Vườn quốc gia Xuân Thủy (H.Giao Thủy, tỉnh Nam Định) hay có tên gọi khác là Khu bảo tồn nguyên sinh rừng ngập mặn quốc gia Xuân Thủy, nơi có bãi bồi rộng lớn nằm ở phía nam cửa sông Hồng với tổng diện tích tự nhiên lên tới 7.100 ha. Đặc biệt, phù sa màu mỡ của sông Hồng và biển đã tạo dựng nên khu đất ngập nước với nhiều loài động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm.
Hệ sinh thái phong phú, môi trường trong lành nên những rừng sú vẹt (một loại cây mọc ở ven biển) mọc tươi tốt trên bãi bồi mênh mông. Mỗi mùa hoa nở, thu hút hàng ngàn bầy ong đến hút mật. Không bỏ lỡ món quà từ thiên nhiên đầy giá trị, người dân cũng nuôi ong lấy mật từ đó.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tùng (34 tuổi, trú tại xã Giao Yến, H.Giao Thủy, tỉnh Nam Định) là một trong những hộ nuôi ong với số lượng lớn, lên đến 800 đàn. "Mỗi năm, vào đợt 30.4, hoa sú vẹt bắt đầu nở rộ. Đó là lúc tôi đưa những đàn ong của mình đến để chúng hút mật", anh Tùng nói.
Với 800 đàn ong, vào mùa hút mật hoa sú vẹt (kéo dài từ 1- 2 tháng), anh Tùng thu hoạch được 10 tấn mật ong thành phẩm.
Theo anh Tùng, loại mật này mang hương vị rất đặc biệt, có vị mặn của nước biển, vị chua, ngọt thanh của hoa sú vẹt. "Các mùa hoa người dân trồng làm kinh tế, thu hoạch quả thường chủ vườn phun nhiều loại thuốc khác nhau để tăng năng suất. Ông hút mật các loại hoa này lẫn cả thuốc bảo vệ thực vật khiến mật ong kém chất lượng hơn. Nhưng sú vẹt là loại cây tự nhiên, không phải chịu những đợt phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, mật ong sú vẹt đạt chất lượng và an toàn cao trong các loại mật", anh Tùng chia sẻ.
Từ năm 2022, mật ong sú vẹt của gia đình anh Tùng đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, nâng cao được chất lượng và giá thành sản phẩm. Sau mỗi năm, trừ tất cả các chi phí, anh Tùng thu được khoảng 250 triệu đến 300 triệu đồng tiền lãi.
"So với nghề làm nông thì công việc này đỡ vất vả hơn. Sau mỗi mùa hoa tàn, tôi lại cùng 800 đàn ong của mình "di cư" đi khắp các tỉnh từ miền Bắc vào miền Nam để tìm hoa cho chúng hút mật, đó cũng là những trải nghiệm rất thú vị trong cuộc sống mà vẫn mang lại kinh tế", anh Tùng nói.
Anh Phạm Quang Hưng (39 tuổi, trú tại xóm 1 xã Giao Thiện, H.Giao Thủy, tỉnh Nam Định) với gần 30 năm nuôi ong, cho biết: Với 500 đàn ong, mỗi mùa hoa sú, vẹt, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 10 tấn mật ong. Trừ tất cả các chi phí, thu nhập được khoảng 400 - 600 triệu đồng/năm tùy từng năm".
Năm nay, mùa thu hoạch mật ong sú vẹt cũng vừa kết thúc, theo anh Hưng đánh giá, sản lượng mật ong sú vẹt năm nay giảm so với năm trước bởi: Vì cây sú vẹt mỗi năm lại trở nên cằn cỗi hơn, cộng thêm khí hậu cũng ngày càng trở nên khắc nghiệt khiến hoa nở ít, lượng mật ong vì vậy thu được cũng giảm sút.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Huấn, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Giao Thủy (tỉnh Nam Định) cho biết, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là mùa hoa sú vẹt nở tập trung tại Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Hiện nay, trong khu vực vườn có 20 chủ thể nuôi ong lấy mật với 8.000 đàn. Sản lượng mật ong sú vẹt thu hoạch từ 80 - 90 tấn/năm (tùy theo tình hình thời tiết), giải quyết khoảng 90 lao động thường xuyên vào khoảng 300 lao động thời vụ.
Theo ông Lê Văn Huấn, sản phẩm mật ong sú vẹt được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Mật ong sú vẹt đạt tiêu chuẩn OCOP bán ra có giá 150.000 đồng/lít, giá trị cao hơn khoảng 20 - 25% so với mật ong thông thường.
"Khi tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất mật ong sú vẹt OCOP, các cơ sở có đầu ra ổn định, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ, mang lại hiệu quả cao so với sản xuất mật ong thông thường. Doanh thu của các cơ sở đạt bình quân từ 350 - 400 triệu/năm, thu nhập người lao động từ 8 - 10 triệu/tháng. Góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương và ổn định đời sống của người dân khu vực VQG Xuân Thủy", ông Huấn cho biết thêm.
Bình luận (0)