39 NĂM THANH NIÊN PHÁT HÀNH SỐ BÁO ĐẦU TIÊN (3.1.1986 - 3.1.2025)

Sống đẹp: 4 mùa đi qua, tin yêu còn mãi

01/01/2025 06:33 GMT+7

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã liên lạc các giám khảo, tác giả từng đạt giải, nhân vật được vinh danh 4 mùa thi Sống đẹp thì đều nhận được mong mỏi rằng Sống đẹp sẽ tiếp tục duy trì để lan tỏa sâu rộng, tương trợ mạnh mẽ, kết nối bền vững hơn những nghĩa cử, tấm lòng và tình người với nhau…

Sống đẹp: 4 mùa đi qua, tin yêu còn mãi- Ảnh 1.

Quảng Đình Hậu - nhân vật trong tác phẩm Vòng xe của Hậu - nhận giải Nhân vật được vinh danh Sống đẹp năm 2022

ẢNH: ĐỘC LẬP

Mong được tiếp sức thêm

Liên lạc với bà Nguyễn Thị Phương (81 tuổi), nhân vật truyền cảm hứng được vinh danh mùa đầu tiên - năm 2021 trong bài viết Những người giữ lửa cho bếp cơm gần 30 năm giữa Sài Gòn (tác giả Nhật Linh), bà cho biết hiện bếp ăn vẫn phát 100 suất mỗi ngày từ 9 giờ 30 sáng. "Dù gần đây tình hình khó khăn hơn trước nhiều, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì hoạt động của căn bếp từ thiện Hội Cựu chiến binh P.10, Q.3, TP.HCM này", bà Phương nói và tâm sự: "Có hôm đi chợ vì không đủ tiền nên phải mua chịu, được cái là ai cũng cho thiếu, sau đó khi có nhà hảo tâm giúp thì mình trả nợ… Tôi vẫn thường đi vận động, xin hỗ trợ ở khu vực gần đó như chợ Hòa Hưng, chợ Vườn Chuối, chợ Nguyễn Thông…".

Làm dày thêm hệ giá trị văn hóa

Sống đẹp: 4 mùa đi qua, tin yêu còn mãi- Ảnh 2.

ẢNH: ĐỘC LẬP

Cách đây 6 năm, T.Ư Đoàn phát động trong tuổi trẻ cả nước cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" trên mạng xã hội. Kể từ khi triển khai, cuộc vận động đã thu hút và lan tỏa hàng triệu câu chuyện đẹp, những tấm gương sáng giữa đời thường và đặc biệt là những tấm gương thanh niên không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng góp sức vì cộng đồng. Cuộc thi Sống đẹp của Báo Thanh Niên là một trong những minh chứng rõ nét cho việc triển khai hiệu quả cuộc vận động.

Qua 4 mùa, tôi rất vui mừng vì số lượng bài dự thi qua mỗi năm lại càng tăng lên cả về số lượng và chất lượng, đa dạng cả về hình thức và nội dung. Các tác phẩm đã khắc họa một cách chân thực nhất những tấm gương sáng giữa đời thường không quản ngại khó khăn, gian khổ, âm thầm cống hiến, san sẻ yêu thương. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện đẹp, một tấm gương sáng giữa đời thường, đã góp phần làm dày thêm hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực đạo đức con người VN. Những tấm gương đó đã lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang

(Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư)

Sống đẹp: 4 mùa đi qua, tin yêu còn mãi- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Phương phát cơm tại căn bếp từ thiện Hội Cựu chiến binh P.10, Q.3, TP.HCM

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Sống đẹp: 4 mùa đi qua, tin yêu còn mãi- Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Phương (trái) phát cơm tại căn bếp từ thiện Hội Cựu chiến binh P.10, Q.3, TP.HCM

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Giọng chùng xuống, bà kể những ngày qua, thông tin 3 người (hay đến nhận cơm miễn phí) mất được báo liên tục khiến bà rất đau lòng. "Tết đến nơi rồi, chúng tôi cũng không có gì nhiều để giúp, ngoài gạo và mì - lương thực thực phẩm mà bếp ăn luôn cần. Tôi cũng đã xin được một ít để chuẩn bị quà tết cho lực lượng TNXP không có chế độ. Chúng tôi vẫn luôn cần đến sự chung tay giúp sức của mọi người để hy vọng giữ lửa được gian bếp này…".

