Sống cùng ô nhiễm

25/05/2015 06:40 GMT+7

Hứa hẹn, chờ xử lý... là điệp khúc quen thuộc mà hàng vạn người dân vùng bị ô nhiễm ở các tỉnh miền Trung nhận được, dù đời sống sinh hoạt hằng ngày đã trở nên ngột ngạt và đảo lộn hoàn toàn vì ô nhiễm.

Hứa hẹn, chờ xử lý... là điệp khúc quen thuộc mà hàng vạn người dân vùng bị ô nhiễm ở các tỉnh miền Trung nhận được, dù đời sống sinh hoạt hằng ngày đã trở nên ngột ngạt và đảo lộn hoàn toàn vì ô nhiễm.

Sơ tán như thời chiến

Khu công nghiệp Quán Ngang (đóng trên địa bàn xã Gio Quang, H.Gio Linh) là khu công nghiệp lớn thứ hai của Quảng Trị. Nhưng do chưa có hệ thống xử lý nước thải chung cho cả khu công nghiệp, nên các nhà máy, xí nghiệp ở đây, mạnh ai nấy làm, nước thải ai nấy xả, gây ô nhiễm môi trường.

Già trẻ, gái trai sống sát chân cầu Cồn Cường (xã Gio Quang) đều không chịu nổi mùi hôi thối Già trẻ, gái trai sống sát chân cầu Cồn Cường (xã Gio Quang) đều không chịu nổi mùi hôi thối - Ảnh: Nguyễn Phúc

Như bị kìm nén nỗi bức xúc quá lâu nên khi PV Thanh Niên vừa bước chân đến đoạn cầu Cồn Cường (nối thôn Trúc Lâm và thôn Kỳ Lâm, xã Gio Quang, sát nách Khu công nghiệp - KCN Quán Ngang) người dân địa phương vây lấy, “kể tội” các nhà máy trong KCN này. Đối với họ, hầu như nhà máy nào cũng “có tội” như: xả khói mù mịt, xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý sơ sài...

Hôi thế này thì làm sao các cháu học hành, ngủ nghỉ được... Ai ghé nhà tôi cùng nói răng hôi thối ri mà vẫn sống được. Tôi cũng cúi mặt thôi chứ biết làm sao được!

Chị Lý Ngọc Hảo, một người dân thôn Kỳ Lâm

Đeo khẩu trang  cũng không chịu nổi

Trong đó, Nhà máy sản xuất, chế biến bột cá Hồng Đức Vượng (do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư) bị người dân “điểm mặt” là nguyên nhân chính đẩy đời sống người dân đến khổ sở. “Năm ngoái, khi Nhà máy Hồng Đức Vượng đi vào hoạt động cũng là lúc chúng tôi lâm cảnh khốn cùng. Không biết họ sản xuất kiểu gì mà mùi hôi thối bao trùm toàn bộ khu vực, nước thải chảy ra ngoài ống cống rồi ùn ứ về đây. Ai đi ngang qua cũng chực nôn ọe rồi...”, ông Hoàng Văn Lũy (64 tuổi, một người dân sống sát chân cầu Cồn Cường), nói.

Theo quan sát của PV Thanh Niên, toàn bộ mặt nước ở khu vực này đều có những lớp váng lềnh bềnh, có chỗ màu đen, có chỗ màu đỏ, có chỗ nổi bọt rất kinh dị. Dù đã đeo khẩu trang nhưng người viết vẫn bị tra tấn bởi thứ mùi tanh tưởi bốc lên...

Người dân sống tại khu vực này hiện không dám dùng nước giếng khoan vì sợ nước đã nhiễm bẩn và hằng ngày phải đi xách nước ở xã khác về dùng. Chưa hết, cứ đêm đến, người lớn đều phải đưa con, cháu đi “sơ tán” nhà người thân ở các địa phương khác, như thời chiến. “Hôi thế này thì làm sao các cháu học hành, ngủ nghỉ được”, chị Lý Ngọc Hảo (một người dân thôn Kỳ Lâm) bức xúc.

Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Phó chủ tịch UBND xã Gio Quang, thậm chí còn phát hiện ra “quy luật” của mùi hôi: gió nồm thì Trúc Lâm lãnh đủ, còn gió nam thì Kỳ Lâm hưởng trọn. Theo ông Sáng thì hiện ngoài hàng trăm hộ dân của 2 thôn Kỳ Lâm, Trúc Lâm đang bị tra tấn mũi thì các xã lân cận như Gio Mai, Gio Thành cùng “dính đòn” vì cái “mùi hương” này... bay rất xa.

