Mưa là sợ
Sau nhiều ngày mưa kéo dài, đêm 29.10.2020, đất đá từ trên núi bất ngờ đổ xuống khu vực bản Bủng Xát (xã Châu Khê). Người dân trong bản nghe tiếng núi lở thì hô hoán nhau tháo chạy ra khỏi nhà. Sáng hôm sau, họ lên núi kiểm tra thì hốt hoảng phát hiện vết nứt rất mới, kéo dài ở sau lưng bản.
Những ngôi nhà nằm chênh vênh bên vết sạt lở |
K.Hoan |
Vết nứt này rộng 1 m, nhiều đoạn sâu khoảng 2 m, chạy theo hình vòng cung dài hơn 200 m, xé toạc triền núi, nguy cơ đổ sập xuống bản làng phía dưới bất cứ lúc nào.
Khu vực này vốn là cánh rừng tre do người dân trồng từ nhiều đời nay. Ước tính, khoảng 500.000 m3 đất đá đã bị tách rời hoàn toàn khỏi triền núi và có nguy cơ đổ ập xuống, đe dọa 17 nhà dân và tuyến đường nhựa phía dưới chân núi.
Sau khi phát hiện mối đe dọa này, UBND xã Châu Khê phải cử lực lượng an ninh túc trực ở khu vực vết nứt nhiều tháng để cảnh báo cho người qua đường. Hàng chục hộ dân sống dưới chân núi cũng phải sơ tán đến ở nhờ nhà người thân suốt 2 tháng để lánh nạn.
Đến nay, cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân xuất hiện vết nứt nguy hiểm này, tuy nhiên, theo người dân địa phương, có thể do tác động của 2 đập thủy điện kẹp hai bên bản, sau khi các đập này tích nước để phát điện đã khiến chân núi bị dịch chuyển.
Bà Lộc Thị Diễn (ở bản Bủng Xát) cho biết, kể từ năm ngoái đến nay, gia đình bà đã nhiều lần phải chạy đi sơ tán vì sợ núi lở. Sau khi xuất hiện vết nứt trên núi, gia đình bà đã phải đi ở nhờ nhà người thân suốt 2 tháng trời. Sau đó, bà và nhiều gia đình khác đã phải quay về nhà mình để ở vì ở nhờ lâu quá cũng bất tiện, dù vẫn rất bất an.
“Từ đó đến nay, cứ có mưa lớn là cán bộ xã đến yêu cầu phải đi sơ tán, cũng phải đến 5 - 6 đợt sơ tán rồi. Mỗi lần sơ tán phải 1 tuần mới được về, có khi mưa kéo dài thì nửa tháng mới về lại”, bà Diễn nói. Hông núi bị sạt, căn nhà sàn của bà Diễn hiện chỉ cách vực sâu chưa đầy nửa mét.
Sát bên nhà bà Diễn là gia đình ông Lộc Văn Hùng. Ông Hùng thở dài cho biết, gia đình ông đã quá mệt mỏi vì phải sơ tán mỗi khi trời mưa. Ông Hùng là thương binh, hai vợ chồng già còn phải nuôi thêm một người con tật nguyền. “Chúng tôi mong muốn được di dời khỏi nơi này sớm ngày nào tốt ngày đó, vì rất sợ núi lở”, ông Hùng nói.
Chờ đến bao giờ?
Sau khi xuất hiện vết nứt kể trên, UBND H.Con Cuông đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị cho chủ trương để di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng. UBND tỉnh Nghệ An sau đó chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với H.Con Cuông để xử lý.
Theo phương án di dời khẩn cấp các hộ dân vùng thiên tai sạt lở đất tại bản Bủng Xát của UBND H.Con Cuông lập, cần phải có khoảng 20 tỉ đồng để di dời khẩn cấp 17 hộ dân ra khỏi khu vực nguy cơ này đến nơi ở mới. Tuy nhiên, đến nay, 1 năm đã trôi qua, việc bố trí tái định cư cho các hộ dân này vẫn đang nằm trên giấy.
Ông Vi Văn Quý, Phó chủ tịch UBND H.Con Cuông, cho biết đến nay huyện mới chỉ được cấp hơn 600 triệu đồng để xử lý vết nứt trên núi bằng cách bạt chân núi và kè đá bên dưới để chống sạt lở, còn việc di dời dân thì chưa thể làm được vì chưa có kinh phí.
“Huyện đã tìm được vị trí để tái định cư cho các hộ dân cần di dời, nhưng chưa thể thực hiện được vì đang chờ tỉnh cấp kinh phí. Chúng tôi rất sốt ruột vì mùa mưa bão đã đến trong khi nguy cơ sạt lở ở đây là rất cao”, ông Quý nói.
Ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê, cũng cho biết do lo sợ núi lở và không thể chờ đợi được nên có 2 gia đình nằm trong diện nguy hiểm nhất đã phải tự tìm đất và tự di dời nhà đến nơi khác. Đây cũng là những gia đình khó khăn, nhưng được những người trong bản hỗ trợ công sức nên họ đã chuyển được nhà.
Ông Thương cũng cho biết, dự án di dời dân bị tắc lại, không chỉ người dân mà chính quyền cũng rất lo và khổ sở. Bản này nằm cách trụ sở xã khoảng 5 km. "Cứ có mưa là chúng tôi lại phải chạy đến vận động để sơ tán dân và cử lực lượng canh phòng để đảm bảo an toàn cho người qua lại, vì sợ núi sập xuống”, ông Thương nói.
Bình luận (0)