Còn nhớ ở mùa 3, có bài viết rất xúc động và đã đạt giải nhất hạng mục Phóng sự, ký sự, ghi chép, cũng liên quan đến bếp ăn từ thiện. Đó là gian bếp được chắt chiu bởi một gia đình dù nghèo đến cùng cực vẫn dành đồng tiền kiếm được mở quán cơm chay, gieo mầm ruộng phước, trong tác phẩm Sao băng đã rớt, ngọn lửa vẫn rực (tác giả Lữ Khách). Nhân vật trong bài viết ấy - cư sĩ Vũ Quốc Cường (đã mất) cũng được vinh danh ở mùa 3. Như tác giả viết, vì từng nếm trải mọi nỗi khổ của người đời, nên khi hai vợ chồng không còn chạy ăn từng bữa nữa, anh Cường phát tâm mở quán cơm chay từ thiện để giúp những người khó khăn hơn mình. Sau khi anh mất vì Covid-19, vợ anh thực hiện di nguyện của chồng, nỗ lực "đỏ lửa" quán cơm chay… Nhưng mới đây, khi chúng tôi hỏi thăm về gian bếp, vợ anh Cường cho biết: "Tôi mới ngừng bếp ăn gần đây do không đủ khả năng xoay xở nữa. Hiện tại chỉ tham gia các hoạt động thiện nguyện tùy theo sức của mình".

Cũng trong mùa 3, một bài viết vừa ám ảnh vừa lay động - Làm phúc quên cả phận mình (tác giả Ngọc Tấn, đạt giải nhì hạng mục Phóng sự, ký sự, ghi chép và nhân vật trong bài cũng được vinh danh) khiến chúng tôi không thể không quan tâm hành trình tiếp theo của mái nhà nơi nuôi nấng trẻ mô côi của ông Đinh Minh Nhật và người cháu gái - cô giáo Đinh Thị Thùy Trang. 19 năm qua, những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi vì lệ tục được ông Đinh Minh Nhật (thôn 1, xã Ia H'Lốp, H.Chư Sê, Gia Lai) đưa về nuôi nấng; và gần đây, cô giáo Đinh Thị Thùy Trang, người cháu gái đã chấp nhận bỏ cả sự nghiệp, hy sinh cả tuổi thanh xuân, để chăm lo mái ấm mồ côi khi ông Nhật mang trọng bệnh… Qua điện thoại, ông Nhật cho biết: "Từ bài viết trên cuộc thi Sống đẹp, nhiều người biết đến mái ấm và có một số ân nhân đã chung tay hỗ trợ chúng tôi, giúp sức, giúp lòng. Gần 2 năm nay, mái ấm đã mở rộng ra thêm, các cháu có nơi ở, sinh hoạt rộng rãi hơn". Ông cũng vui mừng báo tin rằng "địa phương sắp tới sẽ tiến hành làm thủ tục thành lập mái ấm của H.Chư Sê chứ không chỉ là của cá nhân chúng tôi nữa. Qua đây, tôi có lời cảm ơn đến Ban tổ chức khi đã dành những tình cảm nồng hậu cho chúng tôi, cho mái ấm, cho các cháu".

Lòng tốt và sống đẹp luôn ở khắp muôn nơi

Trong lời giới thiệu sách Trái tim yêu - bàn tay ấm (tuyển tập những bài viết chọn lọc từ Sống đẹp mùa 3), Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn đã viết: "Tôi nhớ, tại buổi giao lưu của lễ phát động Sống đẹp mùa 3, nhiều bạn trẻ bày tỏ những băn khoăn rằng sống đẹp vẫn bị hiểu lầm, sống đẹp có cần được công nhận hay sống đẹp có phải để đánh bóng bản thân? Hẳn đây cũng là thắc mắc của không ít người, về 2 chữ "sống đẹp" trong xã hội đầy hoài nghi hiện nay. Nhưng khi đó, khách mời - nhà văn Anh Khang đã trả lời, nhìn hình ảnh logo Sống đẹp khiến anh liên tưởng đến hoa súng, hoa sen - loài hoa nở ra từ đầm lầy hay nói cách khác, sự tinh khiết nhất, thơm ngát nhất của hoa sen được kết tinh từ bùn nhơ… Và Anh Khang nhắn gửi các bạn trẻ rằng, nếu tâm ta là đóa hoa sen, đừng bận lòng đến những bùn nhơ bên ngoài".

