Sóc Chơ Ro ở Lý Lịch ngày ấy và bây giờ

Trần Đại
Lâm Đồng
19/12/2023 15:00 GMT+7

Trong đời, tôi có trên 2 lần đến Lý Lịch, nơi bộ tộc người Chơ Ro và Khmer sinh sống ở phía tây hồ thủy điện Trị An, nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Lý Lịch khác với những buôn làng ở Tây nguyên nơi tôi đã đến là toàn bộ bà con đều đổi thành họ Nguyễn, Huỳnh thay vì họ gốc là Hồng, Điểu, Thố… Hầu như trong từng ngôi nhà ở đây đều thờ ảnh Bác. Và từ lúc chiến tranh gian khổ đến bây giờ, tâm thức của bà con vẫn một lòng sắt son tin vào chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Nhà dài truyền thống của đồng bào Ch'Ror ở Lý Lịch

Nhà dài truyền thống của đồng bào Chơ Ro ở Lý Lịch

Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp

Ngày 12.1.1987, tôi đến Lý Lịch lần đầu cùng với Tổng đội 9 thanh niên xung phong để chứng kiến giờ G - thủy điện Trị An đóng đập. Ngày ấy, từ thị trấn Vĩnh Cửu vào được sóc này phải theo con đường sỏi nhỏ dài 40 km. Đây là con đường độc đạo xuyên qua một phần chiến khu Đ mà báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực về cuộc kháng chiến anh dũng của dân quân miền Đông qua hai thời kỳ. Lúc ấy, nguyên cả vùng trũng này còn rất nhiều lò than nhỏ, gọi là lò cơm. Loại lò này cao khoảng 1 m, âm đất 1 m với bán kính từ 1 đến 1,5 m. Hiện trường lúc đó, ngoài những lò cơm đang nhả khói trắng chập chờn, còn hàng trăm căn nhà lá tuềnh toàng được bao quanh bởi vườn chuối và đu đủ xanh mướt.

Đứng trên dốc cây cầy nhìn xuống vùng lòng hồ đang khai thác trắng, dòng người xuôi ngược đăm chiêu như đang di tản chiến sự. Trước mặt chúng tôi, hàng trăm người bưng bê tài sản gia đình, heo, gà, chó mèo mang lên xe bò, xe trâu và máy cày tháo chạy. Nhiều gia súc không muốn rời đi cứ chạy vòng vòng đã làm cho các cháu nhỏ đuổi theo mếu mó. Không ít người đứng khóc vì lò than đang còn khói chưa đến ngày xuất. Chúng tôi cố bám theo dòng người nhưng không thấy tiếng cười, những người đàn ông cố làm hết sức mình để dẫn vợ bế con và mang theo những gì có thể.

Cùng lúc ấy, trên bầu trời máy bay quần thảo tầm thấp một ngày 2-3 lần, cùng với tiếng gầm thét của động cơ là tiếng loa phóng thanh vọng xuống vang cả đất trời: "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Còn 10 tiếng đồng hồ nữa, nhà máy thủy điện Trị An sẽ đóng đập, mực nước sẽ dâng lên từ 20 đến 30 m. Yêu cầu đồng bào phải rời khỏi khu vực lòng hồ ngay trong ngày hôm nay để bảo đảm tính mạng và tài sản của mình. Chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm đối với người cố tình ở lại. Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý…".

Để tận mắt thấy nước dâng, buổi tối hôm ấy chúng tôi ngủ lại trên chòi cao 3 m của Ba Tiến - người Chơ Ro, sau khi kết được 2 bè chuối buộc vào chân cột. Việc anh cố tình ở lại không ngoài mục đích chờ than nguội cho ra lò, kiếm được đồng nào mừng đồng đó. Hôm ấy là đêm cuối cùng của người và đất ở vùng trũng.

5 giờ sáng, chúng tôi thức dậy đã thấy nước dâng lên và chỉ trong một buổi, sáng lò than và vườn chuối của Ba Tiến đã chìm trong biển nước. Biết không còn hy vọng gì về lò cơm của mình, Ba Tiến bảo chúng tôi xuống bè chuối chèo về đất liền, ở đằng xa cũng có trên 50 chiếc bè khác đang cố quờ quạng chân chèo.

