Sốc nhiễm trùng nặng do 2 mảnh xương cá đâm thủng tá tràng

17/07/2024 16:17 GMT+7

Hai mảnh xương cá đâm thủng tá tràng tạo thành ổ áp xe khiến cụ ông H. (67 tuổi, ngụ Long An) sốc nhiễm trùng nặng, phải nhập viện cấp cứu.

Khai thác bệnh sử, người nhà cụ ông cho biết, buổi trưa cùng ngày nhập viện ông H. xuất hiện triệu chứng sốt, nôn ói, mệt mỏi, tiểu không tự chủ nên nhanh chóng đưa ông vào Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An điều trị.

Ngày 17.7, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Vũ An (Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An) cho biết, bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng sốc, huyết áp tụt, vã mồ hôi, da niêm hồng nhợt, tình trạng nhiễm trùng nặng, rối loạn cân bằng nước, điện giải.

Sốc nhiễm trùng nặng do 2 mảnh xương cá đâm thủng tá tràng- Ảnh 1.

Hai mảnh xương cá được gắp ra khỏi tá tràng

BSCC

Bệnh nhân được hồi sức tích cực tại khoa Hồi sức tích cực, khi sinh hiệu tạm ổn, các bác sĩ cho chụp MSCT bụng 160 lát có thuốc cản quang. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị thủng mặt sau tá tràng D2 - D3, mặt trước tá tràng D1 nghi do dị vật. Khối tổn thương chứa dịch - khí khoang sau phúc mạc.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng do dị vật gây thủng tá tràng trên nền thể trạng già yếu, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Sau khi thống nhất hội chẩn, chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, tiếp cận ổ bụng bệnh nhân, phát hiện nhiều dịch mủ đục và dị vật gây thủng là 2 xương cá có kích thước lớn nằm trong ổ áp xe sau phúc mạc đoạn tá tràng D2 - D3.

Ê kíp làm sạch ổ mủ, đặt hệ thống hút giảm áp lực ở tá tràng, đặt dẫn lưu dưới gan... Sau 10 ngày điều trị hậu phẫu, các ống dẫn lưu được rút, tình trạng bệnh nhân khỏe hơn và được xuất viện về với gia đình, tái khám định kỳ theo lời dặn của bác sĩ.

Bác sĩ An cho biết, thủng tạng, gây áp xe do xương cá không phải là tình trạng hiếm, tùy vị trí xương cá gây thủng mà có thể gây nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Bác sĩ An khuyến cáo người dân nên cẩn thận trong quá trình ăn uống. Loại bỏ tất cả xương trước khi ăn, cần nhai kỹ, chậm rãi, không nên chủ quan với các xương dù nhỏ. Đặc biệt với người già và trẻ nhỏ, phản xạ nhai nuốt kém hơn cần đặc biệt cẩn trọng. Khi rơi vào các trường hợp như đau bụng âm ỉ kéo dài không giảm, hay bất cứ trường hợp đau bụng bất thường nào, người bệnh nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.