Sống đẹp: 4 mùa đi qua, tin yêu còn mãi- Ảnh 5.

Quảng Đình Hậu (trái) vẫn lặng lẽ hỗ trợ người nghèo suốt thời gian qua

ẢNH: NVCC

Sống đẹp: 4 mùa đi qua, tin yêu còn mãi- Ảnh 6.

Quảng Đình Hậu (trái) vẫn lặng lẽ hỗ trợ người nghèo suốt thời gian qua

ẢNH: NVCC

Trong hàng ngàn tác phẩm dự thi mà Ban tổ chức Sống đẹp nhận được các mùa qua, có không ít bài viết được các tác giả đề cập về sự hoài nghi đối với dự án, tổ chức, hoạt động thiện nguyện của nhân vật mà họ mong muốn truyền tải. Nhưng rồi bằng sự thuyết phục từ người viết, và có lẽ bằng chính suy nghĩ "nếu tâm ta là đóa hoa sen, đừng bận lòng đến những bùn nhơ bên ngoài", những câu chuyện sống đẹp từ mọi miền cứ tiếp nối được chia sẻ, gửi về, tiếp lửa. Để hôm nay, Sống đẹp đã bước sang mùa thứ 5, với chủ đề Điều kỳ diệu của lòng nhân ái.

Là tác giả đạt giải nhất mùa 2 Sống đẹp, hạng mục Phóng sự, ký sự, ghi chép (với bài viết Vòng xe của Hậu, về nhân vật Quảng Đình Hậu ở Quảng Ngãi - người làm từ thiện bằng chính cơ thể khuyết tật của mình), Võ Minh Huy cho rằng: "Trải qua 4 mùa thi, đã có biết bao nhiêu câu chuyện đẹp được dệt nên từ những con người thơm thảo giữa đời, từ vô vàn những tấm lòng nhân ái rồi lan tỏa, chạm tới triệu trái tim thông qua "nhịp cầu" Sống đẹp mà Báo Thanh Niên đã bền bỉ, quyết tâm duy trì. Đó là câu chuyện của nhân vật Én Nhỏ (tên thật: Huỳnh Thanh Thảo) "chạm" đến độc giả bởi sự kiên trì, nỗ lực sống không chỉ vì mình mà còn vì người.

Hay những tác phẩm nghe tên thôi cũng thấy đầy tình người như: Những lão nông "lấy lòng đo lòng", "Hiệp sĩ bóng đêm" ở Thủ Dầu Một hay Người cựu chiến binh có đàn con "khổng lồ" ở mùa 4 mới đây…".

Cuộc thi năm 2022 - mùa 2 có 705 bài dự thi, theo Minh Huy, những bài tham gia đều hay, cảm động. Và anh đạt giải nhất không phải vì mình viết hay mà cái hay nằm ở nhân vật trong tác phẩm - là em Quảng Đình Hậu bị khuyết tật nhưng đi xin tiền để giúp đỡ người nghèo, bệnh tật. Minh Huy cho biết hiện nay thi thoảng vẫn bắt gặp Hậu đứng ở những góc ngã tư đường ôm thùng quyên góp để tự mình đi làm từ thiện. "Vài ngày trước, cậu bé lại nhắn cho tôi: "Tết này anh đi cùng em trao quà cho người nghèo được không?". Thế đấy, lòng tốt và sống đẹp luôn ở khắp muôn nơi. Và chính những câu chuyện có thực giữa đời thường rất đẹp đẽ ấy đã giúp chúng ta tự nhìn nhận để rồi sống đẹp hơn", Minh Huy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.