|
Tổng rà soát, tiêm vắc-xin sởi
Sáng nay (19.2), bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết từ ngày 7.3 sẽ tổ chức chích ngừa sởi tại các trạm y tế quận, huyện trên toàn TP.HCM vào thứ 6, thứ 7 hằng tuần.
Mặt khác, ở các trường học, lớp học có từ 30 trẻ trở lên, cơ quan y tế địa phương sẽ đến tổ chức chích ngừa tại chỗ đồng loạt cho trẻ.
|
Sởi là một bệnh có trong chương trình chủng ngừa quốc gia. Trẻ sẽ được tiêm tất cả hai mũi vắc-xin ngừa bệnh sởi. Mũi thứ nhất khi trẻ chín tháng tuổi và mũi tiêm nhắc lại thứ hai vào 18 tháng tuổi.
Tuy nhiên, ghi nhận tại các bệnh viện, số trẻ mắc bệnh sởi phải nhập viện tăng mạnh vừa qua hầu như chưa tiêm hoặc tiêm không đủ liều vắc-xin ngừa sởi.
Trong đó, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết nhiều phụ huynh có tâm lý lo ngại do những trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin nên đã không cho con đi tiêm ngừa như lịch trình.
Vì vậy, ông Thọ yêu cầu các trung tâm y tế dự phòng quận huyện, trạm y tế rà soát, thông báo trường hợp trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin sởi sẽ được tiêm bổ sung.
“Thậm chí nếu phụ huynh không nhớ rõ đã chích ngừa sởi cho con chưa vẫn nên đưa trẻ tới trạm y tế phường chích tiếp mũi vắc xin sởi nữa cho chắc. Chỉ cần lần chích này cách lần chích trước đó, bất kể là chích ngừa gì, một tháng là được”, bác sĩ Thọ nói.
|
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo, người dân không nên lo sợ tiêm vắc xin mà không cho trẻ tiêm ngừa. Nếu vì sợ mà không chích ngừa cho trẻ thì không chỉ dịch sởi bùng phát mà còn nhiều thứ dịch bệnh khác sẽ trỗi dậy, nguy hiểm hơn.
Sởi là bệnh có thể điều trị tại nhà, rất ít khi bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Thế nhưng trong hơn một tháng nay, số trẻ nằm viện điều trị sởi tại các bệnh viện trong TP.HCM tăng đột biến, cao nhất trong vòng ba năm nay.
Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, hiện 19 tỉnh thành phía Nam đã có ổ bệnh sởi. Trong đó, 43% là trẻ dưới 18 tháng tuổi và 13% là trẻ dưới 9 tháng tuổi.
Trung bình mỗi bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) nhận 5-7 ca bệnh mới mỗi ngày, với từ 20-30 bệnh nhân nằm viện điều trị.
Cúm gia cầm mấp mé cửa ngõ
Bên cạnh sởi, Sở Y tế TP.HCM cảnh báo mặc dù chưa phát hiện ca cúm A/H7N9 nào nhưng TP có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao vì là cửa ngỏ giao thông quốc tế. Ngoài ra, nhiều tỉnh giáp ranh với TP.HCM đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N1, cũng là nỗi lo bệnh lây lan.
|
Trước đó, UBND TP.HCM đã quyết định tăng cường thêm ba đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch cúm gia cầm, bên cạnh bốn đoàn cố định hiện có tại bốn cửa ngõ của TP. Đồng thời, đề nghị Sở Y tế thiết lập thêm một đường dây nóng chuyên phòng dịch cúm gia cầm.
Các quận huyện phải báo cáo tình hình phòng dịch về ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm TP 16 giờ hằng ngày.
Hiện tại nhiều tỉnh giáp ranh với TP.HCM đã công bố có ổ dịch cúm gia cầm H5N1 là Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đặc biệt, vừa rồi trên kênh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM, giáp ranh với Tây Ninh, đã phát hiện 11 bao gia cầm chết bị thả trôi.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, phân tích TP.HCM có nguy cơ bị lây cúm gia cầm rất lớn từ khu vực giáp ranh với Tây Ninh. Chi cục Thú y TP.HCM cũng đã xét nghiệm các mẫu gia cầm của người chăn nuôi tại khu vực giáp ranh này. Kết quả có một mẫu nhiễm H5N1 trên đàn gia cầm của một hộ chăn nuôi ở Tây Ninh. TP.HCM đã thông báo kết quả với phía Tây Ninh để xử lý.
Từ đầu năm đến nay, nước ta đã có nay đã có hai ca tử vong H5N1 ở người (một ca ở Đồng Tháp và một ca ở Bình Phước).
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đánh giá H5N1, H7N9, dịch nào cũng đáng sợ. Hiện Bộ Y tế đang giám sát tất cả các loại cúm, phân tuyến điều trị, đẩy mạnh truyền thông để người dân ý thức phòng tránh nhưng không để người dân hoang mang, tẩy chay gia cầm.
Nguyên Mi
>> Tập trung cấp bách chống cúm gia cầm, tiêm bù vắc xin sởi
>> Bất thường dịch sởi, cảnh báo thủy đậu
>> Bệnh nhân nhập viện do sởi tăng cao
>> TP.HCM tăng thêm ba đoàn kiểm tra cúm gia cầm
>> Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp đe dọa Việt Nam
Bình luận (0)