Gần nửa năm nay, nước giếng nhà ông Đoàn Văn Trinh (50 tuổi, ở thôn Sơn Trà) mỗi ngày lại mặn thêm. Vậy là hằng ngày ông phải chi thêm 120.000 - 150.000 đồng mua nước đóng bình từ 10 - 12 bình về ăn uống, sinh hoạt cũng như phục vụ việc chế biến, nấu nướng cho quán ăn của mình.
Sát quán ăn của ông Trinh là quán ăn Bà Chín. Chúng tôi nhờ bà Đỗ Thị Nhơn (53 tuổi, bán quán ăn tại đây) mở vòi nước ra. Nếm thử, vị mặn xuất hiện ngay đầu lưỡi, tuy không như nước biển nhưng cảm giác như muối pha loãng. Bà Nhơn cho biết, nước giếng này chỉ để rửa chén, rau; còn đồ dùng dễ bị nước mặn làm gỉ sét nên không dùng đến.
|
Theo ông Phạm Quốc Việt (56 tuổi, ở thôn Sơn Trà), nguồn nước sinh hoạt ở đây vốn rất tốt. Xưa nay người dân vẫn dùng và ngay cả nấu rượu gạo cũng lấy từ nước giếng. Không hiểu vì sao chừng nửa năm nay, hầu hết giếng nước trong vùng bị nhiễm mặn, người dân đành đi mua nước đóng bình về dùng.
tin liên quan
Nhà máy nước sạch bị 'tẩy chay' vì lấy nước từ kênh bẩnSáng 25.6, trong buổi tiếp dân xã Bình Đông của bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, cán bộ và người dân thôn Sơn Trà cũng ý kiến về việc nguồn nước bị nhiễm mặn và ô nhiễm. Họ cho rằng, một phần giếng nước nhiễm mặn là do dự án của một doanh nghiệp sản xuất thép đang triển khai ở đây gây ra.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, xác nhận việc nước giếng nhiễm mặn ở thôn Sơn Trà là có thật. Còn nguyên nhân có phải do dự án của doanh nghiệp hay không thì chưa có cơ sở. Hiện nay, phòng quản lý tài nguyên - môi trường, Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất đã lấy mẫu nước xét nghiệm, khi nào có kết quả phân tích mới có câu trả lời chính xác.
“Về phần địa phương, UBND xã Bình Đông đã nộp hồ sơ gửi lên ngành chức năng để đưa nước máy về cho hơn 800 hộ dân ở thôn Sơn Trà. Nếu kịp thì trong năm 2019, nước máy sẽ về phục vụ người dân”, ông Vũ cho biết.
Bình luận (0)