Sớm tháo gỡ ‘nút thắt’ nợ xấu

23/06/2021 17:30 GMT+7

Nghị quyết 42 của Quốc hội đã giúp hệ thống ngân hàng xử lý được 350.000 tỉ đồng nợ xấu, tuy nhiên, nhiều nút thắt vẫn cần tiếp tục phải tháo gỡ.

Ngày 23.6, Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nợ xấu trong đại dịch Covid-19: Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp”.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết số 42/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 21.6.2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.8.2017. Hơn 3 năm đi vào thực tiễn, nghị quyết đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Tới nay, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 530.000 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15.8.2017 đến 30.4.2021, xử lý được gần 350.000 tỉ đồng (66% số nợ) nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8.000 tỉ đồng/tháng. Trong đó, khách hàng tự nguyện trả nợ 150.000 tỉ đồng, tăng gấp đôi thời điểm trước Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết đã có 350.000 tỉ đồng nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 của Quốc hội

Ảnh T.P

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cho biết kết quả xử lý nợ xấu đạt được là rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD.
Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại. Nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ. Nghị quyết 42 có thể động viên khách hàng tự nguyện giao tài sản, có những trường hợp thu giữ được trao điều kiện rất cao, nhưng có trường hợp chỉ giới hạn trong điều kiện ảnh hưởng an ninh quốc gia. TCTD chưa áp dụng thủ tục tranh chấp, không thể thực hiện được. Ngoài ra, còn có những khó khăn về các vấn đề liên quan đến thuế.
“Nên tiếp tục nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm. Sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ, phải có khuôn khổ pháp luật cho thị trường ấy, các công cụ cũng phải được hoàn thiện. Hiện nay, có thể mua bán nợ theo hình thức cạnh tranh hoặc đấu giá, còn rất sơ khai", ông Thắng kiến nghị.
Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia cũng kiến nghị cần phải tháo gỡ nút thắt như sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán, dẫn đến quá trình thực thi nghị quyết gặp không ít khó khăn.
Thứ 2, còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, định giá, thẩm định giá khoản nợ và tài sản đảm bảo khó khăn. Còn thiếu hướng dẫn về cơ sở xác định giá trị khoản nợ và tài sản đảm bảo trong khi khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo đi kèm có khác biệt so với nợ thông thường… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.