Sống… công bằng

10/04/2016 07:38 GMT+7

Không chỉ lên tiếng vì bình đẳng giới, ngày càng nhiều người trẻ còn thể hiện rõ nhận thức tích cực thông qua những hành động cụ thể...

Không chỉ lên tiếng vì bình đẳng giới, ngày càng nhiều người trẻ còn thể hiện rõ nhận thức tích cực thông qua những hành động cụ thể...

Trần Trương Gia Bảo, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Gia đình mình ở miền Tây chứng kiến nhiều cảnh bạo hành, mình rất bức xúc. Mình học ngành sư phạm, sau này ra trường mình sẽ đứng lớp tuyên truyền xóa bỏ bạo hành ở thế hệ sau. Thanh niên hiện tại chính là cầu nối giữa các thế hệ, phải chung tay cùng cộng đồng thì mới có thể thực hiện được mục tiêu này”, Bảo chia sẻ.
Sinh viên diễn hoạt cảnh hành động xóa bỏ định kiến giới, bạo lực giới và thúc đẩy bình đẳng giới - Ảnh: Kim Nga
Sinh viên diễn hoạt cảnh hành động xóa bỏ định kiến giới, bạo lực giới và thúc đẩy bình đẳng giới - Ảnh: Kim Nga
Còn Lê Trường Giang, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính, chia sẻ rằng bản thân Giang đã hiểu rõ nhiều khái niệm về giới cũng như xác định được những kế hoạch trong thời gian tới. “Ngoài những chuyện như chồng đánh vợ, bỏ thai con gái, bất bình đẳng giới còn diễn ra ở việc kỳ thị người đồng tính, song tính, chuyển giới. Ban đầu mình cũng không thích họ lắm, nhưng sau khi tìm hiểu thì mình nhận ra rằng, dù là giới tính nào cũng cần được tôn trọng, cần được sống công bằng. Mình muốn tạo thêm CLB để sinh hoạt về vấn đề này, hy vọng có thể khắc phục dần thực trạng thông qua sự thay đổi nhận thức”, Giang nhận định.
Theo số liệu từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ VN, có đến 54% phụ nữ VN ở nhiều lứa tuổi từng chịu bạo lực tinh thần, 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng ít nhất một lần bị quấy rối tình dục nơi công cộng… Những con số này thật sự đáng báo động và không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, có rất nhiều phong trào liên quan đến vấn đề này được triển khai, với mục tiêu nòng cốt là thanh niên.
Bà Jehanne Roccas, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại VN, cho rằng: “Để đạt đến sự cân bằng giữa nam và nữ thì cần thay đổi nhận thức, trong đó người trẻ (nhất là nam giới) giữ vai trò then chốt. Trao đổi với tôi, nhiều bạn nam đã nói rằng: nam hay nữ đều nên có cơ hội ngang nhau. Tôi nghĩ giới trẻ đang thật sự làm nên chuyện”, đại sứ nhận định.
Chia sẻ với Thanh Niên, Nguyễn Duy Thanh (TP.HCM) cho rằng bình đẳng giới cần được thực hiện ngay từ điểm khởi đầu - tôn trọng giới tính của trẻ được sinh ra. Đó cũng là ý tưởng cho bức tranh về quá trình thụ tinh rất độc đáo và dễ thương của anh chàng thiết kế đồ họa này.
“Tại sao sinh con trai lại có giá hơn con gái? Đến mức phải tìm mọi biện pháp chỉ để đẻ được con trai? Mình đã vẽ tranh về chủ đề đó. Việc sinh con với nhiều gia đình giống như một cuộc đua vậy. Và rõ ràng trong cuộc đua này, gái hoàn toàn bất lợi hơn trai từ trong trứng nước. Khi mọi người đã tôn trọng giới tính mỗi đứa trẻ, không kén gái chọn trai, thì mình nghĩ các vấn đề bất bình đẳng giới sau đó cũng sẽ không còn”, Thanh nói.
Chàng trai này cũng cho rằng giới trẻ là những người xây dựng xã hội hiện tại và nền tảng cho tương lai. Và hơn nữa, “thanh niên không chỉ là những người thúc đẩy bình đẳng giới, mà chính họ là những người quyết định vấn đề này”, Thanh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.