Sống đúng với bản thân

17/03/2019 07:43 GMT+7

Văn Đinh Hồng Vũ, cô gái khởi nghiệp thành công ở thung lũng Silicon (Mỹ) với phần mềm học phát âm tiếng Anh ELSA đang có hơn 4 triệu người dùng ở 101 quốc gia, là một trong 10 Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2018.

PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với chị về hành trình khởi nghiệp.

Tìm ra sứ mệnh quan trọng của đời mình

Lý do nào khiến chị từ bỏ các công việc được cho là danh giá để khởi nghiệp với ELSA?

Khi thời gian trôi qua, bạn sẽ nhận ra có nhiều ước mơ của mình đã không đạt được, bởi vì bạn quá bận rộn với cuộc sống mong đợi của người khác

Khi từ bỏ công việc tại Tập đoàn Maersk (trợ lý tổng giám đốc của Tập đoàn vận tải Maersk Đan Mạch - NV), Vũ đã quyết định theo học cao học tại Đại học Stanford (Mỹ). Đây không phải là một quyết định dễ dàng, vì lúc đó Vũ đang nằm trong chương trình quản trị viên tập sự, chuẩn bị đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng sau nhiều năm tại Maersk, Vũ nhận ra rằng dù mình có được tiếp tục thăng tiến nhanh ở đây, đạt đến nhiều vị trí cao hơn và sẽ rất thành công tại nơi mà mình xem như gia đình thứ hai, một phần nào đó trong Vũ vẫn biết rằng đây không phải đam mê của đời mình.
Vì vậy, Vũ đã quyết định rời Maersk và đến Mỹ, theo học MBA 2 năm tại Đại học Stanford để có thời gian nhìn lại bản thân và tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Mình thực sự quan tâm điều gì và tại sao”, và quan trọng là tìm được sự can đảm để theo đuổi điều đó.
Và thật may mắn Vũ đã tìm ra sứ mệnh quan trọng của đời mình, khi quyết định tạo ra ELSA.
Chị có thể nói cụ thể hơn?
Đây là một ý tưởng được ấp ủ từ rất lâu, xuất phát từ chính cuộc sống của Vũ trên đất Mỹ, khi vốn ngữ pháp, từ vựng, đọc viết tiếng Anh tốt, nhưng lúc đầu khó xin việc do không giao tiếp tốt. Do đó, Vũ quyết tâm phải cải thiện được giao tiếp tiếng Anh. Vũ may mắn có người bạn thân là người Mỹ, cùng học ở Stanford, chỉnh phát âm của Vũ từng chút một, trong 6 tháng luyện liên tục. Nhờ vậy mà Vũ nói tốt lên và dần dần trở nên tự nhiên khi giao tiếp tiếng Anh. Do đó, Vũ có nỗi trăn trở là làm sao để tất cả bạn bè học tiếng Anh trên thế giới có thể tìm được một người bạn tận tâm như Vũ đã có.
Sống đúng với bản thân1
Cùng nhóm cộng sự tham gia Google Launchpad (chương trình của Google giúp các startup công nghệ xây dựng công ty thành công)
Ở các nước tiên tiến, họ sẵn sàng chi trả khoảng 100 - 200 USD/giờ để nhận hỗ trợ của các chuyên gia về diễn thuyết, nhưng chi phí này là quá cao với rất nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới.
Vũ quan sát thấy công nghệ nhận diện giọng nói đã được ứng dụng rất nhiều trên thế giới, đặc biệt ở thung lũng Silicon, nhưng chưa có ai ứng dụng vào việc dạy ngoại ngữ. Nếu làm được chuyện này thì tầm ảnh hưởng sẽ rất lớn cho cộng đồng người học tiếng Anh trên thế giới.
Đó là lý do Vũ bắt tay vào nghiên cứu công nghệ này, với ước muốn xây dựng ELSA thành một người bạn tận tâm và chuẩn xác, như người bạn của Vũ.

