Sôi nổi diễn opera và hòa nhạc trực tuyến giữa dịch Covid-19

15/03/2020 14:16 GMT+7

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 , mọi hoạt động giải trí thế giới đình trệ, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã vớt vát bằng cách đưa các chương trình hòa nhạc, opera... lên mạng.

Ngày 14.3, nhiều nước trên thế giới tiếp tục đóng cửa biên giới, hạn chế tụ tập đông người, kiểm soát chặt việc nhập cảnh và yêu cầu cách ly nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. Nhiều nước đã đóng cửa viện bảo tàng, địa điểm du lịch và hủy các sự kiện thể thao, giải trí để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Biểu diễn hòa nhạc và opera trên mạng để "níu" khán giả
Hãng tin Reuters đưa tin, lệnh cấm tụ tập đông người dự kiến là đòn giáng chí tử vào đời sống âm nhạc thế giới. Trước tình hình này, nhiều ban nhạc đã chọn giải pháp biểu diễn trực tuyến miễn phí vừa giữ "lửa" vừa giữ khán giả. Một trong những nghệ sĩ vừa tổ chức hòa nhạc trực tuyến miễn phí là nghệ sĩ piano người Đức gốc Nga Igor Levit.
Trên tài khoản Twitter tối 12.3, Igor Levit đã thể hiện ngẫu hứng bản Waldstein Sonata Op.52 của Beethoven từ căn hộ của anh ở thủ đô Berlin (Đức) phục vụ khán giả đang phải “bó gối” vì dịch Covid-19. Igor Levit chia sẻ: “Một giai đoạn buồn bã, khoảnh khắc kỳ lạ trong đời! Tôi nghĩ được biểu diễn sẽ vẫn tốt hơn là không làm cái gì cả. Chúng ta hãy đến với kỷ nguyên hòa nhạc tại nhà của thế kỷ 21!” Sau khi màn biểu diễn kéo dài 25 phút được đăng lại 1.500 lần và thu hút gần 6.000 lượt thích trên Twitter, Igor Levit hứa hẹn: “Thật đáng kinh ngạc. Cảm ơn các bạn. Hẹn gặp lại vào tối mai, cũng vào giờ này”.

Trên Twitter tối 12.3, Levit đã thể hiện ngẫu hứng bản Waldstein Sonata Op.52 của Beethoven

Ảnh: Twitter NV

Nhiều nhà hát opera, các trung tâm hòa nhạc khác cũng cùng ý tưởng với Igor Levit. Thay vì hủy buổi diễn Carmen của Georges Bizet, nhà hát hàng đầu thế giới Staatsoper ở Berlin  (Đức)chọn phát trực tuyến câu chuyện về cô gái gypsy quyến rũ cho khán giả toàn cầu thưởng thức.
Nhà hát Berliner Philharmonie cũng không thể hoạt động giữa mùa dịch Covid-19, họ chọn biểu diễn trên mạng, phục vụ khán giả qua màn ảnh. “Berliner Philharmonie sẽ đóng cửa tới 19.4, một biện pháp để ngăn sự lây lan của Covid-19”, dàn nhạc thông báo và nói thêm rằng họ quyết định vẫn tổ chức hòa nhạc “không có khán giả”. Tương tự, nhà hát Metropolitan ở New York (Mỹ) sẽ phát hàng loạt chương trình trực tiếp từ ngày 16.3, mở màn là vở kịch Carmen.
Các buổi diễn đã lên lịch từ trước như buổi diễn của ca sĩ - nhạc sĩ người Anh James Blunt cũng chuyển sang biểu diễn trực tuyến tại thành phố Hamburg (Đức). Hai ngôi sao nhạc Latin Alejandro Sanz và Juané cũng biểu diễn trên mạng vào ngày 15.3.
Chương trình phát sóng trực tuyến "lên ngôi"
Trong khi đó kênh Channel News Asia cho biết số lượng người xem các chương trình phát sóng trực tuyến như mukbang (video với một người vừa ăn một lượng lớn thức ăn vừa trò chuyện với khán giả), dạy nấu ăn ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành.

Nhiều người dành thời gian rảnh để xem video học nấu ăn khi bị hạn chế đi lại do dịch Covid-19

Ảnh: REUTERS

Nội dung thường được tìm kiếm gần đây trên các kênh trực tuyến là cách chế biến những món ăn Trung Quốc và phương Tây. Điều này góp phần thúc đẩy doanh số bán hàng của một vài doanh nghiệp sản xuất, phân phối thiết bị nấu ăn như đồ nướng, máy đánh trứng trên nền tảng thương mại điện tử. Theo nền tảng chuyên phát sóng trực tuyến Billibilli (Trung Quốc), kể từ khi Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 12.2019, những nội dung liên quan đến nấu ăn và thực phẩm đã thu hút hơn 580 triệu lượt xem trên mạng xã hội.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.