Gia tài "107 cuốn sổ đỏ"
Tới thăm căn nhà nhỏ của anh Dư trên đường Điện Biên Phủ (P.11, Q.10, TP.HCM), tôi rất bất ngờ về "tủ trưng bày sổ đỏ" của anh. Từ tờ giấy chứng nhận hiến máu đầu tiên năm 1996 tới giấy chứng nhận hiến máu gần nhất tháng 8.2023, anh Dư đều cất giữ cẩn thận, xếp hàng vuông vắn.
Nếu không tìm hiểu về anh Dư trước, có lẽ tôi cũng như rất nhiều bạn trẻ sẽ lầm tưởng anh Dư là cán bộ hội chữ thập đỏ hoặc một nhà hoạt động nhân đạo. Nhưng thực tế, mấy chục năm nay anh Dư gắn bó với công việc bảo vệ một ngân hàng tại quận 10, TP.HCM.
Anh Dư cho biết, trước kia anh rất sợ nhìn thấy máu và kim tiêm. Hồi nhỏ, cứ mỗi lần phải đi tiêm vắc xin anh đều mất ăn mất ngủ mấy ngày, chưa nói gì đến mũi kim lấy máu to gấp nhiều lần. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi đó đã được đập tan bởi chính lương tâm và trái tim muốn giúp đỡ người bệnh của anh.
"Năm 1995, tôi đang chăm sóc một người bạn trong Bệnh viện Chợ Rẫy, vô tình chứng kiến người nhà của bệnh nhân cấp cứu chạy đôn chạy đáo đi xin máu. Thấy cảnh đó tôi rất muốn cho máu nhưng vì sợ kim tiêm và sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi đã lẳng lặng ra về. Đêm về, tôi trằn trọc không ngủ nổi. Hình ảnh về nạn nhân nằm chờ máu cấp cứu, còn người nhà nạn nhân như ngồi trên đống lửa làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Nạn nhân sẽ ra sao nếu như không tìm được nguồn máu cấp cứu? Nếu mình hiến chỉ bị chích nhẹ một chút có thể cứu được người, còn nạn nhân đang đối mặt với tử thần, tại sao mình lại thờ ơ như vậy?", anh Dư xúc động nhớ lại.
Sang đầu năm 1996, anh Dư đang tham gia công tác dân quân tự vệ tại địa phương và biết đến phong trào hiến máu nhân đạo do T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động. Qua tìm hiểu, anh Dư biết được máu rất quan trọng trong cấp cứu bệnh nhân, người hiến máu không những không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn giúp cơ thể sản sinh, tái tạo máu mới và tầm soát bệnh tật. Không do dự, anh Dư đăng ký hiến máu nhân đạo lần đầu tiên trong đời.
Tuy nhiên, đến lúc bước vào bàn hiến máu, nhìn thấy mũi kim tiêm và bịch máu, anh Dư bị chóng mặt, trong người cảm giác nôn nao do cơn sợ hãi ùa về. "Tôi định xin dừng hiến máu nhưng thấy một số người xung quanh cười trong lúc hiến máu, đặc biệt nhớ lại hình ảnh người nhà nạn nhân hốt hoảng đi tìm máu, tôi quyết tâm vượt qua nỗi sợ, vượt qua chính mình, lấy dũng khí nhìn thẳng vào kim tiêm để bác sĩ lấy máu", anh Dư nhớ lại.
Sau khi hiến máu thành công, anh Dư cảm thấy rất hạnh phúc và nhìn túi máu được bác sĩ bảo quản cẩn thận. Bác sĩ còn nói rằng, máu của anh sẽ được mang đi cứu người, hôm nay anh đã làm được một việc thiện. Từ đó, cứ đều đặn 3 tháng một lần, anh Dư lại đến Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM để trao đi những giọt máu nghĩa tình.
Tuy nhiên, vào những năm 1996 – 1997, nhiều người chưa hiểu về ý nghĩa nhân văn của hiến máu nên việc anh Dư cứ 3 tháng đi hiến một lần bị một số người bàn ra tán vào, "chắc túng quá đi bán máu chứ gì?", "chịu khó lao động kiếm tiền chứ đi bán máu thế này thì không đáng mặt trai…". Nhưng anh Dư đều bỏ ngoài tai và làm theo lời lương tâm mách bảo trong suốt những năm qua.
Bác sĩ Trần Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM cho biết: "Trong mọi trường hợp, anh Dư đều nhiệt tình tham gia hiến máu, kể cả những trường hợp máu khẩn, chúng tôi đều báo tin cho anh biết. Sau này nguồn máu dự trữ ổn định hơn, anh Dư vẫn tham gia hiến máu thường xuyên".
Lan tỏa hoa việc thiện
Anh Dư đã lập gia đình, có một con gái 15 tuổi đang sống cùng mẹ ở nước ngoài. Công việc bảo vệ của anh đi sớm về khuya nên anh tự tay lo mọi việc trong nhà. "Khi biết tin bố làm việc có ích cho xã hội, con gái đã đăng hình ảnh hai cha con lên mạng xã hội cùng với sự tự hào, điều mà con bé chưa từng làm sau 9 năm sống xa cách", anh Dư tâm sự.
Có rất nhiều người muốn tham gia hiến máu nhưng người ta không biết địa điểm, thế nên anh Dư thường xuyên lên Facebook để chia sẻ thông tin về địa chỉ hiến máu, lợi ích của hiến máu tới bạn bè trên mạng xã hội.
Vào trang Facebook cá nhân của anh Dư sẽ thấy "tràn ngập" những hình ảnh hiến máu nhân đạo. Với anh, hiến máu là đam mê. Cũng nhờ vào những hình ảnh tích cực của anh Dư, cán bộ nhân viên tại cơ quan anh công tác cũng thường xuyên tham gia hiến máu. Anh Dư cho biết, cơ quan có hơn 6.000 người lao động, mỗi năm hiến khoảng 1.000 đơn vị máu. Anh rất hạnh phúc vì góp phần lan tỏa được điều tốt đẹp này tại nơi mình làm việc.
"Tôi thường xuyên động viên anh em, đồng nghiệp tham gia hiến máu nhân đạo. Hiến máu được lợi cho cả người nhận máu lẫn người hiến máu. Khi mình chẳng may mắc bệnh gì thì cơ sở nhận máu sẽ báo tin cho mình biết để kịp thời điều trị. Trong gia đình, tôi động viên được cháu và em họ cũng thường xuyên tham gia hiến máu 3 tháng 1 lần" anh Dư cho biết.
Như anh Dư chia sẻ, sau mỗi lần hiến máu anh thấy tinh thần sảng khoái hơn và sức khỏe duy trì bình thường. Hơn nữa, anh ăn uống điều độ, tập thể dục thể thao thường xuyên, nên mấy chục năm qua anh không bị bệnh, thể lực luôn đảm bảo để thực hiện tốt công việc hằng ngày hay trực đêm.
Với tâm hướng thiện, anh Dư cho biết, khi sống thì hiến máu cứu người còn lúc qua đời sẽ hiến xác cho y học. "Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại" đã trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống của anh Dư suốt 27 năm qua.
Bình luận (0)