Sông Đáy sạt lở, đe dọa hàng chục hộ dân

05/08/2014 13:26 GMT+7

Nhiều hộ dân sống ven đê ở hai xã Kim Thư và Phương Trung, thuộc huyện Thanh Oai (TP.Hà Nội) đang ngày đêm lo sợ nhà cửa bị cuốn trôi xuống sông Đáy, trong khi phía chính quyền vẫn chưa có quyết định gì về việc hỗ trợ, di dời dân.

Nhà ông Lê Văn Thành đã phải sơ tán vì căn nhà bị nứt toác do bờ sông sạt lở - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Nhà ông Lê Văn Thành đã phải sơ tán vì căn nhà bị nứt toác do bờ sông sạt lở - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Theo phản ánh của các hộ dân trong vùng ảnh hưởng, đầu mùa mưa năm nay, tình trạng sạt lở bờ sông liên tục gia tăng, các vết lún nứt ngày càng sâu, lan rộng. Ông Lê Văn Thành ở thôn Đôn Thư, xã Kim Thư kể: “Sau mỗi trận mưa lớn, bờ sông phía hông nhà tôi lại xuất hiện các hố hàm ếch sâu rộng kéo dài hàng trăm mét, từng mảng đất lở xuống sông trông thấy. Mới đây, nhiều trận mưa lớn kéo dài làm bức tường bao bị đổ, khiến căn nhà đứng trước nguy cơ đổ sập, tường nhà xuất hiện chằng chịt vết nứt”.

Thậm chí, theo ông Thành, khoảng sân trước nhà ông ngày càng sụt lún sâu, trở thành ao đọng nước. Quá hoảng sợ nên nhiều tháng nay, gia đình ông vận chuyển đồ đạc vào trong đê lập nhà tạm để ở.

Gia đình bà Phạm Thị Tiến ở thôn Tây Sơn, xã Phương Trung cũng chung tình cảnh, khi vết lún sạt bờ sông ăn sát cách tường nhà chỉ chừng 2 m. “Chúng tôi đã mua hàng trăm xe tải đất đá gia cố nhưng khối lượng lớn đất cát ở sân vườn đã bị trôi sông, giữa nền nhà xuất hiện vết nứt kéo dài. Nếu không may bờ sông sạt lở thì sẽ vùi lấp cả căn nhà”, bà Tiến lo lắng.

Ở kế bên, gia đình ông Lê Văn Thắng phải đập bỏ căn nhà cũ, xây dịch chuyển bên trong do sợ nhà đổ ụp xuống sông bất kể lúc nào. Hàng chục hộ dân khác ở ven bờ sông Đáy, đoạn giáp ranh giữa xã Kim Thư và Phương Trung, cũng đang sống trong tình cảnh bất an tương tự.

Theo các hộ dân, sau khi xảy ra sạt lở, phía chính quyền xã cùng với Hạt quản lý đê Thanh Oai - Chương Mỹ đã khảo sát thực trạng sụt lún và thừa nhận một số khu vực bị sạt trượt với mức độ rất nguy hiểm, đe dọa hàng loạt ngôi nhà ven sông. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các hộ dân phải sơ tán chưa được hỗ trợ và chưa nhận được kế hoạch di dời.

Quan sát của chúng tôi tại hiện trường cho thấy, nhiều vành đai sụt lún bờ tả sông Đáy kéo dài khoảng 800 m, hàng chục hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp.

Trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND xã Kim Thư Lê Lành Mạnh thừa nhận, qua khảo sát đã xác định 5 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, tiềm ẩn nguy cơ trôi sông nếu tình trạng sạt lở tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, theo ông Mạnh, hiện tại xã chưa thống kê thiệt hại của các hộ dân, chưa hỗ trợ cho các hộ dân phải di dời vì mức độ sạt lở “chưa đến mức phải di dời”.

Phó chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Văn Toàn thì cho hay, hiện tình trạng sạt lở kéo dài hơn 300 m bờ sông với 400 hộ dân trong vùng ảnh hưởng, nếu có lũ trên sông Đáy, “nhiều nhà dân sẽ bị nước đánh sập”.

Ông Cao Ngọc Đĩnh, Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều Thanh Oai - Chương Mỹ (Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão TP.Hà Nội) thông tin: năm 2010, dự án củng cố kè Đôn Thư được UBND TP.Hà Nôi triển khai, giao UBND huyện Thanh Oai làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, dự án chỉ thực hiện gia cố đoạn đê dài 300 m trên tổng chiều dài 490 m, còn lại không được triển khai.

“Chúng tôi đang kiến nghị cấp bách UBND TP cấp kinh phí triển khai dự án kè chân đê, lát mái ngăn chặn sạt lở bờ sông đoạn từ K38+150 đến cầu Văn Phương, với chiều dài 800 m, nhưng vẫn chưa được phê duyệt”, ông Đĩnh nói. Ông này cũng cho biết đó là lý do vẫn chưa có kế hoạch, phương án di dời hỗ trợ cho các hộ dân đã sơ tán, nên người dân “tự bảo vệ mình là chính”.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn

>> Sạt lở đất, 7 người chết ở Hà Giang
>> Sạt lở đất ở Hà Giang, 6 người chết, 1 người mất tích
>> Di dời khẩn cấp các hộ gia đình sống bên taluy sạt lở ở Hạ Long
>> Liên tiếp sạt lở đất tại Hạ Long
>> Đê biển Tây sạt lở nghiêm trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.