Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 8.3, Công an TP.Hà Nội đã đấu tranh với hai nghi phạm để làm rõ vụ cướp ngân hàng tại Q.Bắc Từ Liêm. Điều đáng nói là, hai nghi phạm khai quen nhau từ “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, Hiếu và Tùng rủ nhau đi cướp hơn 500 triệu đồng một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội.
Trước đó, vào ngày 8.1, ba thanh niên tuổi đời từ 28 đến 35 tuổi cũng quen nhau từ nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” và rủ nhau đi cướp tài sản ở Q.Hoàng Mai, sau đó sa lưới pháp luật.
Hàng trăm ngàn thành viên
“Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” không phải là nhóm... tào lao duy nhất trên mạng xã hội. Hiện nay, có vô số nhóm được tạo ra, mà trong đó, hàng ngàn, hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn thành viên còn trẻ tuổi thường xuyên 'bày bậy' cho nhau thực hiện những hành vi, hoặc vi phạm pháp luật, hoặc có thể dẫn đến kết cục xám xịt: tan cửa nát nhà, phá vỡ hạnh phúc gia đình, thậm chí là cái chết.
Có thể "điểm danh" ngay các hội nhóm như: Hội những người muốn tự tử (hơn 17.000 thành viên), Hội những người đã từng đi tù (hơn 160.000 thành viên). Hội những người vỡ nợ muốn làm liều (hơn 11.500 thành viên).
Chưa hết, còn có những hội nhóm khác như: Đòi nợ thuê (gần 11.000 thành viên), Hội những người từng đi cai nghiện ma túy (hơn 9.000 thành viên), Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc (hơn 103.000 thành viên), Hội những người ghét cha mẹ (hơn 2.000 thành viên)...
Với số lượng thành viên đông đảo như vậy, thế nên hầu hết bài viết nào cũng nhận được tương tác cao.
Xúi giục, rủ nhau... làm bậy
Tại Hội những người muốn tự tử, không ít bài viết có nội dung than thân trách phận. Như khi có thành viên buông lời ta thán cuộc đời, lập tức nhiều thành viên khác thay vì động viên, an ủi thì lại... bày những cách để có thể kết liễu, giải thoát cuộc đời từ nhảy cầu, uống thuốc cho đến bày cách thắt nút thòng lọng. Cá biệt, có người còn bình luận: "Lớn rồi thì nói được phải làm được. Muốn chết thì phải tự tử thật nhé!"(!?).
Còn tại Hội anh em nợ nần chồng chất, không ít bài viết, bình luận của các thành viên rủ rê nhau 'chơi lớn' để thoát kiếp nợ và... làm giàu bằng cách: đập máy ATM, đi... cướp ngân hàng (!?). "Nếu ở Sài Gòn thì nhắn cho tao. Tao với mày chạy một vòng cũng giật được ít giỏ xách. Chứ một mình tao hơi khó hành động", một thành viên để lại bình luận khi thấy có người muốn "làm gì cho nhanh có tiền".
Và còn rất nhiều bài viết với những nội dung: rủ nhau làm liều một vố, rủ nhau đi trộm chó, rủ nhau đi cướp giật...
Trong khi đó, tại Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc, bên cạnh những bài viết rao bán "đồ chơi tình dục", thì có cả những tài khoản nhận... "đi khách". Nhiều nhất là số lượng bài viết rủ nhau "tình một đêm", "cùng nhau ngoại tình để tìm cảm giác lạ"...
Với các thành viên của Hội những người từng đi cai nghiện ma túy, họ không xa lạ gì với những bài viết rủ nhau... tái nghiện. Còn nhiều thành viên của Hội những người đã từng đi tù lại xúi giục nhau "nên làm gì đó để được... trở lại tù" (!?).
Có những thành viên đang là học sinh, sinh viên, tham gia vào Hội những người ghét cha mẹ, vì có chung nỗi niềm tâm sự đã "tâm đầu ý hợp" rủ nhau "hay là giờ bỏ nhà đi để cho cha mẹ lo"...
Coi chừng... cuộc đời bế tắc
Chứng kiến hoạt động từ những hội nhóm này, thạc sĩ tâm lý Trương Thị Thúy Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn (TP.HCM) cho biết đã rất sốc. "Tôi không nghĩ những hội, nhóm này lại được tạo ra, mà càng sốc hơn khi thu hút nhiều thành viên như thế", bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, giới trẻ nên nói không với việc tham gia những hội, nhóm có nội dung độc hại này. "Đừng nghĩ tham gia cho vui, chỉ để đọc bài. Theo thời gian, có nguy cơ bị tiêm nhiễm bởi những câu chuyện, hành động được dạy bày, hướng dẫn trong đó. Người trẻ đang trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý, rất dễ có khả năng bị chệch choạc trong suy nghĩ và hành động sai lầm nếu liên tục đọc được những nội dung độc hại", bà Hằng cho biết.
"Phần lớn những hội nhóm nêu trên đều được tạo ra với những lời giới thiệu khá hay ho. Như là nơi để cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, cùng nhau tâm sự trải lòng... Thế nhưng, những nội dung đăng tải đều ngược lại. Có người rủ nhau đi trộm cướp, bày cho nhau cách chết, rủ nhau ngoại tình, rủ nhau làm những chuyện dại dột... Có thể thấy, toàn là những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức lối sống có thể dẫn tới "cuộc đời bế tắc". Vì thế, tuyệt đối không tham gia. Hơn nữa, phải báo cáo sai phạm cho Facebook để các hội nhóm ấy không còn cơ hội xuất hiện", bà Hằng nói thêm.
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, thay vì đổ xô tham gia những hội nhóm 'trời ơi đất hỡi' như vậy, hãy tìm đến những hội nhóm có nội dung lành mạnh, có thể giúp đỡ bản thân trong cuộc sống, công việc, học tập. "Học sinh có thể tham gia những diễn đàn chia sẻ cách học tốt, sinh viên có thể tham gia những hội nhóm chia sẻ cách học hiệu quả, cách ôn luyện ngoại ngữ, cách học có thể đạt học bổng. Người trẻ nên tham gia những hội nhóm về khởi nghiệp, kinh doanh...", bà Hằng chia sẻ.
Bình luận (0)