng mãi niềm tin, Miền nhớ, Hoa độc trong vườn, Lý Chiêu Hoàng, Trời Nam, Tâm sự Ngọc Hân, Chiếc áo thiên nga, Nỏ thần, Đôi bờ, Vua thánh triều Lê, Độc thoại đêm, Hồn thơ ngọc… Kịch bản của Lê Duy Hạnh rất sâu sắc, giá trị vẫn không mất theo thời gian, thời đại, ẩn giấu nhiều lớp ý nghĩa, hoặc thăm thẳm triết lý nhân sinh. Lê Duy Hạnh không chạy theo thời cuộc, ông lùi lại một bước để rút ra điều gì đó từ thời cuộc, rồi mới chắp bút, để cái điều ông nói sẽ xuyên suốt thời gian, xuyên suốt trái tim con người… Lê Duy Hạnh có ngôn ngữ rất riêng, hấp dẫn trong sự trang trọng, tôn nghiêm, thú vị trong sự thể nghiệm, táo bạo, đau đớn, giật mình trong sự lật đi lật lại vấn đề.
Kịch bản của Lê Duy Hạnh khó dựng, mà khi đã dựng được thì cả nghệ sĩ và vở diễn đều thăng hoa. Ông là một tài hoa của sân khấu, và dù ông đã ra đi nhưng kịch bản của ông vẫn sẽ sống mãi cùng sân khấu Việt.
Bình luận (0)