'Soi' phương tiện đưa xe tăng T-90S về Việt Nam

10/01/2019 19:45 GMT+7

Ngày cuối tháng 12.2018, lô hàng hơn 30 chiếc xe tăng T-90S/SK đầu tiên do Nga chế tạo đã về đến Việt Nam. Phương tiện vận chuyển đoàn tăng này là tàu vận tải Camilla D, theo các trang mạng nước ngoài.

Trước đó, ngày 6.11.2018, ông Viktor Kladov, trưởng nhóm đại diện tập đoàn sản xuất thiết bị quốc phòng Rostec (Nga) tham dự sự kiện triển lãm hàng không tại Chu Hải (Trung Quốc) cho hãng tin Sputnik biết Nga đã sẵn sàng bàn giao phần lớn trong số 64 xe tăng T-90S và T-90SK (xe chỉ huy) cho Việt Nam. “Việc giao hàng đang xúc tiến, phần lớn số xe này đã sẵn sàng”, ông Kladov nói.

Hợp đồng đặt mua 64 xe tăng T-90S/SK được ký vào năm 2016 và dự kiến hoàn tất trong năm 2018 hoặc 2019. Giá trị hợp đồng được cho vào khoảng 250 triệu USD.

Cũng trong tháng 11, một số trang mạng quốc phòng của Nga đăng tải những hình ảnh được cho là xe tăng T-90 của Việt Nam đang được sản xuất và thử nghiệm ở nhà máy của hãng  Uralvagonzavod tại Nizhni Tagil, trong đó có phần ngâm xe tăng vào bể nước trong 20 phút để kiểm tra độ kín nước. Đồng thời còn có một số hình ảnh về xe tăng T-90 Việt Nam thử nghiệm trên thao trường.

Tàu Camilla D vận chuyển lô hàng tăng T-90S/SK đến cảng Hải Phòng ngày 29.12.2018 tài khoản bolshayaigra

Đầu năm 2019, một số trang mạng tại Việt Nam đưa tin và hình ảnh các xe tăng T-90S/SK được bốc dỡ tại một cảng của Việt Nam. Thông tin này cũng được một số trang mạng quốc phòng của Nga đăng tải và cho hay có 32 chiếc tất cả được giao trong đợt này.

Ngày 2.1, tài khoản bolshayaigra trên mạng VK của Nga đăng clip mô tả cảnh xe đầu kéo “khủng” KZKT (Nga chế tạo) chở các xe tăng T-90 rời cảng Hải Phòng. Cũng tài khoản này cho biết lô hàng 34 tăng T-90S và 90SK đầu tiên được tàu vận tải Camilla D chở từ cảng St. Petersburg (Nga) đến cảng Hải Phòng ngày 29.12.2018.

Ghi nhận trên các trang thông tin hàng hải, tàu vận tải Camilla D mang cờ Moldova, cập cảng St. Petersburg ngày 11.11.2018, khởi hành ngày  19.11.2018 ra Đại Tây Dương. Tàu này sau đó ghé Singapore ngày 24.12, và đến cảng Hải Phòng ngày 29.12.2018.

Số xe này được cho là đưa xuống tàu trong ngày và vận chuyển ngay trong đêm, theo tài khoản bolshayaigra.

Tàu vận tải Camilla D marinetraffic

Tàu Camilla D đóng năm 1982, thuộc loại tàu Ro-Ro (phía đuôi tàu có tấm bửng có thể nâng lên/hạ xuống để hàng hóa lên xuống tàu, như kiểu của tàu đổ bộ). Tàu thuộc tập đoàn Groupe Desgagnés (Canada), nay treo cờ Moldova là một quốc gia nằm ở Trung Âu, không có biển (!). Tàu này từng chuyên chở xe tăng T-90 từ Nga sang Iraq.

Còn các xe tải chuyên dụng KZKT-7428 Rusich do Công ty Cổ phần Rusich (trước đây là Xí nghiệp máy kéo Kurgan, Nga) sản xuất, sức chở lên tới 200 tấn. Việt Nam được cho đã nhập loại xe này từ năm 2016-2017.

