Soi vào những sai trái

27/02/2012 08:51 GMT+7

Người dân có thể tham gia giám sát công chức ra sao? Dưới đây là câu chuyện của một công dân Trung Quốc với... chiếc điện thoại di động của mình.

“Anh làm cho cơ quan nhà nước nào?” - ông Âu Thiếu Khôn hỏi và gõ gõ vào cửa chiếc ôtô đậu trên phần đường dành cho người đi bộ.

“Anh đi xe công vụ đến đây để làm việc riêng phải không?” - ông hỏi tiếp. Khi người lái xe từ chối trả lời, ông lấy điện thoại di động ra chụp hình biển số xe và người ngồi sau tay lái. Với giọng nói to rõ, người đàn ông 60 tuổi này nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh về chiếc xe đậu ở cổng chợ trước một ngôi chùa đông đúc tại Quảng Đông.

Ông Âu biết tầm quan trọng của việc phải có bằng chứng và nhân chứng khi tố cáo. Bởi vậy, ngay khi nói chuyện với người lái xe, ông đã ấn nút “quay phim” trong điện thoại. Nhiều người dân xung quanh tỏ ra đồng tình với những câu hỏi của ông Âu. Dưới áp lực xung quanh, người lái xe cuối cùng thừa nhận anh ta là công chức, nhưng đang lái xe đi làm và cho ông Âu xem giấy tờ chứng minh. “Ngay cả khi anh không dùng xe hơi công vụ vì mục đích cá nhân, anh vẫn vi phạm quy định là không được đỗ xe hơi ở chỗ dành cho người đi bộ bên đường. Hãy lái xe đến nơi khác” - ông Âu yêu cầu.

 
Ông Âu Thiếu Khôn và chiếc điện thoại đồng hành của ông trong một ngày giám sát xe công bình thường -Ảnh: China Daily

“Công chức không phải là những người có đặc ân để được phép phá vỡ quy định này” - ông Âu tỏ ra rất kiên quyết.

Cuối cùng, người công chức lái xe đi, những người xung quanh hoan hô ông Âu vì lòng dũng cảm, thậm chí họ còn muốn chụp ảnh chung với ông.

Tờ China Daily ngày 24-2 đưa tin và cho biết với người dân ở Quảng Châu, ông Âu được gọi là bác Âu, nổi tiếng vì là người rất kiên gan, thường xuyên theo dõi, nhận xét đánh giá công khai về các việc làm của chính quyền. Ông bắt đầu được nhiều người biết đến từ tháng 4-2011 khi báo cho truyền thông là ông đã có bằng chứng cho thấy một cảnh sát đã sử dụng xe đi tuần để đón con gái ở trường học về. Mất tới ba tháng cảnh sát mới miễn cưỡng công bố thông tin điều tra. Từ đó, việc tìm và đưa ra ánh sáng hành vi lạm dụng xe công vào việc riêng đã trở thành công việc thường xuyên của ông Âu.

Vào dịp lễ lạt, hiện tượng quan chức bỏ nhiệm sở vắng lặng để đi lễ chùa hay làm việc riêng là điều thường thấy, khiến dư luận Trung Quốc không đồng tình.

Một ngày bình thường của ông Âu bắt đầu bằng bữa sáng cùng gia đình. Sau đó, ông đi dạo ở gần nhà tại quận Hải Châu hoặc đi xe buýt tới quận Việt Tú. Đây là những nơi có văn phòng tiếp nhận đơn thư tố cáo của Cục an ninh công cộng Quảng Châu cũng như Cục giá cả Quảng Châu. Ông nhận xét chiếc điện thoại di động của ông có vẻ đã lạc hậu, nhưng có mọi chức năng mà ông cần như chụp ảnh, ghi âm, đưa lên mạng Weibo. Dịp năm mới 2012, ông đã đưa lên mạng hình ảnh hóa đơn làm bằng chứng cáo buộc vợ một quan chức đã mua thực phẩm bằng tiền công quỹ. Ông cũng là một trong những cư dân đầu tiên tham gia phiên điều trần về việc điều chỉnh giá nước tháng 2-2011.

“Thay vì ngồi yên hưởng thụ tuổi già cho an nhàn tấm thân, tôi thích là mình luôn phải vận động, làm gì đó có ích cho xã hội - ông Âu bày tỏ - Vợ tôi cũng đã cố thuyết phục tôi đừng khuấy chuyện lên, nên uống trà, trò chuyện với bạn bè hay đi dạo trong công viên. Nhưng tôi không thể yên lặng khi thấy những điều chướng tai gai mắt”.

Tháng 9-2011, ông Âu đâm đơn kiện lên ba cơ quan chính quyền địa phương vì đã cho phép một công trình xây dựng diễn ra quá lâu trong công viên. “Một số người không thích cách kêu ca hay thể hiện bức xúc suốt ngày của ông Âu, nhưng họ không thể bác bỏ những vấn đề mà ông chỉ ra đúng là đang tồn tại” - Trần Hiển Chiêu, luật sư của ông Âu trong vụ kiện, cho biết.

Lỗ Thanh, một quan chức từ Văn phòng an ninh nhà đất Quảng Châu, nhận xét ông Âu là người hợp tình hợp lẽ. Ông Lỗ cho rằng chỉ khi người dân thực hiện đúng vai trò giám sát của mình đối với các công việc của nhà nước như ông Âu thì chính phủ mới có thể cải tiến được công việc của mình.

Bây giờ, để có thể thực hiện công việc kiện cáo một cách đúng thủ tục, đúng luật, ông Âu đang cắp cặp đi học luật.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.