Sơn Mỹ, 50 năm...

16/03/2018 07:00 GMT+7

50 năm kể từ ngày quân đội Mỹ gây ra vụ thảm sát 504 thường dân, người dân Sơn Mỹ đã vượt qua ám ảnh kinh hoàng của quá khứ đau thương, cùng hướng về tương lai, về cuộc sống thanh bình, no ấm.

Hằng năm, cứ đến ngày 16.3, người dân từ khắp mọi miền đất nước cùng nhiều đoàn khách nước ngoài tề tựu dưới chân tượng đài Khu chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) để cùng nhau cầu nguyện cho 504 oan hồn Sơn Mỹ được siêu thoát. Những vòng hoa, những nén hương được dâng, thắp trước tượng đài tưởng niệm cùng những hồi chuông gióng lên nhắc nhở mọi người không bao giờ quên hậu quả khốc liệt của chiến tranh và sự vô giá của hòa bình.
Ký ức người trong cuộc
Nửa thế kỷ đã đi qua, thời gian có thể làm mọi vật đổi thay nhưng trong tâm trí của người dân xã Tịnh Khê vẫn không quên buổi sáng 16.3.1968 đau thương oan nghiệt. Sự tàn khốc của chiến tranh đã ập đến làng quê nghèo Sơn Mỹ. 504 thường dân vô tội, trong đó đa phần là phụ nữ, trẻ em và người già bị sát hại dã man, hàng trăm ngôi nhà bị thiêu hủy, lương thực bị đốt, phá sạch...
Bà Phạm Thị Thuận (80 tuổi), ở xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung (xã Tịnh Khê), một trong những nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát, nhớ lại sáng hôm đó khi bà đang luộc khoai để cả nhà ăn sáng trước khi ra đồng thì lính Mỹ ập vào, chĩa súng dồn tất cả ra bờ kênh cùng với nhiều người trong xóm, rồi xả súng... “Gia đình có 6 người thân bị sát hại, chỉ còn mình tôi may mắn sống sót. Thật khủng khiếp và đau đớn tột cùng”, bà Thuận nước mắt lưng tròng.
Nhiều đoàn khách quốc tế cầu nguyện cho các nạn nhân Sơn Mỹ
Cách đây 50 năm, ông Trương Thẩm (ở xóm Khê Thuận) chỉ là cậu bé 6 tuổi nhưng giờ tóc đã hoa râm. Mỗi lần nhắc đến quá khứ đau thương, đôi mắt ông đỏ hoe. Gia đình ông có 8 người thân gồm ông nội, mẹ, anh, chị, chú và các cháu bị giết hại. Riêng ông bị trúng đạn nhưng may mắn thoát chết khi bị vùi lấp trong xác người ngổn ngang nằm chồng lên nhau trên con đường làng. “Cuộc thảm sát kinh hoàng 50 năm trước đã biến làng quê Sơn Mỹ nhuốm màu tang tóc. Nỗi đau đó làm sao người dân Sơn Mỹ có thể nào quên, nhưng giờ là lúc nói đến hòa bình, nói về sự hồi sinh trên mảnh đất này”, ông Thẩm trải lòng.
Vùng “đất chết” hồi sinh
Chiến tranh đi qua, Sơn Mỹ hoang tàn. Cái nghèo hiển hiện trong từng ngôi nhà, trên từng ngả đường làng và cả trên từng khuôn mặt người dân. Nhưng nén đau thương, mất mát và vượt qua những năm tháng cơ cực, người dân Sơn Mỹ quyết chí bám đất, bám làng, bắt tay gầy dựng lại cuộc sống mới trên quê hương.
Với ý chí vượt qua khốn khó, mấy chục năm qua, vợ chồng ông Trương Thẩm cật lực trồng trọt, chăn nuôi, làm thêm nghề phụ để lo cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Nhờ đó, gia đình ông trở thành một trong những hộ có thu nhập khá trong làng, các con ăn học đến nơi đến chốn và có công việc ổn định. “Cuộc sống bây giờ đầy đủ, thoải mái hơn so với ngày trước rất nhiều, từ vật chất đến tinh thần. Nhiều gia đình mua sắm được các vật dụng đắt tiền, xây nhà ngói, nhà tầng”, ông Thẩm thổ lộ.
Từ khát vọng vươn lên chiến thắng đói nghèo, đến nay, hơn 200 gia đình là nạn nhân hoặc có người thân bị sát hại trong vụ thảm sát Sơn Mỹ đều đã có cuộc sống ổn định, với mức thu nhập bình quân
40 triệu đồng/hộ/năm. Theo ông Trương Thanh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, đến thời điểm này tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn dưới 3%. Hơn 65 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, các trục đường chính có điện chiếu sáng, trường học, chợ xây dựng khang trang… Tất cả đã đưa diện mạo làng quê Sơn Mỹ khởi sắc từng ngày, đời sống kinh tế và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.
Cùng hướng về tương lai
Sơn Mỹ hồi sinh và phát triển. Làng quê xanh ngát, yên bình. Đó là nỗ lực của chính quyền và người dân, đồng thời còn có cả sự góp sức từ những cựu binh Mỹ, những người muốn sửa lỗi lầm.
