Chương trình "Chào buổi sáng nước Mỹ" (Good Morning America) của đài truyền hình ABC vừa qua đã khiến người Mỹ và thế giới phải choáng ngợp trước hình ảnh kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng Việt Nam.
Hang Én - nơi trực tiếp của chương trình Good Morning America - Ảnh: T.L
|
Điều thú vị ở chỗ Nhà nước Việt Nam không phải trả tiền, ngoài 85.000 USD của một doanh nghiệp du lịch hỗ trợ, lo giúp khâu ăn ở, đi lại và máy bay trực thăng cho đoàn làm phim. Còn ABC phải chi 300.000 USD để thực hiện sự kiện này.
Tôi xin được nhắc lại hai câu chuyện trước khi quay trở lại nhìn nhận ý nghĩa của sự kiện hang Sơn Đoòng được phát trực tiếp trên truyền hình Mỹ. Vào khoảng tháng 3. 2008, trong một dịp gặp gỡ giới báo chí ở Hà Nội nhân dịp ông vừa nhậm chức, tân Đại sứ Cộng hoà Nam Phi tại Việt Nam Super Ratubatsi Moloi có kể cho chúng tôi rằng, trước ngày ông sang Việt Nam nhận nhiệm vụ, ông đã rất bất ngờ trước câu hỏi hồn nhiên của người bạn: "Ông không biết ở Việt Nam đang có chiến tranh hay sao mà lại sang đó làm việc?" và Đại sứ đã trả lời: "Không, ở Việt Nam, chiến tranh đã chấm dứt trên ba chục năm rồi!".
Điều đó cho thấy việc giới thiệu Việt Nam ra thế giới về đất nước, con người và khả năng hợp tác các mặt... quả là vô cùng cần thiết. Thế rồi, cơ hội để Việt Nam làm được điều đó đã tới, khi chúng ta có dịp đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ vào tháng 7.2008. Một cơ hội phải nói là cực lớn, lẽ nào lại bỏ qua? Công ty CP Hoàn Cầu của Việt Nam đã nhận lời đứng ra tổ chức và lo vận động tài trợ cho cuộc thi, tức là Nhà nước đã đồng ý với chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa mang tính quốc tế lớn như thế này.
Thế nhưng, một bài toán khó đã đặt ra. Đó là để có 9 phút quảng bá đất nước trên truyền hình, nước đăng cai – tức Việt Nam - phải nộp cho nhà tổ chức sự kiện 9 triệu USD (ban đầu dự kiến là 7 triệu) như thông lệ từ trước tới nay. Điều đó cũng có nghĩa là một gánh nặng tài chính đối với Ban chỉ đạo và Ban tổ chức phía Việt Nam.
Vâng, để được quảng bá Việt Nam ra với thế giới trong 9 phút, chúng ta cần nộp cho nhà tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ 9 triệu USD. Còn trong sự kiện Đài truyền hình Mỹ ABC đưa hình ảnh hang Sơn Đoòng của Việt Nam, không hiểu nếu chúng ta phải trả tiền thì họ sẽ lấy bao nhiêu khi mà thời lượng phát sóng của họ những trên 3 tiếng? Thật là khó hình dung các cơ quan văn hoá, du lịch Việt Nam nghĩ sao nhân mấy sự kiện tôi vừa kể?
Chúng ta đã từng bỏ lỡ uổng phí nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với thế giới. Nếu nhìn vào kinh phí mỗi năm, dù là ngân sách trung ương, địa phương hay xã hội hoá để chi cho các hoạt động lễ hội, đó sẽ là khoản tiền vô cùng lớn. Nhưng quanh đi quẩn lại, năm nào cách làm cũng giống nhau, nhợt nhạt , kém hấp dẫn. Trong khi đó, để chấp nhận chi một khoản lớn cho quảng bá ra thế giới như các kênh truyền hình nổi tiếng, chúng ta lại tính toán quá so đo và chi rất "rón rén"...
Kết thúc chương trình "Good Morning America”, hầu hết khán giả đều chưa dứt khỏi sự choáng ngợp khi lần đầu nhìn thấy bên trong hang Sơn Đoòng. "Tôi vừa xem xong chương trình. Không thể tin được đây là những cảnh có thật trên trái đất", một khán giả Mỹ nhận xét. Rồi một khán giả khác tên Chelsie Hanna đã mô tả "những cảnh quay ở Sơn Đoòng thật như trong truyện cổ tích"... Không chỉ có khán giả Mỹ và thế giới, ê kíp "Good Morning America" trong đó có nhà sản xuất Maria Stefanopoulos đã coi chuyến khám phá Sơn Đoòng là trải nghiệm tuyệt vời nhất từ trước đến nay của họ. Một hy vọng tràn trề về tiềm năng phát triển du lịch khám phá hang Sơn Đoòng đã đặt ra trước mắt. Song sẽ khai thác ra sao để bảo vệ môi trường, tạo nên sức hút ngày một nhân lên, đó mới là một bài toán không giản đơn. Cũng qua câu chuyện này, có lẽ Nhà nước cũng cần có cái nhìn và sự đầu tư mạnh mẽ hơn trong công việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với thế giới, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.
Bình luận (0)