Sống khổ nơi 'rốn lũ' Nam Phương Tiến
09/08/2018 04:48 GMT+7
Nước lũ rút chậm và vẫn ngập sâu khiến hàng trăm gia đình nơi “rốn lũ” xã Nam Phương Tiến (H.Chương Mỹ, Hà Nội) phải sống trong tình cảnh không điện, không nước sạch. Ở những nơi nước cạn thì đầy rác thải bốc mùi xú uế.
Tự động phát
Chúng tôi đến thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến) vào chiều muộn 7.8 giữa lúc “bến nước” ngay đầu thôn thuyền ngược xuôi qua lại đưa người dân trở về nhà. Chèo thuyền đưa chúng tôi đi dọc thôn Nhân Lý, anh Nguyễn Văn Nhuần cám cảnh than vãn: “Không gì khổ như sống trong ngập lụt. Điện đóm chả có. Đi đâu cũng phải bằng thuyền thúng. Cả làng ai cũng bị ghẻ chân vì lội nước bẩn”.
[FLYCAM] Nước lũ chia cắt nhiều vùng ở Chương Mỹ, Hà Nội - Video tư liệu
|
Ngập lụt lớn nhất trong 47 năm qua
Trời tối mịt, thuyền chúng tôi len lỏi sâu vào trong thôn. Con đường vẫn là “dòng sông nhỏ” loang loáng ánh đèn pin người dân đội trên đầu soi đường chèo thuyền đi lại. Gặp chúng tôi khi chèo thuyền đón con về nhà, bà Lê Thị Điền kể về cuộc sống cơ cực trong vùng lũ lụt. “Nhà bị cắt điện đúng 1 tuần, cơm thì nấu bằng bếp gas, thắp sáng bằng nến. Trời nóng hai mẹ con quạt mát cho nhau, còn nước tắm phải đi xin nhà hàng xóm nhưng cũng thi thoảng mới dám xin”, bà Điền nói.
|
Khốn khổ vì cuộc sống không điện, không nước sạch
|
Dù nhà đang ngập lụt nhưng những ngày qua ông Lê Văn Ơn, Trưởng thôn Nhân Lý, vẫn tất bật với việc phân phối gạo nước, thực phẩm đến với bà con. Theo ông Ơn, năm 1971 Nam Phương Tiến từng có một trận lụt lớn nhưng trận lụt năm nay còn nặng nề hơn khi thời gian ngập kéo dài. “Trong suốt 47 năm qua, cho đến bây giờ, người dân chúng tôi mới phải trải qua trận ngập lụt dài ngày đến thế. Những trận lụt nhớ đời khác người dân ở đây đều nhớ là năm 1998, 2008 và tháng 9.2017”, ông Ơn kể.
[VIDEO] Quần áo cắp nách, đi làm bằng ca nô ở vùng lũ Hà Nội
|
|
Nhà, vườn thành bãi rác
Khi thấy đoàn xe chở công an, bộ đội về địa phương dọn dẹp môi trường sau lũ, sáng sớm 8.8, ông Nguyễn Nhã Tuyển, Trưởng xóm Beo, thôn Nam Hài, hớt hải phóng xe vào trụ sở xã “kêu cứu” với Phó chủ tịch UBND xã Nam Dương Tiến Nguyễn Chiến Thắng khi nhà ông đang tràn ngập rác, gia đình không thể dọn xuể nên đề nghị chính quyền hỗ trợ. Đề xuất này chưa thể đáp ứng ngay, khi trong ngày các lực lượng tập trung dọn dẹp bùn đất ở các công trình thiết yếu là trạm y tế xã, các trường học...
Chúng tôi theo ông Tuyển đi về xóm Beo. Con đường vào ngõ vẫn ngập sâu trong nước nên ông phải lấy thuyền đẩy chúng tôi vào sâu bên trong. Dưới thuyền, nước lụt màu xanh rêu, xung quanh là xác cá, vịt chết đang phân hủy. Bước chân ông Tuyển đi đến đâu, nước xộc lên mùi tanh nồng đến đấy. Càng vào sâu trong xóm, rác nổi càng nhiều. Khu nhà ông Tuyển bị lũ làm sập mất đoạn tường bao, chúng tôi theo lối này để vào “khu vườn rác” hỗn độn. Dãy nhà ở của gia đình đóng cửa đi sơ tán giờ bị rác chặn lối vào, bao vây đã nhiều ngày. Rác nổi dồn thành bãi rộng hàng trăm mét vuông đủ thứ từ ghế sofa, xác động vật cho đến chai nhựa và bọc ni lông... “Rác nổi không đáng sợ, phần rác chìm còn khủng khiếp hơn nhiều”, ông Tuyển nói. Khi cùng ông lội dò dẫm trong khu vườn này, chúng tôi cảm nhận rõ bên dưới mỗi bước chân là những bọc rác chìm. “Ngay khi nước trong vườn cạn, gia đình bỏ tiền thuê 20 người dọn nguyên 1 ngày, bốc đi gần trăm bao tải nhưng chỉ được một góc nhỏ, cực chẳng đã mới phải kêu cứu lên chính quyền nếu không nắng lên là dịch bệnh bùng phát ngay”, ông Tuyển phân bua.
