Sống cho người đã mất vì Covid-19

18/11/2021 14:18 GMT+7

Người đã mất thôi hết những đau đớn, nhưng đau thương mà chúng ta cảm nhận được, là lời nhắn nhủ cho những người đang sống. Sống cho đáng, sống cho những người không may mắn ra đi vì Covid-19 .

Hơn 23.000 người mất vì Covid-19 trên cả nước, TP.HCM chiếm 74% trong số này với hơn 17.000 người tử vong sau đợt dịch lần thứ 4. Con số lạnh lùng, có thể phai mờ trên giấy tờ thống kê, nhưng sẽ còn ghim sâu trong lòng chúng ta nhiều năm về sau.

Số người tử vong do tai nạn giao thông, do bệnh ung thư hằng năm cũng rất cao. Mất mát nào cũng đau đớn, nhưng tang thương do dịch Covid-19 ập tới trên bình diện rộng, dồn dập chỉ trong thời gian ngắn, thì quá ngưỡng chịu đựng. Những câu chuyện đau lòng trong đợt dịch Covid-19 ở TP.HCM được ghi lại trên Báo Thanh Niên: Hai chị em mất cả cha mẹ trong 2 ngày; Ông bà và cha mẹ mất đi, để lại cô bé 14 tuổi côi cút; Gia đình 4 người, giờ chỉ còn anh trai và cha; Anh em sinh đôi mất cha, bà nội và hai bác... Người ngoài mà thắt lòng trước những cảnh đời này, huống chi người trong cuộc.

Chị Trần Bích Ngọc (30 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) qua đời ngày 30.9.2021 do Covid-19 sau khi sinh con trai được 22 ngày, hai con của chị được bà ngoại Huỳnh Thị Thoa chăm sóc

duy khang

Nhưng đâu có ai đứng ngoài cuộc chiến giành giật sức khỏe, sinh mệnh trước con vi rút quái ác kia. Bữa cơm gia đình trong những ngày dịch lên cao điểm, cho đến hôm nay khi dịch đã tạm giảm, câu chuyện lấn át vẫn là Covid-19, là hệ quả của nó trong mọi mặt đời sống. Đó là nói về những gia đình còn có bữa cơm nóng để ngồi nói chuyện với nhau về tình cảnh mình đang chứng kiến. Còn nhiều người khác chẳng còn bữa cơm thực sự nào nữa, chỉ có đắp đổi, lót dạ qua ngày. Họ chính là những người trong tình huống, là nhân vật thật của bối cảnh dịch bệnh diễn tiến khốc liệt từng giờ.

Giờ đây, khi cả nước đã tiêm gần 104 triệu liều vắc xin Covid-19, chúng ta sẽ bước sang giai đoạn khác trong công tác phòng chống dịch. Chưa thể nghĩ đến việc Covid-19 như một loại bệnh cúm theo mùa, nhưng chắc chắn phải sống chung với nó. Nghị quyết 128 của Chính phủ chính là định hướng đón đầu để xã hội vận hành "thích ứng an toàn" với dịch bệnh. Các nhà khoa học cho rằng đến một lúc nào đó Covid-19 không còn là đại dịch nữa. Nghĩa là không phải bây giờ. Nghĩa là con người còn phải chấp nhận sự có mặt của loại bệnh này dài lâu. Nghĩa là cách ứng phó của chúng ta với nó phải chủ động hơn, nắm chắc phần thắng, cho con đường dài nhiều khó khăn phía trước.

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 tối 19.11 ở TP.HCM, là dịp để chúng ta một chút lắng lại sau những ngày náo động trước tin tức dịch bệnh bủa vây. Để xem mất mát này là động lực chăm lo cho những người ở lại, đặc biệt là hơn 2.000 trẻ em mồ côi, mất người thân do dịch Covid-19 trên cả nước, bao gồm hơn 1.400 em ở TP.HCM. Nếu không lo được trọn vẹn cho những cảnh đời khốn khó hậu đại dịch, chúng ta thua con vi rút thêm lần nữa, ở một nơi mà con người rõ ràng sáng mặt nắm ưu thế, chứ không phải chốn siêu vi ẩn mặt khó lường.

Người đã mất thôi hết những đau đớn, nhưng đau thương mà chúng ta cảm nhận được, là lời nhắn nhủ cho những người đang sống, sống tiếp trong mạnh khỏe, hài hòa, tôn trọng thiên nhiên, phát triển bền vững. Sống cho đáng, sống cho những người không may mắn ra đi vì Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.