Sốc khi mới 29 tuổi đã mắc bệnh Parkinson

Sốc khi mới 29 tuổi đã mắc bệnh Parkinson

09/04/2024 20:30 GMT+7

Mắc bệnh Parkinson gần 14 năm nay, anh T.M.H (sinh năm 1981) vẫn chưa thoát khỏi cảm giác tự tin, mặc cảm khi triệu chứng run không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn làm suy giảm khả năng lao động của anh.

29 tuổi, nam bệnh nhân này xuất hiện triệu chứng run. Hơn 3 năm sau đó, bệnh nhân bàng hoàng khi được chẩn đoán mắc bệnh của người già. Anh kể: "Ngay thời điểm ban đầu bị bệnh, có những dấu hiệu, trong đó ngón áp út ở tay phải giật máy liên tục. Thêm một hiện tượng là mình hay bị nhức đầu. Do độ tuổi mắc bệnh của mình trẻ quá nên đi khám nhiều nơi, bác sĩ chỉ kết luận mình bị run vô căn. Khoảng 3 năm, tức năm 2014, bệnh tiến triển nhiều hơn. Run lên cả cánh tay phải, chân phải, giờ qua cả tay trái. Đến lúc run nhiều như vậy thì bác sĩ mới kết luận mình bị Parkinson".

Gần 14 năm điều trị, căn bệnh này không chỉ gây khó khăn cho nam bệnh nhân trong việc sinh hoạt mà còn trở thành nỗi mặc cảm, tự ti.

Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh tiến triển thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, khoảng 10% trường hợp người bệnh khởi phát ở độ tuổi dưới 40.

Theo TS. BS Trần Ngọc Tài, Phó trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: "Những người trẻ cần nhận biết sớm dấu hiệu bệnh Parkinson. Thứ nhất là khi mình phát hiện bị run. Thứ hai là tự dưng mình cảm thấy chậm chạp hơn so với trước đây. Khi đó chúng ta cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa có kiến thức về bệnh Parkinson thì mới chẩn đoán sớm được".

TS BS. Trần Ngọc Tài đo độ chậm của người bệnh trong buổi tái khám sau phẫu thuật kích thích não sâu

TS BS. Trần Ngọc Tài đo độ chậm của người bệnh trong buổi tái khám sau phẫu thuật kích thích não sâu

BÙI VÂN

Một số dấu hiệu khác để nhận biết sớm bệnh Parkinson là tự dưng mất mùi, bị mớ khi ngủ. Theo bác sĩ Tài, bệnh Parkinson ở người trẻ diễn tiến chậm hơn so với người lớn tuổi nên liều thuốc được kê ít hơn và việc tăng liều cũng diễn ra chậm hơn. Tuy nhiên, người trẻ lại là đối tượng dễ gặp biến chứng do thuốc.

"Các biến chứng liên quan đến thuốc là người bệnh dễ bị lắc, loạn động, dễ xuất hiện hiện tượng thiếu thuốc sớm, gọi là hiện tượng tắt dần, hoặc những dao động vận động do thuốc. Thì những người trẻ thường gặp các biến chứng này hơn so với người lớn tuổi", bác sĩ Tài cho biết.

Hiện nay, người bệnh Parkinson giai đoạn tiến triển, khó kiểm soát bằng việc uống thuốc thông thường có thể cân nhắc thực hiện các phương pháp điều trị xâm lấn. Trong đó, phương pháp kích thích não sâu được xem là một trong những tiến bộ điều trị bệnh Parkinson trên thế giới.

Sau phẫu thuật, người bệnh có những thay đổi tích cực trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh như run tay chân, hụt hơi, cải thiện tốc độ, độ chính xác của các chuyển động cơ thể. Tuy nhiên chi phí phẫu thuật khá cao, khoảng 700 - 900 triệu đồng là lý do khiến nhiều người bệnh khó tiếp cận phương pháp này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.