Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL

09/10/2023 11:51 GMT+7

Theo Quyết định số 995 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL.

Sáng 9.10, tại Sóc Trăng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề "Tiềm năng và khát vọng". Tham dự hội nghị còn có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, cùng đại diện một số bộ, ngành T.Ư.

Trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL

Theo Quyết định số 995 của Thủ tướng Chính phủ được công bố tại hội nghị, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Chủ tịch Quốc hội dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng

TRẦN THANH PHONG

Quy hoạch xác định một số chỉ tiêu cụ thể về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 14.000 tỉ đồng. Kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%; có 80/80 xã đạt chuẩn nông thôn (NTM) mới, 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3 - 4%/năm.

Chủ tịch Quốc hội dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (phải) trao quyết định quy hoạch cho Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu

TRẦN VĂN LÂU

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội...

Sóc Trăng cần khẩn trương triển khai quy hoạch

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, việc xây dựng, lập quy hoạch đã khó, việc triển khai còn khó hơn và đòi hỏi phải rất khẩn trương. Do đó, Sóc Trăng cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với thực hiện các Nghị quyết T.Ư, nhất là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng - Ảnh 3.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị

TRẦN THANH PHONG

Để triển khai thực hiện thành công quy hoạch, đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trong đó, để đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và một trong những cửa ngõ của vùng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu tỉnh phối hợp Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Chủ tịch Quốc hội dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng - Ảnh 4.

Toàn cảnh hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng

TRẦN THANH PHONG

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề, dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển giai đoạn tiếp theo của tỉnh. Đồng thời tin tưởng rằng, Sóc Trăng sẽ có bước phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa quy hoạch của tỉnh với tầm nhìn đến năm 2050 trở thành khu vực phát triển năng động của vùng ĐBSCL.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.