Sống chung với… thủy điện

06/08/2018 10:01 GMT+7

Sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy ở Lào tuy không gây ảnh hưởng lớn đến ĐBSCL nhưng nó khiến người dân nơi đây phập phồng. Bởi trên dòng chính sông Mê Kông có tới chuỗi 11 đập thủy điện được triển khai, trong đó dự án Xayaburi sắp hoàn thành.

"Quả bom nước" treo lơ lửng
Thực ra không phải đến tận bây giờ mà nhiều năm qua người dân ĐBSCL đã phải sống chung với thủy điện. Nếu trước đây, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về khiến mực nước vùng ĐBSCL dâng cao gọi là mùa nước nổi. Tuy nhiên, do nước dâng cao từ từ nên người dân cũng dần thích nghi. Nay sự hiền hòa vốn có đã không còn còn do cộng hưởng từ việc xả nước hoặc vỡ đập từ thủy điện .
Xe Pian - Xe Namnoy chỉ là một cụm đập nhỏ trên dòng nhánh. Sự cố do lỗi xây dựng làm nhiều ngôi làng bị chìm trong biển nước, hàng ngàn người mất tích, nhiều người chết và sau đó nguy cơ dịch bệnh đe dọa những người còn sống. Không chỉ những người dân Lào ngay phía hạ du con đập mà cuộc sống của người dân Campuchia cũng bị đảo lộn vì phải chuẩn bị sơ tán tránh lũ.
Sự cố này khiến người ta nhớ tới chuỗi 11 đập thủy điện được triển khai trên dòng chính sông Mê Kông trong đó có dự án Xayaburi sắp hoàn thành. Trong chuỗi đó, theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, đáng lo nhất với ĐBSCL chính là dự án đập thủy điện Sambor. Dự án này được thiết kế cao 56 m, ngang 18 km, diện tích hồ chứa nước 620 km vuông tích trữ nước ở cao trình 40 m trên mực nước biển (cao trình của ĐBSCL so với mực nước biển khoảng 1 mét). Đập Sambor sẽ là “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu gần 20 triệu người dân ĐBSCL.
Thực tế, vỡ đập là một sự cố ít khi xảy ra nhưng không phải hiếm gặp ngay cả các nước có trình độ xây dựng phát triển đứng đầu thế giới và đó đều là những… thảm họa. Tháng 8.2015, đập hồ chứa ở New Orleans, Mỹ gặp sự cố do ảnh hưởng bão Katrina. Tháng 8.1979, vỡ đập ở thị trấn Morvi, Ấn Độ số người chết có thể lên đến 25.000. Tháng 8.1975, đập ở Banqiao và Shimantan, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vỡ làm 20.000 người thiệt mạng (có số liệu nói 171.000 người). Các nước Pháp, Ý, Brazil, Indonesia… cũng từng gánh chịu thảm họa vỡ đập.
Người dân Lào đang gánh chịu hậu quả vỡ đập ẢNH: CHÍNH QUYỀN TỈNH ATTAPEU 
"Chọn" cách sống chung với thủy điện
Nếu người dân ĐBSCL sống chung với những thủy điện từ bên ngoài biên giới thì người dân miền Trung và Bắc đã và đang sống chung với các thủy điện bên trong.  
Vào mùa khô bà con Tây nguyên muốn tổ chức lễ hội đua voi, một lễ hội văn hóa truyền thống vẫnphải xin thủy điện xả nước và không ít lần gặp khó khăn. Còn vào mùa mưa bão nhiều, các đập thủy điện đua nhau xả nước khiến lũ chồng lũ, gây ảnh hưởng tới mùa màng, cuộc sống, sinh hoạt. Những câu chuyện như vậy diễn ra thường xuyên.
Mùa mưa lũ năm nay chỉ mới bắt đầu nhưng nhiều ngày qua, người dân thủ đô và nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc cũng đang phải vật lộn với lũ, sạt lở đất. Nguyên nhân không phải chỉ riêng tại… trời mưa. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có tới 1.200/6.648 đập, hồ chứa nước đang trong tình trạng hư hỏng. Trong số các hồ, đập lớn có 422/702 hồ không đủ năng lực xả lũ theo tiêu chuẩn hiện hành. Một số thủy điện đã và đang xả lũ để bảo vệ an toàn hồ đập. 
Nhiều người tận dụng lũ về vùng ven thủ đô để... tắm, chụp ảnh. Một số phóng sự quay cảnh không ít người thích thú khi thấy "hồ nước mênh mông" nhưng ngược lại là cảnh người dân phải lội nước đưa tang, các em nhỏ trèo cây hay leo trên nóc nhà, ô nhiễm môi trường... Sau các cơn lũ dài ngày, đường sá, xe cộ, nhà cửa, cơ sở hạ tầng xuống cấp. Xã hội tốn một nguồn kinh phí lớn để sửa chữa, duy tu, bảo vệ, nâng cấp, phòng chống nguy cơ dịch bệnh…  
Thủy điện mang điện phục vụ cho cuộc sống hằng ngày, đó là giá trị không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thủy điện tràn lan, có địa phương gánh đến vài chục dự án thủy điện, như Nghệ An có tới 32 dự án là quá nhiều. Chưa kể, cách vận hành thủy điện là vấn đề gây tranh cãi lâu nay. Thực tế, rất hiếm dự án thủy điện làm tốt vai trò điều tiết nước và cắt lũ bên cạnh việc phát điện như mục tiêu ban đầu khi lập dự án.
Sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào chính là lời cảnh báo nghiêm khắc để chúng ta đưa ra lựa chọn, tính toán sống chung với thủy điện khôn ngoan và an toàn nhất. Trong đó, cốt yếu vẫn phải dựa vào tự nhiên thay vì khai thác triệt để tự nhiên như cách làm của nhiều thủy điện hiện nay. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.