[VIDEO] “Bãi biển” trên đường nhựa ở rốn lũ Quốc Oai, Hà Nội
|
Đối mặt nghèo khó
Nhưng nỗi lo dịch bệnh, ô nhiễm môi trường là trước mắt, còn với những người có nhà bị lũ cô lập chưa thể về nhà, phải đi ở nhờ thì trận lũ đẩy họ trước nguy cơ khuynh gia bại sản.
Đã nửa tháng trôi qua, bà Nguyễn Thị Phượng, nhà ở xóm Beo, chưa thể về nhà khi nhà còn ngập sâu, phải lên ở tạm trụ sở HTX xã Nam Phương Tiến. Đàn gà, bò theo bà Phượng chạy lũ được nhốt tạm dưới nhà kho. Có nơi ở tạm nhưng mọi chuyện ăn uống, tắm rửa vệ sinh hằng ngày phải đi nhờ người thân gần đó. Vợ chồng dồn điền đổi thửa mở trang trại gần 1 ha ngoài cánh đồng xóm Đầm Giữa nhưng 2 năm nay gần như thất thu. Bà Phượng kể, tháng 10 năm ngoái, xã Nam Phương Tiến cũng bị lũ lụt nhiều ngày. Trang trại hàng trăm con lợn, bò, gà vịt phải sơ tán đi khắp nơi. Bò thì gia đình gửi nhà người quen ven đường 6 mạn Lương Sơn (Hòa Bình). Còn lợn, gà lùa vào nhà anh em trong xã ở trên cao, nhường cả buồng ngủ làm nơi nhốt tránh lũ. Nhưng khu ao nuôi cá thịt hơn 2 năm chưa thu hoạch thì bó tay, lũ tràn đến thiệt hại cả trăm triệu đồng. Mùa lũ năm nay đến sớm, bò gà không kịp đem gửi phải lùa tạm về nhốt trong nhà kho HTX. Đàn gà thịt gần cho thu hoạch buộc phải gọi người đến bán non, giá thấp; số không bán kịp bị dồn lại, chết nhiều. “Chỉ tính sơ sơ, mùa lũ năm nay gia đình thiệt hại hàng trăm triệu đồng. 2 năm 2 trận lũ, trang trại thất thu, mất vốn”, bà Phượng than.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, cho biết thống kê sơ bộ trong đợt ngập lụt này, người dân ở các thôn Nam Hài, Hạnh Bồ, Nhân Lý, Hạnh Côn mất trắng diện tích lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản. 4 thôn này cũng có khoảng 38.000 con gia súc, gia cầm bị chết... Ước thiệt hại về kinh tế khoảng 100 tỉ đồng.
Người dân có nguyện vọng lên chỗ cao
“Tâm tư, nguyện vọng là chúng tôi chỉ muốn lên chỗ cao”, ông Lê Văn Ơn, Trưởng thôn Nhân Lý, nói. Ông Ơn kể nhà có khu đồng Bưởi ở phía trên cao, muốn di dân lên đấy nhưng chưa được vì đất chỉ cho sản xuất. “Ở đây ngập lụt thế này chúng tôi không dám chăn nuôi nữa, đến thời kỳ lợn đẻ mà cho lên ô tô chạy lụt thì hỏng hết. Gần 20 ngày rồi nhà tôi nước vẫn ngập hàng mét, giờ đang đi ở nhờ nhà họ hàng. Lũ lụt mỗi năm một nhiều. Sang năm lại thế này thì chúng tôi không sống nổi”, ông Ơn than.
Trước đó, Chủ tịch UBND H.Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cũng đã kiến nghị UBND TP.Hà Nội có kế sách lâu dài ổn định đời sống người dân, trong đó căn cơ nhất là di dân khỏi vùng trũng.
Vũ Hân
|
Bình luận (0)