Đổi mới giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, để triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, Bộ đã tập trung hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ. Đồng thời, tập trung xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non mới; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi...
Ông Phúc cũng đề xuất về các vấn đề như tiền lương cho nhà giáo; chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người VN ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở GD-ĐT tại VN...
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động, trình Chính phủ ban hành trong nửa đầu tháng 11.2024.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm GD-ĐT - quốc sách hàng đầu, với tinh thần đổi mới GD-ĐT là nhiệm vụ trọng tâm. "Chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương này, nhất là trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh 5 yếu tố mang tính phương châm về: thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập. Về thời gian, thời gian là vàng, nếu chậm về thời gian là lạc hậu, bị bỏ lại phía sau, do đó các chính sách phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả.
Phải có đột phá để đưa nền GD-ĐT nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt. Cùng với đó, phát huy tự lực, tự cường, tự tin, tự chủ, tự hào dân tộc, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Về hội nhập, phải đi đúng xu hướng thời đại, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong phát triển GD-ĐT.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý 3 nội dung trong dự thảo Chương trình hành động. Theo đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các cơ sở GD-ĐT để có không gian sáng tạo; nâng cao tính tự chủ của các địa phương với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Hai là, nâng cao chất lượng học và dạy, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, việc dạy học phù hợp lứa tuổi học sinh, tạo động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô giáo là động lực. Ba là, xây dựng cơ chế đẩy mạnh hình thành một xã hội học tập và học tập suốt đời.
Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2
Theo Thủ tướng, Bộ GD-ĐT cần lưu ý các nội dung liên quan đến rà soát quy hoạch mạng lưới, chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các bộ môn khoa học cơ bản, các lĩnh vực truyền thống và các ngành kinh tế mới nổi (chip bán dẫn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh...).
Về nguồn lực đầu tư cho giáo dục, bảo đảm chi cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2, đồng thời đào tạo ngoại ngữ khác theo nhu cầu. Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong trong quý 1/2025 hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính nghiên cứu, tổng kết các mô hình tốt, cách làm hay để xây dựng chính sách huy động nguồn lực, lấy nguồn lực Nhà nước là vốn mồi, phát huy vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội.
Về nâng cao chất lượng nhân lực, quản lý viên chức ngành giáo dục, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát, đề xuất về biên chế ngành giáo dục và nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý biên chế, tiêu chuẩn viên chức. Chú ý bảo đảm đủ phòng học theo hướng tăng quy mô của các trường, xây dựng các trường theo mô hình liên cấp, giảm điểm trường, phù hợp thực tế, điều kiện hoàn cảnh đất nước và từng nơi.
Thủ tướng cũng giao Bộ GD-ĐT chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người VN ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục VN. Đồng thời, phải có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Bình luận (0)