Như Roy Mike Boehm, một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại VN, suốt 25 năm qua đã xem Sơn Mỹ là chốn đi về. Ông đến Sơn Mỹ không chỉ kéo vĩ cầm dưới chân tượng đài tưởng niệm chứng tích Sơn Mỹ cầu siêu cho nạn nhân vụ thảm sát và gửi thông điệp hòa bình, mà còn hỗ trợ vốn xây nhà tình thương, trao tặng xe đạp, tặng bò cho phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. “Những việc tôi làm giúp người dân Sơn Mỹ tuy nhỏ nhoi nhưng trong lòng rất vui. Tôi muốn mình làm được nhiều hơn thế nữa để bù đắp phần nào nỗi mất mát, đau thương mà người dân nơi đây gánh chịu. Vì thế, còn khỏe, đầu óc còn minh mẫn, tôi vẫn tiếp tục về Sơn Mỹ giúp đỡ người dân”, ông Roy Mike Boehm nói.
Ông Roy Mike Boehm kéo vĩ cầm tưởng niệm 504 nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ
Yêu Sơn Mỹ không chỉ có Roy Mike Boehm mà còn có một người Pháp, anh Bruno. Bruno đến với Sơn Mỹ và phải lòng một cô gái nơi đây. 10 năm qua, chàng rể Bruno xem Sơn Mỹ là quê hương thứ 2 của mình. Đều đặn hằng tuần, anh đến Trường tiểu học số 1 Tịnh Khê để trò chuyện, vui đùa và dạy tiếng Anh cho trẻ em. Anh chia sẻ: “Trẻ em Sơn Mỹ còn rất khó khăn, không có điều kiện học tập với người nước ngoài nên Bruno muốn giúp các em trau dồi tiếng Anh để mở cánh cửa ra thế giới”.
Nửa thế kỷ trôi qua, hằng ngày du khách khắp nơi trên thế giới vẫn tìm về Sơn Mỹ. Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng cả du khách và người dân nơi đây đều có một ước vọng chung là cùng hướng về tương lai - một tương lai của hội nhập nhân ái và yêu chuộng hòa bình. “Những mất mát, đau thương trong quá khứ là điều mà mỗi người dân Sơn Mỹ, mỗi người dân VN cũng như nhân loại yêu chuộng hòa bình không bao giờ muốn lặp lại ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này. Nhân dân Sơn Mỹ luôn hướng thiện, hiếu khách, cầu mong hòa bình và cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương ấm no”, ông Nguyễn Bạo, nhân chứng vụ thảm sát, bộc bạch.
Khánh thành gian thờ nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ
Chiều 15.3, tại khuôn viên Khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi), UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khánh thành gian thờ 504 nạn nhân Sơn Mỹ. Gian thờ được xây dựng theo kiểu nhà rường với 5 gian, 2 chái, tổng diện tích 200 m2, gồm khu vực gian thờ và sân vườn, kinh phí đầu tư 5,5 tỉ đồng.
Trước khi cắt băng khánh thành, các vị bô lão ở Sơn Mỹ đã làm lễ rước linh hồn 504 thường dân Sơn Mỹ bị sát hại từ gian trưng bày của khu chứng tích đến gian thờ mới và thực hiện các nghi lễ cúng, tế theo phong tục truyền thống của địa phương. Theo ông Nguyễn Tấn Giảng, một người dân ở xã Tịnh Khê, trong số 504 người dân bị thảm sát có 24 gia đình tuyệt tự, không có nơi hương khói, thờ phụng. Vì vậy, việc xây dựng gian thờ mang tính nhân văn để thờ phụng những người đã khuất.
Nhiều hoạt động tưởng niệm
Theo ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, nhân tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực nhằm khơi dậy khát vọng hòa bình và tình yêu vượt lên trên mọi hận thù. Cụ thể, xây dựng website cung cấp thông tin về Sơn Mỹ; xuất bản đặc san Sơn Mỹ - hành trình hồi sinh nửa thế kỷ; tuần phim về Sơn Mỹ; giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi Quảng Ngãi năm 2018 với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”; chỉnh trang, trùng tu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Khu chứng tích Sơn Mỹ; thăm, tặng quà cho các gia đình có nạn nhân trong vụ thảm sát... Nhiều kênh truyền hình, hãng thông tấn quốc tế như: Reuters (Anh), AFP (Pháp), AP (Mỹ), The Yomiuri Simbun, The Asahi Shinbun, Truyền hình NHK, báo Akahata, Phân xã Kyodo News (Nhật Bản) tại Hà Nội; Thông tấn DPA, kênh truyền hình Đức ZDF, báo Frankfuter Allgemeine Zeitung (Đức), báo RIA (Nga), Hãng VVTH Al - Jazeera (Quatar)... cử nhà báo đến Sơn Mỹ tác nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.