Khởi nghiệp cần có cố vấn

Khi khởi nghiệp, chị có gặp khó khăn và đã vượt qua như thế nào?
Do Vũ là người làm về giáo dục, nên khó khăn lớn nhất là làm sao để kêu gọi được những chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới về làm với mình. Trên thế giới chỉ có một số “người khổng lồ công nghệ” như Microsoft, Google hay Apple mới đủ nguồn lực để chiêu mộ những người này. Tuy nhiên, điều Vũ có thể chia sẻ khi chiêu mộ các nhân tài công nghệ này, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư, chính là tầm nhìn và sứ mệnh cũng như những giá trị mà ELSA có thể mang lại cho cộng đồng và khả năng thay đổi được toàn cầu. Vũ may mắn nhận được sự quan tâm và đồng hành của những người có kinh nghiệm lâu năm và năng lực chuyên môn rất cao trong ngành.
Khó khăn nữa là lĩnh vực nhận diện giọng nói vốn là mảnh đất có nhiều “người khổng lồ”. Họ mất từ 7 - 10 năm để nghiên cứu và phát triển các công nghệ có được những khả năng như hiện tại, nhưng nhóm Vũ thời điểm bấy giờ là một đội ngũ rất nhỏ và thiếu nguồn lực, chi phí. Điều nhóm Vũ có thể và phải làm là một sản phẩm sáng tạo thật sự, trong thời gian ngắn hơn, khoảng 3 năm.
Ban đầu nhóm Vũ sử dụng API của Google để phát triển ELSA, nhưng điểm mấu chốt là công nghệ nhận diện giọng nói của Google có độ chấp nhận sai số rất lớn, nghĩa là bạn có nói sai thì công nghệ vẫn sẽ hiểu và thực hiện mệnh lệnh của bạn. Nhóm của Vũ xây dựng lại thuật toán mới hoàn toàn, thu thập rất nhiều dữ liệu (big data) để tạo ra khả năng độc quyền là nhận diện lỗi sai và hướng dẫn sửa từng âm tiết của ELSA hiện nay.
Sống đúng với bản thân2
Chị Vũ tại Triển lãm công nghệ giáo dục SXSWedu (Mỹ) và là startup Việt đầu tiên đoạt giải nhất
Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm gì cho các startup của VN?
Vũ may mắn có một nhóm cộng sự đắc lực và khao khát cùng làm được những việc ý nghĩa cho cộng đồng. Về kinh nghiệm khởi nghiệp, theo Vũ, điều quan trọng của một startup, nhất là startup công nghệ, là phải có được sản phẩm tốt. Sản phẩm của bạn phải là một giải pháp đổi mới sáng tạo để giải quyết được một vấn đề lớn trong một thị trường lớn, có tiềm năng để trở thành người dẫn đầu thị trường.
Trở thành một nhà khởi nghiệp là một việc khó khăn. Bạn thật sự cần phải có một sứ mệnh rõ ràng mà bạn quan tâm sâu sắc, để giúp mình vững vàng và bền bỉ trong suốt hành trình đầy chông gai và đôi lúc sẽ rất cô đơn. Bạn hãy tìm cho mình những cố vấn giỏi, những người có kinh nghiệm về lĩnh vực và các phần việc mà bạn đang sắp sửa triển khai vì bạn sẽ không thể tự mình tìm hiểu và làm mọi thứ.

“Trái tim Việt trên đất Mỹ”

