'Solo: Star Wars ngoại truyện': Nhạt nhòa người hùng huyền thoại điện ảnh Mỹ

25/05/2018 10:00 GMT+7

Dù vẫn kế thừa tinh thần phiêu lưu mạo hiểm từ nguyên tác cũng như duy trì được sự xuất sắc trong khâu kỹ xảo, nội dung phần phim này lại khá an toàn và nhạt nhòa so với những phần trước đó.

Solo: Star Wars ngoại truyện (tựa gốc: Solo: A Star Wars Story) là phần phim riêng về thời trai trẻ của Han Solo - thủ lĩnh tương lai dẫn đầu phe Kháng chiến và là một trong những anh hùng quan trọng bậc nhất vũ trụ Star Wars. Trên hết, đây còn là nhân vật có tính biểu trưng cho nền văn hóa đại chúng Mỹ. Anh có tạo hình na ná một gã cao bồi miền viễn Tây, gương mặt toát lên vẻ khắc khổ, trái ngược với tính cách mưu mẹo lọc lõi bên trong.
Câu chuyện bắt đầu khi Han (Alden Ehrenreich) và bạn gái Qi'ra (Emilia Clarke) lên kế hoạch chạy trốn khỏi hành tinh Corellia để tìm đến những chân trời mới. Trên chuyến hành trình đó, họ vô tình đánh mất nhau, nhưng cũng có dịp gặp gỡ nhiều bạn đồng hành như Chewbacca, Beckett, Lando Calrissian...
Sau Harrison Ford, Alden Ehrenreich được chọn để thủ vai Han Solo
 
Không thể phủ nhận rằng Solo: Star Wars ngoại truyện đáp ứng tầm vóc một bom tấn giải trí mãn nhãn: những màn chiến đấu dài hơi, những chuyến du hành đến nơi tận cùng vũ trụ, những bài học về tình bạn, tình yêu và sự bội phản. Tính đến thời điểm này, các phần phim Star Wars do Lucasfilm sản xuất dưới trướng của Disney dù gây tranh cãi về nội dung, dù vướng vô số lùm xùm trong khâu sản xuất (như vụ sa thải cặp đôi đạo diễn Phil Lord và Christopher Miller để mời Ron Howard thay thế) nhưng vẫn duy trì phong độ khá ổn, chất lượng không hề thua kém bất kỳ bom tấn giải trí nào trên thị trường. Thương hiệu Star Wars luôn là niềm tự hào của nền điện ảnh Mỹ, là cái tên "bảo chứng" phòng vé. Dĩ nhiên, phần phim về Han Solo lần này cũng không ngoại lệ.
Kỹ xảo đỉnh cao, âm nhạc hùng tráng luôn là thế mạnh của dòng phim Star Wars sau khi 'phục sinh' dưới tay Disney
Thế nhưng khi đặt cùng những phần như Rogue One, The Force Awakens, The Last Jedi, Solo: Star Wars ngoại truyện lại là phần phim tệ nhất, nhạt nhòa và dễ quên. Bỏ qua những tình tiết rập khuôn dễ đoán trong phim, hạt sạn lớn nhất lại nằm ở khâu xây dựng nhân vật.
Các nhà sản xuất đã có trong tay người hùng nổi tiếng bậc nhất văn hóa đại chúng Mỹ, thế nhưng vẫn còn loay hoay trong việc khai thác tiềm năng của nhân vật. Có rất nhiều câu hỏi xoay quanh Han Solo, ví dụ như anh với Chewbacca đã gặp nhau ra sao, nguyên nhân nào đã đưa anh đến với phe Kháng chiến, điều gì khiến anh từ một người lạc quan trở thành kẻ hoài nghi, hay đơn giản chỉ là tên thật của anh là gì, vì sao anh chọn cái họ Solo? Tất cả chi tiết giúp người xem hiểu hơn về nhân vật thì chỉ được giải đáp hời hợt, qua loa, còn hơn nửa thời lượng phim tập trung vào "nhiệm vụ bất khả thi" mà Solo thực hiện cho tổ chức tội phạm Bình Minh Đỏ. Rồi phim kết thúc đột ngột khi con đường của Han Solo và phe Kháng chiến vẫn chưa giao nhau, Han Solo vẫn nguyên vẹn là một gã lông bông chưa tìm được lý tưởng. Điều đó cho thấy Disney đang hứa hẹn sẽ "vắt sữa" một phần ngoại truyện tiếp theo trong tương lai gần.
Emilia Clarke xinh đẹp, nền nã khi hóa thân vào vai bạn gái của Han Solo
 
Suốt toàn bộ diễn biến câu chuyện, Han Solo hiện lên khá nhạt nhòa, chỉ thốt ra những câu khuôn sáo. Diễn viên Alden Ehrenreich vẫn chưa truyền tải được sự ngông nghênh, bất cần của nhân vật bằng cử chỉ và nét mặt, do đó không thể vượt qua cái bóng quá lớn mà Harrison Ford để lại. Trái lại, "mẹ rồng" Emilia Clarke lại mang đến một Qi'ra vừa quyến rũ nhưng cũng nguy hiểm khôn lường. Woody Harrelson lẫn Donald Glover đều diễn tròn vai. Dù vậy nếu so sánh với những Mark Hamill, Carrie Fisher cùng thế hệ mới Adam Driver, Daisy Ridley... có diễn xuất đột phá trong phần phim The Last Jedi ra mắt cuối năm ngoái thì những diễn viên trong phần ngoại truyện này lép vế thấy rõ.
Bộ phim hiện được chấm 71% trên Rotten Tomatoes và 6,5/10 trên IMDb.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.