Sóng gió G7 là màn PR thắng lợi cho Trung Quốc

12/06/2018 19:27 GMT+7

Khi Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc với sự chia rẽ về mặt thương mại, một cuộc họp giữa những cái tên lớn khác trên thế giới lại diễn ra suôn sẻ hơn nhiều.

Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa từ chối ủng hộ thông điệp chung với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại hội nghị diễn ra ở Quebec (Canada) và hội nghị này kết thúc trong hỗn loạn. Trong khi đó, cuộc họp được lên kế hoạch cẩn thận là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Trung Quốc lại diễn ra theo hướng hoàn toàn trái ngược.
Trong khi ông Trump bất đồng chuyện thuế quan với các lãnh đạo khác của G7 như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Trung Quốc đưa ra tuyên bố đồng thuận về thương mại và an ninh giữa các nước tham dự hội nghị của nước này diễn ra ở thành phố Thanh Đảo. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “liên tiếp tăng cường và phát triển hệ thống thương mại đa phương”, lặp lại các luận điểm gần đây mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo tự xem mình là người bảo vệ tự do thương mại toàn cầu, đưa ra.
Nhiều chuyên gia hoài nghi về sự đáng tin cậy của ông Tập trong vai trò bảo vệ tự do thương mại toàn cầu vì các động thái thương mại của Trung Quốc. Dù vậy, một loạt tuyên bố gần đây của ông Trump về thuế quan, và việc ông chỉ trích Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tạo nhiều cơ hội cho Bắc Kinh định vị bản thân là cường quốc cam kết hợp tác với các nước để giải quyết nhiều thách thức toàn cầu.
Báo chí Trung Quốc tận dụng cơ hội để đối chiếu G7 với SCO, hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo của vài nước châu Á khác. Tờ China Daily viết trong bài xã luận đăng tải bằng tiếng Anh: "Để chống lại sự đi lên của chính sách đơn phương và chống toàn cầu hóa, việc SCO chống chủ nghĩa bảo hộ dưới bất kỳ hình thức nào là đặc biệt đáng khích lệ".
People’s Daily thì đăng tải nội dung so sánh ảnh của các lãnh đạo tham gia hai hội nghị. Tấm ảnh chụp tại G7 bắt khoảnh khắc căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo châu Âu và ông Trump, trong khi ảnh chụp tại SCO cho thấy ông Tập và ông Putin đang cười. SCO bao gồm hai nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chỉ riêng Trung Quốc là đã được kỳ vọng đóng góp khoảng 30% vào tổng mức tăng GDP toàn cầu trong thập niên tới, trong khi Ấn Độ thì chiếm 10%, theo IHS Markit.
Dù vậy, các nhà phân tích cho biết hội nghị thượng đỉnh của Trung Quốc là sự phô diễn nhiều hơn chính sách thực tế. Chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Scott Kennedy, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (Mỹ) cho hay: "Nó rất hời hợt và chưa từng dẫn đến sự hợp tác đáng kể nào giữa các thành viên về vấn đề an ninh, kinh tế hoặc chính trị".
Sự thống nhất trên bề nổi che giấu khác biệt giữa các thành viên, đơn cử là khác biệt trong phát kiến Vành đai - Con đường, kế hoạch đầy tham vọng để bơm hàng tỉ USD vào các cảng biển, tuyến đường sắt và nhiều dự án khác trên khắp châu Á, châu Phi và một phần châu Âu.
Ấn Độ không hài lòng về quan hệ đối tác mà Trung Quốc đang phát triển với Pakistan thông qua Vành đai - Con đường. Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan - một thành phần quan trọng của Vành đai - Con đường đi qua khu vực tranh chấp Kashmir mà Ấn Độ và Pakistan đang căng thẳng.
SCO khởi động năm 2001 với tư cách là diễn đàn để giải quyết các tranh chấp biên giới ở Trung Á, song từ đó đến nay mở rộng để bao gồm nhiều nước hơn và bao gồm nhiều vấn đề hơn, chẳng hạn như thương mại. SCO có tám nước thành viên vĩnh viễn là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Pakistan và bốn nước Trung Á. Bốn nước khác, trong đó có Iran, có tư cách quan sát viên. Giới phê bình cho rằng khi SCO phát triển, nó sẽ cồng kềnh hơn và ít có khả năng đem lại kết quả hiển hiện hơn.
Chuyên gia Kennedy nhận định: "Không ai ở Washington hoặc các nước khác đặc biệt lo lắng về việc SCO là cái bóng phủ G7 hoặc là nguồn gốc của nỗ lực trật tự quốc tế tự do".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.