‘Sống ảo’ kiểu chết người

23/11/2018 04:54 GMT+7

Chiều 21.11, lực lượng chức năng TP.Đà Nẵng đã phải điều động khoảng 100 cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ 'giải cứu' một thanh niên trên đỉnh trụ phía nam cầu Thuận Phước (P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, Đà Nẵng).

Nhưng “nạn nhân” lại thật đáng trách khi leo lên đỉnh trụ cầu chỉ để... quay clip tung lên mạng câu view.
Những năm qua, song hành cùng sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội là trào lưu “sống ảo” bằng cách đăng tải hình ảnh, video clip để câu view. Thực tế, việc “sống ảo câu view” như thế đơn giản như một thú vui thời công nghệ. Tuy nhiên, không ít người lại quá sa đà, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng và gây hao tổn nguồn lực xã hội như vụ nam thanh niên lên đỉnh trụ cầu ở trên.
Hồi tháng 9, những ngày đầu cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thông xe, không ít người bất chấp nguy hiểm, an toàn giao thông khi dừng xe giữa đường cao tốc để chụp hình “tự sướng”.
Thời điểm đó, trên cầu Bạch Đằng thuộc tuyến cao tốc này, còn có nhiều người đỗ ô tô dọc 2 thành cầu, rồi thậm chí đứng lên lan can hay trèo qua dải phân cách, bất chấp các ô tô khác đang lưu thông với tốc độ cao để… chụp hình “tự sướng” đăng lên mạng xã hội. Rồi vào tháng 7, khi một tòa nhà khánh thành tại TP.HCM, không ít bạn trẻ lại dừng xe hai bên thành cầu Sài Gòn, tụ tập chụp hình tận dụng quang cảnh tòa nhà mới, sau đó hào hứng chia sẻ lên mạng xã hội để khoe với bạn bè. Hành động này không chỉ gây cản trở giao thông, ảnh hưởng người đi đường mà còn dẫn đến một số vụ va quệt.
Những hành vi như thế không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người “sống ảo” mà còn có thể dẫn đến tai nạn dây chuyền, phương hại nhiều người khác vì phương tiện di chuyển trên cao tốc thường ở tốc độ rất cao. Còn với trường hợp nam thanh niên ở Đà Nẵng thì rõ ràng cơ quan chức năng đã tốn không ít công sức lẫn chi phí điều động phương tiện.
Nói thế để thấy hệ quả của những trò “sống ảo” kiểu chết người như vậy đã ảnh hưởng đáng kể đến xã hội. Chính vì thế, vấn đề không chỉ là kêu gọi “sống ảo” có ý thức hơn, mà các cơ quan chức năng có lẽ cũng cần xem xét có hình thức chế tài đối với những hành vi “sống ảo” kiểu chết người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.