Sống khỏe

21/05/2013 10:24 GMT+7

Khi nói về sức khỏe, dân gian ta có câu tục ngữ “Ăn được ngủ được là tiên”; nghe có vẻ giản đơn nhưng đó là một “chân lý”: có được sức khỏe tốt là hạnh phúc lớn của mỗi người. Bác sĩ (BS) Lê Hùng đã chứng minh điều này qua 2 tập sách Hiểu bệnh để phòng trị bệnh do NXB Tổng hợp TP.HCM và Thời báo Kinh tế Sài Gòn ấn hành.

Khi nói về sức khỏe, dân gian ta có câu tục ngữ “Ăn được ngủ được là tiên”; nghe có vẻ giản đơn nhưng đó là một “chân lý”: có được sức khỏe tốt là hạnh phúc lớn của mỗi người. Bác sĩ (BS) Lê Hùng đã chứng minh điều này qua 2 tập sách Hiểu bệnh để phòng trị bệnh do NXB Tổng hợp TP.HCM và Thời báo Kinh tế Sài Gòn ấn hành.

Đây là tập hợp những bài viết, bài giảng và nội dung giao lưu với bạn đọc của BS Lê Hùng, hầu hết đã được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị, Thanh Niên, Pháp Luật TP.HCM… từ năm 2010-2012. Tập 1 có 6 chương: Nhọc mình mà làm chi, Một số bệnh thông thường, Chuyện làm đẹp, Nỗi buồn biết tỏ cùng ai, Để có tuổi già xanh, Phương pháp xoa bóp. Tập 2 gồm 5 chương: Các bệnh thường gặp, Bệnh văn phòng, Các phương pháp chống đau không cần thuốc, Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, Mạn đàm về bệnh tật. Trong mỗi chương có nhiều câu chuyện khác nhau, đề cập đến gần như mọi chuyện liên quan tới thân và tâm của con người.

Với một kiến thức y học sâu rộng cùng trải nghiệm thực tế, thông qua lối viết nhẹ nhàng, dí dỏm, BS Lê Hùng đã cung cấp cho chúng ta nhiều kiến thức phổ thông về các loại bệnh cũng như cách phòng tránh và chữa trị - từ những bệnh thường gặp đến những căn bệnh “khó nói”. Tùy trường hợp, BS Lê Hùng kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức y học phương Tây hiện đại và y học cổ truyền phương Đông để luận giải. Về văn phong, đúng như lời giới thiệu của người làm sách: “Đọc các bài viết về y học của ông, ta có cảm giác như đang nghe ông trò chuyện thân mật, thông cảm với nỗi lo âu của người bệnh, sẵn sàng chia sẻ những kiến thức y học cần thiết và cho những lời khuyên hữu ích - điều mà một số bác sĩ hiện nay “quên” không làm!”.

Thí dụ như câu kết bài Nâng niu “bàn chân tội nghiệp”, sau khi hướng dẫn cách xoa bóp và ngâm chân, ông viết: “Hai bàn chân hồng hào tươi nhuận, ấm áp, thơm tho là biểu hiện cho một sức khỏe dồi dào về cả thể chất lẫn tinh thần. Tại sao chúng ta lại không làm thử nhỉ”. Hay như trong bài Đi bộ cũng phải đúng cách, ông giải thích: “Đi bộ là sự tập luyện đơn giản đến tận cùng cho nên có thể mang lại trạng thái thư giãn nhất cho cơ thể cũng như tâm hồn của người tập để tái tạo một “sức khỏe tâm thể” toàn diện”. Tuy vậy, ông nhắc chúng ta: “Đi bộ quá sớm, rủ nhau đi bộ lúc 4 giờ sáng, trời còn tối, khí âm còn đầy trong đất trời, sương lạnh ẩm ướt, đặc biệt ở các công viên còn giữ lại những cây cổ thụ lâu năm, biết đâu vẫn vấn vương chút “sơn lam chướng khí” của núi rừng xa xưa? Đi bộ trong bối cảnh như thế rất dễ cảm phải “phong, hàn, thấp”, có thể gây ra hoặc làm tái phát các chứng bệnh cảm cúm, viêm phế quản, hen suyễn, thấp khớp, đặc biệt là những người già mà sức đề kháng đã yếu kém”. Còn trong bài Rối loạn cương, BS Lê Hùng mở đầu như vầy: “Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của người đàn ông là chuyện “trục trặc gối chăn”. Chuyện này thường xảy ra vào độ tuổi trung niên khi công danh, sự nghiệp và cơ sở vật chất đã ổn định thì oái ăm thay niềm vui (có thể nói là lớn nhất của đời người) ấy lại có khuynh hướng đội nón ra đi”. Tiếp đó, ông cảnh báo: “Một số thoái quen xấu cũng gây hiện tượng rối loạn cương như uống nhiều rượu bia, nghiện thuốc lá. Làm việc quá sức không chú ý đến sức khỏe, không biết cách thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý khiến cho cơ thể quá mệt mỏi, suy kiệt”. Và ông kết luận: “Do đó cần trình bày rõ ràng với bác sĩ chuyên khoa để được một chẩn đoán chính xác và phương thức điều trị hợp lý, tích cực. Trên thực tế, đôi khi chỉ với một vài phương thức điều trị rất đơn giản đã có thể làm cho chúng ta trở thành một “trang hảo hán” dũng mãnh, tràn trề sinh lực”.

BS Lê Hùng tốt nghiệp ngành nội-nhi, ĐH Y Huế năm 1981, làm việc tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đến năm 1987. Hơn 20 năm nay, BS Lê Hùng khám chữa bệnh theo Đông y và giảng dạy về y học cổ truyền tại một số trường đại học ở trong và ngoài nước. Những năm 2002 - 2008, ông là Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. Hiện tại, BS Lê Hùng là Phó chủ tịch Hội Châm cứu và Hội Đông y TP.HCM.

Lạc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.