Sống khỏe với nghề làm đầu lân, sư dịp Trung thu

22/09/2018 20:16 GMT+7

Gia đình ông Trần Ích Nung (75 tuổi) ở số 126 đường 208, xã An Đồng, huyện An Dương (thành phố Hải Phòng) đã có gần 100 năm làm đầu lân , sư.

Trước kia, khi còn ở phố Cầu Đất, quận Ngô Quyền (thành phố Hải Phòng), gia đình ông Nung đã nổi tiếng là nơi làm ra những chiếc đầu sư tử, kỳ lân đẹp, bền. Năm 2004, gia đình mới chuyển về xã An Đồng nhưng vẫn giữ nghề truyền thống. Đầu lân, sư được gia đình ông Nung làm hoàn toàn thủ công với những nguyên  vật liệu truyền thống như tre, mây, giấy báo, bột rong, sơn Hải Phòng.
Ông Nung cho biết, ngày xưa, ở Hải Phòng, Quảng Ninh thường chơi đầu sư tử. Loại này có hình đầu cá chép, sừng to và cao, dọc sừng có gai nhọn, 2 mang có 4 tai to rộng, nhìn dữ tướng. "Những năm gần đây, đầu sư tử ít người chơi mà đầu lân được ưa chuộng. Thỉnh thoảng cũng có người đến đặt làm đầu sư tử", ông Nung nói.
lam-dau-lan
Ông Nung cho biết mỗi dịp Trung thu gia đình ông bán khoảng 3.000 đầu lân Ảnh Lê Tân
Cứ mỗi dịp Trung thu (bắt đầu từ đầu tháng 8 âm lịch đến hết rằm) gia đình ông Nung làm và bán khoảng 3.000 đầu lân với giá 75.000 đồng/chiếc cho các mối buôn. Ngoài ra, ông Nung còn thường xuyên làm những chiếc đầu kỳ lân có độ tinh xảo cao cho khách đặt riêng. Mỗi chiếc đầu kỳ lân như thế thường có giá vài triệu đến vài chục triệu đồng. Hàng làm ra bao nhiêu là có khách mua hết.
lam-dau-lan
Đầu lân đúc từ khuôn đất rồi được đắp, bồi giấy, vẽ màu và dán giấy kim sa Ảnh Lê Tân
Để làm đầu lân nhỏ, phục vụ trẻ con trong dịp này, thì ngay từ đầu năm, gia đình ông Nung đã phải dùng đất để tạo khuôn, đúc. Sau khi đúc thành khuôn, người thợ sẽ sử dụng sơn để vẽ các chi tiết và dùng vải kim sa để trang trí.
Với những chiếc đầu lân được đặt riêng, nhiều tiền thì ông phải tạo khung bằng mây, tre rồi dùng giấy báo bôi hồ dán. Hồ dán được làm từ bột củ rong nấu chín như hàng trăm năm qua. Giấy báo được đắp, bồi nhiều lớp. Ở ngoài cùng sẽ dùng loại giấy bản trắng để tiện cho việc vẽ tạo hình.
lam-dau-lan
Những năm gần đây, đầu lân được ưa chuộng hơn đầu sư tử truyền thống trước kia Ảnh Lê Tân
Không chỉ làm đầu lân, gia đình ông Nung còn làm cả các phụ kiện đi kèm như mặt nạ chú tễu, đuôi lân, quần áo múa lân để phục vụ lễ hội rước đèn, vui Trung thu. Với quyết tâm giữ nghề truyền thống và nhanh nhạy thay đổi mẫu mã theo nhu cầu thị trường, gia đình ông Nung đã và đang "sống khỏe" với nghề làm đầu lân, sư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.