Khi chúng tôi đến bờ, hàng chục bà con Chơ Ro, Khmer đứng nhìn hồ nước mênh mông với gương mặt thất thần vì tài sản chìm trong ấy, chưa kịp mang đi. Mặt nước mênh mông đã xóa đi những bến tắm ven bờ Sa Mách, nơi đã tồn tại biết bao mùa bí nở. Đối với người dân tộc bản địa, bến tắm vừa là nơi trần tục vừa linh thiêng vì đây là nơi xoa tan sự mệt nhọc bụi đất trong ngày, nơi gặp nhau kể lể chuyện vui buồn và cũng là nơi đã không ít chàng trai cô gái nên vợ nên chồng từ những lời hò hẹn.

Ông già Củ Chụp, một nhân chứng sống của đại ngàn

Ba Tiến là con trai trưởng của già làng Chơ Ro ở Lý Lịch nên dẫn chúng tôi về tá túc tạm thời. Tại vùng Phú Lý này, hầu như ai cũng biết đến ông già mang tên "Củ Chụp". Tên ông Năm Củ Chụp do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt, khi ông về thăm đồng bào ở chiến khu Đ.

Từ những cuộc trò chuyện ân tình, tôi mới phát hiện ông Năm là một "cây cơ nia cổ thụ" tồn tại ở núi rừng. Ngay căn nhà sàn của ông đã có thể xem như một chiến binh dũng cảm của thời hái lượm. Ông cho tôi xem cây ná có tuổi đời trên dưới 60 năm. Có lần tôi đặt bệ ná vào bụng kéo thử nhưng không thể.

Ông tên thật là Nguyễn Văn Nỗi (tiếng Chơ Ro là Tơ Tơ), sinh năm 1929 tại chiến khu Đ. Năm 1946, ông làm giao liên cho Tư lệnh Nguyễn Bình và Phó tư lệnh Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ. Là dân sinh ra và lớn lên giữa rừng, ông thuộc các đường như lòng bàn tay của mình. Ông nổi tiếng về dùng đá và bùi nhùi làm ra lửa, phát hiện rừng củ chụp nuôi sống cán bộ vào lúc bị bao vây với cái đói cận kề.

Nông thôn mới của đồng bào Ch'Ror Lý Lịch

Nông thôn mới của đồng bào Chơ Ro ở Lý Lịch

Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp

Mới đây, tôi về lại sóc, con đường vào Lý Lịch bây giờ đã tráng nhựa mang tên tỉnh lộ 761. Toàn xã đã phủ điện lưới quốc gia. Lúc tôi đến, ông Năm, với chòm râu trắng như cước, đang ngồi dưới bậc thang gỗ đưa mắt nhìn vào khu rừng như nhớ lại một thời trai trẻ. Trên vách nhà ông, hàng chục tấm huân chương, huy chương lồng trong khung kính đã ố vàng, bên cạnh những tấm hình ông chụp chung với cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng Phan Văn Khải, cố đại tướng Mai Chí Thọ… Điều đặc biệt trong nhà ông có hơn 200 hiện vật thời chiến và thời hái lượm, như một bảo tàng nhỏ.

Là người tôn trọng chữ tín, từ thời làm giao liên cho trung tướng Nguyễn Bình rồi đến đường dây 559, tiếng nói của ông được cả buôn làng và chính quyền địa phương lắng nghe. Ngày 2.5.2020, ông về với đất, để lại một khu bảo tàng nhỏ - những "hiện vật" mang dấu ấn lịch sử của người cả một đời theo Đảng. Các con ông hiện nay cũng là đảng viên. Ở xứ sở miền Đông hào khí này, không phải già làng nào cũng để lại sự danh giá của một gia tộc cho hậu thế, được người đời ngã mũ cúi đầu xem như một tiền nhân chân trần đi mở đất như ông.

Sóc Chơ Ro ở Lý Lịch ngày ấy và bây giờ - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.