1. Cha quen mẹ từ khi bà là một thiếu nữ bán hoa rong. Buổi giao thời, kinh tế còn khó khăn, ăn chẳng đủ, mấy người chơi hoa, chỉ ít người có thói quen mua hoa về chơi.
Vậy mà, cha tôi lại có cái thú lạ, công làm nghề đóng gạch thuê của ông chẳng được bao nhiêu mà hễ thấy đâu có hàng hoa là lại tấp vào mua và trò chuyện với người bán ríu rít.
Hồi đó, hoa thường được để trong rổ, trong thúng và lắc lư trên đôi vai người gánh đi bán. Tiếng rao của mẹ ngọt lừ, từ công viên Thống Nhất lên hồ Thiền Quang, rẽ ngang qua Bà Triệu, Phố Huế. Gặp mẹ, cha ghẹo: “Anh muốn mua bông hoa to nhất ở đây, em có bán không, thì theo anh về?”. Mẹ bẽn lẽn, rồi nhiều lần như thế, mẹ phải lòng cha lúc nào không hay.
Lấy mẹ, cha theo mẹ làm nghề buôn hoa. Gánh hàng rong, rồi xe hoa dạo có thêm đôi bàn tay xù xì người đàn ông. Thấy cha bán hoa, không ít người tò mò xúm vào mua. Hồi đó, ngoại thành Hà Nội còn nghèo, nội thành thì khá giả hơn. Nhưng người Hà Nội thì ai cũng chơi hoa, họ mua hoa như món ăn tinh thần hàng ngày. Nghề buôn hoa giúp cha mẹ mưu sinh và nuôi các con ăn học.
Mỗi buổi chợ hoa của cha mẹ thường bắt đầu từ lúc một giờ sáng tại chợ hoa Quảng Bá, chợ hoa lớn nhất thủ đô. Chợ họp từ tối hôm trước nhưng tấp nập nhất vào lúc rạng sáng. Cha thường chở mẹ đi từ giữa đêm. Từ lúc có chiếc xe máy Trung Quốc, công việc đi chợ hoa của cha mẹ có phần nhàn hơn, mỗi xe hoa như một đống rơm nhỏ, lung linh đủ sắc màu.
Hồi nhỏ, cha mẹ đi chợ là lúc tôi ngủ say nhất nên không biết gì. Đến khi lớn hơn, mỗi lần cha đi, tiếng xe máy lại làm tôi tỉnh dậy. Những hôm trời mưa gió là những hôm tôi thấp thỏm không ngủ được vì lo cho cha mẹ đi ngoài đường không an toàn.
Mẹ thường kể cho tôi về các phiên chợ hoa đêm. Chợ đông vui như đi chơi hội. Nếu tôi thích, mẹ sẽ cho tôi đi thử, nhưng tôi chẳng thể vượt qua được cơn thèm ngủ lúc nửa đêm. Tôi biết mẹ nói vậy cho tôi bớt lo, chứ đêm hôm lặn lội sương gió, bao năm trời mẹ chưa bao giờ được trọn giấc.
2. Chợ hoa đêm Quảng Bá là nơi mà các hộ nông dân trồng hoa ở ngoại thành mang về nhiều nhất. Những người như mẹ sẽ mua lại để đi bán lẻ khắp nơi.
Ở đây, loài hoa nào cũng có, để phục vụ các nhu cầu khác nhau. Hoa huệ để đi lễ đình, lễ chùa, hoa cúc, hoa hồng để cúng gia tiên, còn hoa ly, hoa láng để cắm bàn, hoa đồng tiền để cầu mong phúc lộc... các loại hoa khác cũng nhiều chẳng kém, nào thạch thảo, thanh liễu, salem, violet… đủ cả bảy sắc cầu vồng.
Vào ngày rằm, mùng một, người đổ về mua hoa đông gấp ba bốn lần, khách nước ngoài đi khám phá chợ hoa nhiều không kém, ai nấy cũng hớn hở, tò mò.
Cha mẹ thường về nhà trong sáng sớm mờ sương, khi con gà trống trong chuồng mới bắt đầu gáy. Đó là lúc tôi thở phào sau giấc ngủ chập chờn. Mùa đông, trời giá rét, cha mẹ vẫn phải làm hoa, đôi bàn tay sũng nước, đỏ lừ. Thỉnh thoảng, gai hoa lại đâm vào tay, mẹ chẳng kêu đau nhưng lỡ làm gãy một bông là mẹ lại tiếc tần ngần.
Có lần tôi thấy cảnh chợ hoa Quảng Bá trên tivi. Mẹ ngồi cạnh, khoe hôm trước có anh phóng viên chĩa máy quay vào mẹ, không biết có được lên hình không. Rồi mẹ chợt thốt lên khi thấy những người quen trên màn ảnh, mẹ đọc tên từng bác hàng hoa, từng lối mẹ thường đi, và tiếc mãi vì không thấy hình ảnh của mình.
3. Đôi chục mùa đông giá rét đã qua, mẹ đã tính nghỉ nghề hoa, còn cha vẫn dùng dằng chưa dứt. Cha thương mẹ, muốn giữ nghề hoa để kiếm sống cho gia đình, cũng là để tô điểm cho đời. Nhưng nghề hoa cũng cực nhọc lắm, bán hết không sao, mà ế thì xót hoài phận hoa. Mỗi lần như thế, cha lại chở đi tặng mấy khách quen mà không nỡ bỏ đi…
Một ngày gần tết, chiều về qua đường Lê Duẩn, tôi lại ngẩn ngơ nhìn dáng hình của mẹ ngày nào trên những xe hoa, thấy bàn tay thô ráp giống cha khéo léo gói hoa cho khách.
Lại nhớ những đêm mưa bão thấp thỏm không ngủ, tiếng sấm sét ùng oàng đáng sợ, khi đó, bậc sinh thành vẫn dầm mưa như thân cò với những chuyến hoa để nuôi chúng tôi khôn lớn, nên người.
Thương lắm, nghề hoa ơi!
|
Bình luận (0)