Sống đúng với bản thân3
Chị Văn Đinh Hồng Vũ và các đồng nghiệp ở ELSA
Cuộc sống hiện tại của chị ở Mỹ?
Sau nhiều năm bôn ba, hiện tại Vũ hạnh phúc và tự hào khi có ELSA, với cương vị là người đồng sáng lập và giám đốc điều hành. Về cuộc sống, Vũ và ông xã hiện sinh sống tại Palo Alto. Vũ sang Mỹ từ năm 2009, đến năm nay đánh dấu tròn 10 năm Vũ sống, học tập và làm việc tại thung lũng Silicon.
Được giải thưởng Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2018, chị có thông điệp gì gửi gắm tới các bạn trẻ VN?
Bản thân Vũ cảm thấy rất vinh dự được nhận giải thưởng Gương mặt trẻ VN tiêu biểu. Dù khởi nghiệp tại Mỹ, nhưng Vũ vẫn luôn là một người con của VN, là một doanh nhân Việt với trái tim Việt trên đất Mỹ.
Người ta thường nói là con người sẽ có xu hướng hối hận với những điều họ KHÔNG làm, hơn là những điều họ ĐÃ làm, chính vì thế nếu được khuyên, Vũ sẽ chỉ khuyên các bạn hãy biết rõ bản thân mình muốn gì, và có can đảm để làm được điều đó. Ba của Vũ cũng từng nói với Vũ: “Con hãy có can đảm để sống một cuộc sống đúng với bản thân mình, không phải cuộc sống mà những người khác mong đợi”.
Được sinh ra như một người VN, hay người châu Á nói chung, chúng ta thường hay bị gánh nặng về việc phải sống theo những gì gia đình mong đợi, những gì bạn bè mong đợi, hoặc thậm chí rộng hơn là những gì xã hội mong đợi. Nhưng bằng cách làm như vậy, và khi thời gian trôi qua, bạn sẽ nhận ra có nhiều ước mơ của mình đã không đạt được, bởi vì bạn quá bận rộn với cuộc sống mong đợi của người khác.
Bạn nên chọn làm những gì thực sự quan trọng với bạn. Vũ tin rằng hạnh phúc là một sự lựa chọn. Và chúng ta có thể chọn cách vượt khỏi các chuẩn mực hoặc mong đợi của người khác và bỏ qua những điều đó, để sống một cuộc sống thực sự làm mình hạnh phúc.
Xin cảm ơn chị!
Văn Đinh Hồng Vũ
Sinh năm 1983, quê TP.Nha Trang (Khánh Hòa).
Tốt nghiệp xuất sắc Trường đại học Ngoại thương năm 21 tuổi.
2015, Văn Đinh Hồng Vũ khởi nghiệp thành công ở thung lũng Silicon (Mỹ) với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện giọng nói để tạo ra phần mềm học phát âm tiếng Anh ELSA hiện đang có hơn 4 triệu người dùng ở 101 quốc gia.
Ứng dụng học phát âm ELSA cũng là sản phẩm của người Việt đầu tiên giành giải nhất tại Triển lãm công nghệ giáo dục SXSWedu tại Mỹ (2016); Top 5 ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Google; đứng đầu top 13 công ty công nghệ đáng kỳ vọng nhất ở Đông Nam Á…
Từng là người châu Á và là phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí trợ lý tổng giám đốc của Maersk (Đan Mạch), tập đoàn vận tải có chi nhánh khắp 136 quốc gia. Văn Đinh Hồng Vũ cũng là đại diện thanh niên VN đi qua 10 nước, tham dự Hội nghị thượng đỉnh về các vấn đề giáo dục và hướng nghiệp toàn cầu.
Năm 2011, Văn Đinh Hồng Vũ sáng lập Quỹ VietSeeds, cung cấp học bổng cho học sinh nghèo VN vào đại học và đã quyên góp được hơn 1 triệu USD từ 100 nhà tài trợ trong nước và quốc tế. Đến nay quỹ đã cấp học bổng cho 340 sinh viên với trị giá 4.000 USD/suất cho suốt 4 năm học.
Năm 2018, Văn Đinh Hồng Vũ là 1 trong 100 trí thức trẻ tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo VN. Ngày 13.3 vừa qua, chị được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2018.
Người có khả năng truyền cảm hứng mãnh liệt
Huyền Tôn Nữ Cát Tường, Giám đốc điều hành Quỹ học bổng VietSeeds
Ảnh: V.T
Tôi và Vũ đã có hơn 20 năm học tập và làm việc cùng nhau. Ngay từ nhỏ, Vũ đã thể hiện khả năng làm lãnh đạo khi 12 năm học phổ thông đều làm lớp trưởng; lên đại học được bầu làm Bí thư Đoàn. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, Vũ cũng là người số 1. Vũ có tư duy cởi mở và sáng tạo, đặc biệt là khát khao làm những việc lớn cho cộng đồng. Năm 2011 khi ở Mỹ, Vũ đã thành lập Quỹ học bổng VietSeeds để trao học bổng cho học sinh nghèo học đại học vì Vũ cho rằng mình được nhiều người giúp đỡ nên muốn cống hiến cho xã hội.
Đặc biệt, Vũ là người truyền cảm hứng mãnh liệt cho mọi người xung quanh. Bất cứ ai gặp và làm việc với Vũ đều có cảm nhận về điều này. Để có được thành công ngày hôm nay, Vũ đã phải phấn đấu không ngừng nghỉ và luôn làm việc 100% năng lực của mình.
Huyền Tôn Nữ Cát Tường,
Giám đốc điều hành Quỹ học bổng VietSeeds
Động lực để người trẻ phấn đấu
Nguyễn Khánh Xuân, sinh viên năm 4, Đại học Bách khoa TP.HCM
Ảnh: V.T
Tôi nhận được học bổng từ Quỹ VietSeeds khi từ Quảng Trị vào TP.HCM học đại học. Quỹ không chỉ tài trợ học phí, sinh hoạt phí mà còn đào tạo và dạy các kỹ năng làm việc, xin việc làm và dạy ngoại ngữ cho sinh viên nên chúng tôi thấy rất thiết thực. Khi là sinh viên năm 3, tôi được làm trợ lý cho chị Vũ ở ELSA, nên đã học tập được rất nhiều ở chị như sự say mê với công việc và khả năng quản lý thời gian rất khoa học.
Chị Vũ luôn toàn tâm, toàn ý với công việc nhưng đặc biệt luôn dành 2 ngày nghỉ cuối tuần cho gia đình. Vì sắp xếp thời gian hợp lý nên hiệu quả công việc của chị rất cao. Chị là động lực cho những người như chúng tôi phấn đấu vươn lên.
Nguyễn Khánh Xuân,
sinh viên năm 4, Đại học Bách khoa TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.