Xe vận tải chuyên dụng KZKT-7428 Rusich của quân đội Việt Nam Báo Quân đội nhân dân
Xe tải KZKT-7428 Rusich chuyên chở xe tăng T-90 armyrecognition

Xe tăng T-90S/SK là phiên bản xuất khẩu của xe tăng T-90, được Nga tiến hành sản xuất từ năm 1992. Tạp chí Mỹ The National Interest ngày 8.1 có bài viết cho hay T-90 đang là loại xe tăng xuất khẩu được chuộng của Nga do giá rẻ (chỉ bằng nửa giá của xe tăng Mỹ M1 Abrams) nhưng mạnh mẽ, trang bị các phương tiện chiến đấu hiện đại. Các nước nhập khẩu loại tăng này có Ấn Độ, Azerbaijan, Turkmenistan, Algeria, Libya, Iraq, Venezuela và mới đây là Việt Nam.

Tăng T-90 của Việt Nam (ảnh trên) có trang bị hệ thống gây nhiễu chống tên lửa Shtora-1 ở phía trước tháp pháo, tương tự tăng T-90A của Nga (ảnh dưới)  gurkhan.blogspot

Chuyên gia phân tích quân sự Andrei Koshkin bình luận trên hãng tin Sputnik ngày 9.1 về bài báo của The National Interest rằng tăng T-90 vượt xa các xe tăng phổ biến trên thế giới nhờ chất lượng cao nhưng giá rẻ, và khẳng định không có loại tăng nào có tính năng vừa rẻ vừa tốt như thế. Theo ông Koshkin, giá xe tăng tương tự của Đức, Mỹ, Anh cao gấp đôi giá của T-90.

Ông Koshkin nhấn mạnh sức mạnh của tăng T-90 đến từ hệ thống hỏa lực với pháo chính 125 mm bắn được cả đạn xuyên giáp lẫn dùng phóng tên lửa chống tăng, có khả năng bắn trúng các mục tiêu bay ở độ cao thấp. Khi cận chiến, tăng T-90 có súng máy bao phủ được ở các góc chết của xe. T-90 còn trang bị hệ thống bảo vệ thụ động (giáp kích nổ) và chủ động, chẳng hạn loại đèn hồng ngoại Shtora (gắn hai bên tháp xe tăng ở phía trước) gây nhiễu tín hiệu của tên lửa chống tăng điều khiển bằng laser...

Tăng T-90 của Việt Nam thử nghiệm ngâm nước gurkhan.blogspot
Tăng T-90S nặng 46,5 tấn, dài 6,86 m (9,53 m tính luôn chiều dài pháo tăng), ngang 2,49 m, cao 2,06 m. Xe có tốc độ tối đa 60 km/giờ trên đường bộ, tầm hoạt động 550 km, tổ lái có 3 người. Xe trang bị 1 động cơ diesel 840 - 1.200 mã lực, tổ lái còn được trang bị máy điều hòa không khí (phù hợp khí hậu vùng nhiệt đới hoặc nóng). Vũ khí chính có 1 pháo nòng trơn 125 mm, 1 súng máy 12,7 mm (có thể điều khiển từ xa), 1 súng máy đồng trục (trong tháp pháo) loại 7,62 mm, 8 ống phóng đạn khói dùng ngụy trang. Xe trang bị hệ thống điều khiển bắn, nhắm bắn bằng laser, hệ thống chế áp quang điện tử Shtora (đèn hồng ngoại dùng chống tên lửa điều khiển bằng laser), hệ thống nạp đạn pháo tự động (7-8 viên/phút). Xe có thể vượt hào rộng 2,85 m, chướng ngại vật (tường) cao 1 m, lặn dưới nước từ 1,2 m đến 5 m (trang bị hệ thống thông hơi).

Xem clip vận chuyển tăng T-90S rời cảng Việt Nam trong đêm:

Xe tăng T-90 rời cảng trong đêm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.