Có mặt ở xã Sơn Lôi trong ngày cuối cùng của đợt cách ly, chúng tôi ghi nhận những mạch đời vẫn không ngừng chảy…
An toàn đến giờ cuối
Tại chốt số 1, kíp trực gồm 10 người vẫn kiểm tra giấy tờ, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay cho từng vị khách trước khi cho chúng tôi vào xã. Chốt số 1 có 41 người, chia thành 4 ca trực luân phiên suốt 20 ngày qua, mỗi ca 3 tiếng. Tổng lực lượng giữ 12 chốt khoảng 400 người.
Đứng ở đây hơn nửa tiếng, chúng tôi thấy một xe cứu thương đi ra và dừng lại để sát khuẩn, tiếp theo là một cô gái đi xe máy từ trong làng ra. Cô dừng lại bên vệ đường, rồi chạy bộ về phía chiếc barie để nhận túi đồ từ một thanh niên và trả tiền. Thanh niên cầm tiền nhưng chờ một nhân viên y tế sát khuẩn bàn tay rồi mới rời đi.
|
Chị Đỗ Quỳnh Mai, một nhân viên trực ca sáng 3.3 ở chốt số 1, cho biết toàn bộ 3 nhân viên y tế trong ca trực đều được điều động từ các trạm y tế xã thuộc Trung tâm y tế H.Vĩnh Tường. Trực xong, chị không được về nhà mà phải đến một điểm cách ly khác, là một khách sạn nhỏ cách xã Sơn Lôi 9 km. “Cả 96 nhân viên, cán bộ y tế được điều động đi phục vụ Sơn Lôi trong đợt cách ly dập dịch này đều được ngành y tế tỉnh bố trí cho ở đó. Suốt 20 ngày nay như thế rồi”, chị Mai nói. Còn đại úy Phùng Văn Du, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự H.Bình Xuyên - một thành viên khác của ca trực, chia sẻ: “Anh em bên quân đội và công an thì về ở trong các doanh trại, hoặc trong các lán cách ly mà lực lượng mình bố trí. Chẳng một ai được về nhà trong suốt 20 ngày qua”.
|
Mỗi người tự giác chịu thiệt một chút
Đường thôn Ngọc Bảo (một trong 6 thôn của xã Sơn Lôi) khá vắng vẻ, rất hiếm bóng người qua lại. Tại UBND xã, ông Lê Thanh Hải, cán bộ tư pháp, đang làm thủ tục đăng ký kết hôn cho một đôi bạn trẻ. Chú rể tên Phạm Văn Tú, nhà ở thôn Ái Văn, cô dâu là Nguyễn Thị Hà, nhà ở thôn Lương Câu, cả 2 đều là công nhân một khu công nghiệp gần đấy. Chia sẻ với PV Thanh Niên, Tú cho biết: “Lẽ ra cuối tuần vừa rồi chúng em tổ chức đám cưới. Nhưng vì vướng dịch nên hoãn lại. Em cũng chưa biết hoãn đến bao giờ. Bây giờ 2 đứa cứ đăng ký thành vợ chồng sống một nhà đã, rồi tính sau”.
Chế tạo thành công kit thử chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2 sau 80 phútChiều 3.3, Viện Hàn lâm KH-CN VN công bố hoàn thành nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện người nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Sau gần 1 tháng, nhóm nghiên cứu của PGS-TS Đồng Văn Quyền và PGS-TS Đinh Duy Kháng thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH-CN VN) đã chế tạo thành công bộ kit dựa trên công nghệ Realtime RT-PCR. Vật liệu được sử dụng để phát triển bộ kit là mẫu RNA đã được tách chiết từ vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh cho bệnh nhân VN do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cung cấp; các gien cũng như các vùng gien được nhân dòng từ RNA của vi rút SARS-CoV-2 để làm mẫu chuẩn cho việc nghiên cứu và cung cấp các trình tự cho việc thiết kế các bộ mồi và mẫu dò; các mẫu RNA của một vi rút gây bệnh đường hô hấp ở người do Bệnh viện T.Ư quân đội 108 và Viện Y học dự phòng quân đội (Bộ Quốc phòng) cung cấp.
Sau khi thử nghiệm tại Viện Công nghệ sinh học, bộ kit đã được công nhận kết quả ngoại kiểm bởi Viện Y học dự phòng quân đội ngày 2.3. Kết quả kiểm định cho thấy, bộ kit này có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với bộ kit Realtime RT-PCR của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thời gian của quy trình phát hiện là 80 phút từ khi nhận mẫu RNA của bệnh nhân.
Kết quả nghiên cứu khẳng định Viện Công nghệ sinh học đã làm chủ công nghệ và hoàn toàn chủ động trong việc tạo bộ kit để phát hiện vi rút SARS-CoV-2, không phụ thuộc vào việc nhập ngoại. Trong thời gian tới, Viện sẽ phối hợp với Viện Y học dự phòng quân đội sản xuất bộ kit này quy mô lớn, góp phần đẩy lùi dịch Covid-19. T.Hằng |
Cuối chiều 3.3, chúng tôi đến nhà bà Đỗ Thị Ánh, thôn Ái Văn và được gia đình cho biết: trước tết gia đình định làm nhà, sau đó Sơn Lôi bị cách ly. “Giờ thì mừng khỏi nói. Thợ người ta nói sẽ cố gắng làm nhanh. Bà cháu nhà tôi chỉ 4 tháng nữa là có nhà mới rồi”, một người trong nhà nói.
|
Bà Nguyễn Thị Mai, người làm giấy khai sinh cho cháu nội kể trên, nói: “Tôi làm công nhân công ty, tổng thu nhập chừng 7 - 8 triệu. Giờ nghỉ vệc, thấy bảo công ty vẫn trả lương, nhà nước lại cho thêm 40.000 đồng/người/ngày nữa. Thôi thì mình cũng thiệt ít thôi. Cái chính là đảm bảo tính mạng cho cả gia đình”.
Theo ông Dương Văn Bằng, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Lôi, trong những ngày bị cách ly, nhịp sống của người dân xã chỉ là “chậm lại” chứ không bị ngưng trệ. Nguồn lương thực, thực phẩm của người dân địa phương được cung ứng tại chỗ bởi các hộ dịch vụ sống ngay trong xã. Những ai cần ra đồng thì các thôn vẫn cấp giấy cho ra đồng, nhưng đi về trong ngày. Chỉ có những ai đi làm ở các doanh nghiệp bên ngoài, hoặc đi học, thì phải nghỉ làm, nghỉ học.
Người dân cũng rất có ý thức giữ gìn, phòng chống dịch. Nhiều gia đình dự định tổ chức đám cưới cho con cũng tự nguyện hoãn. Một số gia đình có đám hiếu thì đành phải tụ tập đông người, nhưng chủ yếu chỉ là người trong gia đình, họ tộc, quy mô giảm rất đáng kể so với trước đây.
Ông Bằng cũng cho biết từ ngày 3.3, UBND H.Bình Xuyên đã ứng tạm cho UBND xã Sơn Lôi hơn 8 tỉ đồng để hỗ trợ người dân. Việc cấp phát tiền sẽ bắt đầu từ thôn Ninh Nghĩa, dự kiến trong 3 ngày xã sẽ phát đủ cho hơn 10.300 người của cả 6 thôn.
|
Bình luận (0)