'Sớm thể chế hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm'

04/06/2022 17:11 GMT+7

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ xây dựng văn bản để thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đó là một trong những vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra hôm nay 4.6.

Thủ tướng lưu ý khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi và thời cơ

nhật bắc

"Đặc biệt chú ý sức ép lạm phát"

Các báo cáo và ý kiến tại cuộc họp đều nhận định, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tháng 5 ổn định và tăng trưởng; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng.

Thương mại và dịch vụ tháng 5 sôi động. Vốn FDI thực hiện 5 tháng đạt 7,71 tỉ USD, tăng 7,8% và thu hút FDI xanh là xu hướng ngày càng rõ nét. Số doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường đạt khoảng 100.000, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến phát biểu tại phiên họp, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Theo Thủ tướng, có được những kết quả tích cực nói trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và thế giới diễn biến khó lường, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng, dầu tăng cao, tác động từ tình hình xung đột Ukraine, chính sách của các quốc gia sau dịch Covid-19.

Theo người đứng đầu Chính phủ, cần đặc biệt chú ý sức ép lạm phát tăng mạnh. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro. Nợ xấu có xu hướng tăng.

Việc giải ngân đầu tư công chưa được cải thiện mạnh mẽ. Chăn nuôi khó khăn do giá thức ăn cao; hoạt động khai thác biển khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao. Đăng ký mới FDI có xu hướng giảm.

Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Thiên tai, mưa lũ diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề. Nguy cơ xuất hiện một số dịch bệnh mới như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính ở trẻ em... An ninh trật tự, an toàn xã hội có những diễn biến phức tạp như cờ bạc trên mạng, an ninh mạng...

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Thủ tướng yêu cầu với các khó khăn, thách thức này, cần bám sát tình hình, thẳng thắn, nhận diện kịp thời, có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ xây dựng văn bản để thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Giải quyết các điểm nghẽn về quy hoạch, đầu tư công

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau.

Trước hết, phải tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vắc xin cho trẻ em.

Bộ Y tế hướng dẫn về 5K phù hợp tình hình mới; nghiên cứu sửa đổi quy định tiêm vắc xin cho phù hợp, thực tiễn đã cho thấy vắc xin là yếu tố quyết định để phòng, chống dịch Covid-19, mở cửa trở lại.

Căn cứ tình hình thực tế để sử dụng hiệu quả khoản kinh phí 46.000 tỉ đồng được bố trí dành cho nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.

Thủ tướng lưu ý tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, những dịch bệnh khác có thể nổi lên, do đó, phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm vắc xin, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng chống dịch bệnh, ai làm sai phải xử lý, ai làm tốt, có công thì động viên, tôn vinh, khen thưởng.

Cùng với đó, theo dõi sát tình hình quốc tế để huy động sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế, đồng thời phát huy mạnh mẽ tinh thần độc lập, tự chủ; tiếp tục xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi và thời cơ.

Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tế, nhất là phối hợp với các cơ quan của Quốc hội giải quyết các điểm nghẽn về quy hoạch, đầu tư công, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia, các vấn đề liên quan tới vật liệu xây dựng, đất rừng, đất lúa... mà nhiều địa phương kiến nghị.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt. Phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả, xử lý nghiêm các sai phạm nhưng bảo vệ những người làm ăn chân chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.