Điều chỉnh thuế, vẫn chờ lạm phát
Cử tri đoàn đại biểu Quốc hội (QH) 12 tỉnh, thành phố vừa qua đã có kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo hướng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) đối với người nộp thuế cho phù hợp tình hình KT-XH và mức sống hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương tăng lương của nhà nước từ ngày 1.7. Trả lời các kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết đang rà soát, đánh giá tổng thể luật Thuế TNCN, trong đó có nội dung về mức GTGC để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH, QH xem xét sửa đổi, bổ sung; dự kiến đăng ký chương trình xây dựng luật vào năm 2025, trình QH cho ý kiến vào tháng 10.2025 và thông qua vào tháng 5.2026.
Mức GTGC cho người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Bộ Tài chính cho rằng mức này cao hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người. Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê công bố, thu nhập bình quân đầu người/tháng của VN trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người. Mức giảm trừ thuế TNCN của VN cao hơn các nước đang áp dụng từ 0,5 - 1 lần. Về lý do chưa thể điều chỉnh mức GTGC, Bộ Tài chính cho rằng theo quy định luật Thuế TNCN, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% mới điều chỉnh mức GTGC. Trong khi từ năm 2020 đến nay chỉ số giá tiêu dùng biến động chưa tới 20% nên chưa điều chỉnh mức GTGC.
Việc đề xuất tăng mức GTGC cho người nộp thuế đã được đề cập từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thay đổi. Trong khi đó, số thu của sắc thuế này vào ngân sách ngày càng tăng cao. Theo báo cáo thu ngân sách 8 tháng năm 2024 vừa được Tổng cục Thuế công bố, các cá nhân đóng thuế TNCN đạt 81,3% dự toán thu. Theo Nghị quyết 104/2023 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, số thu thuế TNCN năm 2024 là 159.124 tỉ đồng. Như vậy, với mức đạt 81,3% dự toán thu ngân sách trong 8 tháng, các cá nhân hiện nay đã đóng số thuế lên 129.367 tỉ đồng, tăng hơn 14.630 tỉ đồng so với tính đến cuối tháng 7 và chiếm 11,6% số thu nội địa (hơn 1,107 triệu tỉ đồng trong 8 tháng đầu năm). Dự kiến 4 tháng còn lại số thu thuế TNCN có khả năng vượt kế hoạch năm.
Có lý nhưng chưa có tình
Ông Nguyễn Ngọc Tú (Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho rằng Bộ Tài chính dẫn luật Thuế TNCN quy định chỉ số CPI tăng 20% mới thay đổi mức GTGC về lý là không sai. Thế nhưng về tình, những quy định lạc hậu của luật Thuế TNCN đang gây ra gánh nặng cho người nộp thuế. Chưa kể, việc so sánh mức GTGC giữa VN và các nước là khập khiễng. Ở các nước phát triển, thuế TNCN trừ mức khởi điểm cao, phúc lợi xã hội tốt (con đi học, chữa bệnh không mất tiền), hơn nữa có một số chi phí lớn cũng được trừ (mua nhà lần đầu tiên thì năm đó được miễn thuế TNCN; tiền thuê nhà, tiền học trình độ cao có hóa đơn chứng từ được trừ vào chi phí trước khi tính thuế)…
"Còn ở VN, người lao động ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có thu nhập 20 triệu đồng/tháng liệu có mua được nhà? Thêm vào đó, chi phí cho con đi học, đi học thêm, học kỹ năng sống rất lớn thì mức GTGC 4,4 triệu đồng/người/tháng thì làm sao chi đủ. Khi những chi phí thiết yếu trong cuộc sống không được trừ ra đã gây nên bức xúc cho người nộp thuế, cũng như không tạo động lực cho việc đầu tư, học hành tạo ra thu nhập trong tương lai", ông Tú nhận định.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tú, từ năm 2020 - 2023, chỉ số CPI đã tăng 11,47%, mức GTGC điều chỉnh thường sau khi CPI tăng thì người nộp thuế đã chịu thiệt. Trong đó, một số mặt hàng thiết yếu có tốc độ tăng giá nhanh hơn, tác động đến đời sống người nộp thuế nhiều hơn. Đó là chưa kể từ ngày 1.7.2024, thu nhập của người nộp thuế tăng lên do điều chỉnh lương từ khu vực nhà nước thêm 30% nhưng mức GTGC vẫn đứng yên một chỗ. Do vậy ông Tú cho rằng không nên máy móc chờ CPI tăng lên 20% mới thay đổi mức GTGC, mà Chính phủ cần sớm nhanh chóng tăng mức này lên nhằm tránh gánh nặng thuế. Đây cũng là vấn đề cấp bách mà nhiều đại biểu QH đã đề cập trong mấy năm qua. Bộ Tài chính cũng nên xem xét sớm đưa ra dự thảo điều chỉnh mức GTGC cho người nộp thuế, việc chờ đợi đến năm 2025 hay 2026 theo lộ trình sửa luật thì người nộp thuế sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn. Việc sửa luật Thuế TNCN vào năm 2025 là dự án tổng thể, sửa nhiều quy định, chứ không riêng gì điều chỉnh mức GTGC.
"Do vấn đề cấp bách của việc điều chỉnh tăng mức GTGC, Bộ Tài chính có thể đưa ra mức tăng GTGC sớm để trình Ủy ban Thường vụ QH thông qua, chứ chờ thêm 2 năm rưỡi nữa thì sẽ rất dễ rơi vào tình trạng lạm thu. Ngoài ra, còn một giải pháp khác có thể giải quyết là thực hiện miễn giảm thuế TNCN từ 30 - 50% cho người nộp thuế trong năm 2024 khi chưa điều chỉnh tăng được mức GTGC. Bởi những năm qua, chính sách thuế thực hiện miễn giảm thuế 30% cho doanh nghiệp thì nay có thể áp dụng đối với cá nhân. Điều này giúp họ có thêm thu nhập để chi tiêu, đầu tư trong cuộc sống, cũng là cách kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm", ông Nguyễn Ngọc Tú đề xuất.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc sửa luật Thuế TNCN vào năm 2025 và áp dụng vào năm 2026 là sửa tổng thể, liên quan đến nhiều quy định khác nhau sau hơn 10 năm áp dụng luật, trong đó có mức GTGC. Thực tế hiện nay mức GTGC lạc hậu đang gây ra nhiều bức xúc, không nên chờ đến thời điểm đó mới sửa. Ngay từ đầu năm, tại Nghị quyết 20 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2024, Chính phủ cũng đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức GTGC trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân. Nếu lấn cấn về quy định tại luật Thuế TNCN là CPI tăng 20% mới điều chỉnh mức GTGC thì đừng dựa vào sự bất hợp lý này nữa.
Bình luận (0)