Sôi nổi vấn đề Biển Đông tại diễn đàn an ninh khu vực

08/08/2017 07:48 GMT+7

Tranh chấp Biển Đông và tình hình bán đảo Triều Tiên là những vấn đề được thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn khu vực ASEAN.

Ngày 7.8, tại thủ đô Manila của Philippines diễn ra Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) của ngoại trưởng các thành viên ASEAN và 17 nước đối tác trong khuôn khổ đợt hội nghị ASEAN mở rộng từ ngày 2 - 8.8. Đây là diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu về đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu tại ARF, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc bảo đảm hòa bình, ổn định nói chung, trong đó có an ninh biển, là lợi ích chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. TTXVN dẫn lời trưởng đoàn VN nêu quan ngại về tình hình trên thực địa, bao gồm các hoạt động tôn tạo, xây dựng và quân sự hóa; đề nghị duy trì các nguyên tắc và lập trường đã có về vấn đề Biển Đông trong các văn kiện của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác, nhất là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển 1982, các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kêu gọi các nước đối tác và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc, thúc đẩy sớm đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và ràng buộc về pháp lý. Phó thủ tướng đề xuất củng cố và mở rộng các biện pháp đối thoại và xây dựng lòng tin, xây dựng nhận thức chung và năng lực triển khai ngoại giao phòng ngừa.
Tối cùng ngày, phát biểu với báo giới sau diễn đàn, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono cho biết đã có “cuộc thảo luận sôi nổi” về tình hình Biển Đông và bán đảo Triều Tiên. Reuters dẫn lời ông Kono khẳng định Tokyo ủng hộ các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và phản đối mọi hành vi thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Trước đó, Ngoại trưởng Kono cùng những người đồng cấp Rex Tillerson của Mỹ và Julie Bishop (Úc) ra tuyên bố chung kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thiết lập COC “mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, có ý nghĩa, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế”. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar, các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí về COC mang tính ràng buộc pháp lý và tất cả các bên liên quan phải tuân thủ.
Về vấn đề Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson tuyên bố CHDCND Triều Tiên “phải ngưng thử tên lửa đạn đạo” nếu muốn đàm phán. Đáp lại, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ không đưa chương trình hạt nhân và tên lửa lên bàn đàm phán và sẵn sàng cho Washington “bài học nghiêm khắc” bằng lực lượng hạt nhân chiến lược, theo Reuters. Trong cuộc gặp hiếm hoi với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha bên lề hội nghị ở Manila, ông Ri cũng bác bỏ đề nghị đối thoại của Seoul, đồng thời ra tuyên bố phản đối nghị quyết trừng phạt mới của LHQ đối với Triều Tiên. Trong khi đó, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định nước này sẽ thực hiện nghị quyết “100%, đầy đủ và nghiêm túc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.