Đó cũng là chủ đề được tranh luận tại buổi tọa đàm “Hiện tượng sống ảo trong giới trẻ ngày nay” do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM vừa tổ chức.
Tại buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi đã xoay quanh vấn đề này, như: “Cứ một ngày đăng một lần trạng thái thì có gọi là sống ảo?”. Hay “Làm hình ảnh mình đẹp hơn bằng cách sử dụng công cụ photoshop thì có phải là đang sống ảo?”...
Vậy sống ảo là gì? Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Tâm lý học VN, cho biết sống ảo nghĩa là phô bày những gì không thuộc về mình, không sống thật với bản thân mình, đăng tải những gì mình không có hay những hình ảnh không còn là chính mình (vì photoshop quá đà chẳng hạn).
tin liên quan
Trào lưu 'câu like' đến mất trí: Bi kịch của những đứa trẻ không nhớ mặt cha'15 tuổi em bỏ học lên Sài Gòn học nghề DJ. Trước khi bố mẹ em ly hôn. Em luôn run sợ trước đòn roi của ba và không muốn về nhà sau mỗi giờ tan học', tâm sự của một cô gái nổi loạn trên Facebook.
Theo các chuyên gia tâm lý, hiện tượng sống ảo hiện nay chủ yếu là giới trẻ. Đặc biệt là độ tuổi học sinh.
Thạc sĩ Tô Nhi A, giảng viên tâm lý Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, nhận xét: “Lứa tuổi từ học sinh THCS là giai đoạn mà nhân cách chưa đạt được đến mức độ phát triển, cho nên ai làm cái gì thì bắt chước làm theo. Các em bị nhập nhằng và bị đánh tráo khái niệm giữa cái gọi là sự nổi tiếng và giá trị đích thực của bản thân mình”.
Định hình giá trị sống sai lệch
Thạc sĩ An cho biết việc sử dụng nút like cũng cho thấy bạn có đang sống ảo và một cách vô tình cũng trở thành tác nhân của hiện tượng sống ảo. “Việc like dù thích hay không thích, like không có chọn lọc là vô tình chúng ta lại “tiếp tay” cho những người đang sống ảo. Khi sống ảo, họ xem mạng xã hội như một sân khấu để trình diễn. Nhưng họ không thể trình diễn mà không có người xem, chính vì thế nút like là động lực, động cơ để người đó tiếp tục sống ảo”, thạc sĩ An giải thích.
Băn khoăn về hệ lụy của việc sống ảo, Đỗ Thị Thanh Tuyền, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đặt câu hỏi: “Có những trường hợp sống ảo nhưng mang lại niềm vui, như ngoại hình mình xấu xí và thiếu tự tin, thế là dùng đến công nghệ để làm mình đẹp hơn trên mạng xã hội. Khi đẹp hơn, lung linh hơn mình sẽ thấy tự tin và có được niềm vui trong cuộc sống. Vậy những trường hợp như thế có phải là hệ lụy?”.
Trả lời băn khoăn này, thạc sĩ Tô Nhi A cho hay: “Niềm vui đó là có thật nhưng nó không bền vững, sự tự tin đó cũng không lâu dài vì nó không phải là con người thật của bạn. Khi bạn tạo nên một hình tượng lung linh thì người khác kết nối với bạn chỉ vì thế giới ảo lung linh đó chứ không phải là bạn. Và cũng vì cứ sống theo lối sống ảo đó, ta sẽ bắt đầu ảo tưởng sức mạnh vào bản thân mình, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy”.
Thạc sĩ Tô Nhi A phân tích thêm, hiện tượng sống ảo tạo ra từ sức ép về mặt tinh thần và việc định hình giá trị sống bị sai lệch. Cứ nghĩ có tiếng rồi có tiền từ sự nổi tiếng một cách bất chấp trên mạng xã hội là coi mình thành công. Nhưng khái niệm thành công này được hiểu một cách sai lệch, từ đó sẽ dẫn đến sai lệch trong việc định hình nhân cách, rồi kết giao bạn bè sai lệch, hành xử sai lệch, ảo tưởng về sức mạnh bản thân…
tin liên quan
Hệ lụy livestreamTính năng livestream (phát trực tiếp) đang ngày càng trở thành một trào lưu khó cưỡng lại của giới trẻ. Tuy nhiên, việc lạm dụng tính năng này vào những mục đích không lành mạnh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.
Hãy là chính mình
Rất nhiều người trẻ đặt câu hỏi: “Vậy mạng xã hội tốt hay xấu?”. Thạc sĩ Tô Nhi A cũng khẳng định: “Vốn dĩ mạng xã hội là phương tiện thì không thể nào gắn cho nó là xấu hay tốt. Xấu hay tốt là do động cơ, tính chủ đích của người dùng quyết định. Bạn dùng nó như thế nào để nó là phương tiện tô đậm cuộc sống thật của bạn”.
Nguyễn Thị Hồng Linh, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, thắc mắc: “Vậy nếu lỡ sống ảo rồi thì làm sao để hết sống ảo?”.
“Với bất cứ một vấn đề gì cũng tác động từ hai khía cạnh là nhận thức và cảm xúc rồi mới đi đến hành động. Ta phải nhận thức được về vấn đề đó là tốt hay xấu rồi sẽ tác động đến cảm xúc của ta là lo sợ để rồi ta điều chỉnh hành vi cho đúng đắn”, thạc sĩ An chia sẻ.
Để tránh hiện tượng sống ảo, thạc sĩ An khuyên mỗi người trẻ nên tìm cho mình những sân chơi lành mạnh, tham gia các hoạt động ngoài xã hội cũng như học cách trực tiếp chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình cho người thân hoặc một ai đó, không nên tìm đến thế giới ảo.
Thạc sĩ Tô Nhi A khẳng định: “Cha mẹ cũng không thể nằm ngoài cuộc. Bởi độ tuổi mà con bắt đầu sống ảo nhiều là độ tuổi mà con chưa hoàn thiện về nhân cách. Lúc đó cha mẹ phải giúp con định hình. Nhưng để làm được điều này, cha mẹ nên là bạn của con. Phải sống với cuộc sống hiện tại của con để hiểu được con mình đang muốn gì, cần gì. Để con thấy được là cha mẹ đang đồng cảm với mình. Từ đó, con sẽ sẵn sàng chia sẻ, giãi bày thay vì tìm đến mạng xã hội”.
Thạc sĩ A phân tích thêm tất cả mọi yếu tố từ gia đình đến xã hội chỉ đóng vai trò tác động, còn yếu tố quyết định nằm ở chính bản thân mỗi người trẻ. Phải biết sử dụng mạng xã hội với chính con người thật, hãy đăng những gì là của mình. Đừng sa đà vào thế giới ảo để rồi nó điều khiển cuộc sống của ta.
Bình luận (0)