Cá chết, lúa... không ra hạt

Do nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng nên hầu như không loại cá tôm nào có thể sống nổi ở khu vực cầu Cồn Cường, bàu Đinh này. “Giờ trâu bò cũng chẳng buồn xuống chỗ bàu này ngâm mình, chắc mũi của chúng cũng hết sức chịu đựng rồi”, một người dân tặc lưỡi.

Đáng quan ngại hơn, do sử dụng nguồn nước này để tưới tiêu nên hơn 20 ha lúa của thôn Trúc Lâm, Kỳ Lâm đã hư hỏng hết. Ông Nguyễn Đình Tư (63 tuổi, trú thôn Trúc Lâm) cho biết gia đình có canh tác 1,2 mẫu ruộng tại khu vực này nhưng gần như mất trắng. Theo lý giải của lão nông này thì do nước thải ra từ nhà máy bột cá như một loại phân hữu cơ nên khi lúa “ngậm” quá nhiều nước này sẽ trở nên “béo phì”, dù phát triển xanh tốt nhưng lại không đậu hạt, một số không rõ lý do gì mà đổ rạp hết xuống bùn... “Tình hình này chắc chỉ 2 năm nữa, cánh đồng Gio Quang này cũng sẽ tan hoang”, ông Tư thở dài.

Ông Nguyễn Đình Tư (63 tuổi, trú thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang) cho biết gia đình có canh tác 1,2 mẫu ruộng tại khu vực này nhưng hiện nay lúa hỏng cả Ông Nguyễn Đình Tư (63 tuổi, trú thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang) cho biết gia đình có canh tác 1,2 mẫu ruộng tại khu vực này nhưng hiện nay lúa hỏng cả - Ảnh: Nguyễn Phúc

Trả lời về bức xúc của người dân, ông Trần Văn Hóa, Phó ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, thừa nhận Nhà máy Hồng Đức Vượng gây nên những ảnh hưởng về môi trường (mùi hôi, nước thải...) cho người dân địa phương là có thật. Cũng theo ông, ban quản lý đã nhiều lần phối hợp với Sở TN-MT đi kiểm tra thực tế và cuối năm 2014, ban đã có văn bản yêu cầu Nhà máy Hồng Đức Vượng tạm dừng hoạt động, tiếp tục hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường.

“Mới đây, họ mới cho vận hành thử nhà máy để kiểm tra hệ thống xử lý nước thải. Nhưng do chưa có kho lạnh và mắc lỗi vận hành nên hệ thống này một lần nữa chưa đảm bảo, gây hậu quả khi xả thải ra môi trường... Chúng tôi sẽ tiếp tục lập đoàn kiểm tra, nếu xác định những thiệt hại mà dân chịu là do cái này, sẽ yêu cầu nhà máy bồi thường cho dân”, ông Hóa nói.

Sáng 13.5, PV Thanh Niên lần dò tìm đến đoạn mút cống thải của Nhà máy Hồng Đức Vượng. Ngay miệng cống, nước thải đen xì vẫn chảy, ruồi nhặng bám đầy, xộc lên cái mùi mà ai cũng phải nôn ọe... Càng nhớ đến câu cảm thán của chị Hảo: “Ai ghé nhà tôi cùng nói răng hôi thối ri mà vẫn sống được. Tôi cũng cúi mặt thôi chứ biết làm sao được!”.    

Chưa có vốn để xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung

Tính đến tháng 3.2015, KCN Quán Ngang đã thu hút 12 dự án đầu tư, với tổng số vốn 2.628 tỉ đồng, tổng diện tích đất cho thuê là 57 ha. Vậy nhưng KCN này chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung. Theo ông Hóa, KCN Quán Ngang chỉ được đầu tư ban đầu 70 tỉ đồng, trong khi để xây một nhà máy xử lý nước thải ít nhất tốn cả 100 tỉ đồng. “Tỉnh kêu gọi xã hội hóa, mời doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy này nhưng không ai mặn mà. Sắp tới đây, KCN Quán Ngang sẽ được đầu tư thêm 30 tỉ đồng, nhưng số này chỉ đủ làm hệ thống dẫn nước thải chung trong KCN ra hạ lưu sông Thạch Hãn. Vì vậy, tại KCN Quán Ngang, các nhà máy phải tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải của mình trước khi đổ ra hệ thống này”, ông Hóa nói.

Ống cống của Nhà máy Hồng Đức Vượng xả thải ra môi trường - Ảnh: Nguyễn Phúc

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.