|
Hiện ông Mười Cương đang sở hữu khu vườn rộng 1,2 ha, trồng khoảng 2.000 gốc ca cao. Ông cho biết cha ông là một trong những người đầu tiên ở đất Phong Điền trồng ca cao trong vườn cây ăn trái, khi giống cây này mới xuất hiện ở địa phương từ những năm 1960. Cây ca cao lúc đó mang lại lợi nhuận chưa cao, trái chủ yếu được hái bán ở chợ và cho học sinh quanh vùng. Sau năm 1975, các ban ngành bắt đầu tìm kiếm những mặt hàng có giá trị xuất khẩu nên vườn ca cao của gia đình ông được chú ý đến. Vào thời điểm cây ca cao được khuyến khích trồng, ông từng hợp tác cung cấp hàng chục ngàn cây giống cho Trường đại học Cần Thơ.
Đầu ra của cây ca cao luôn là vấn đề mà ông Mười Cương trăn trở bởi loại cây này từng khiến nhiều nhà vườn ĐBSCL khốn đốn. Thay vì bán trái tươi thu lợi nhuận không cao, ông học cách sơ chế hột ca cao. Trái ca cao chín bỏ vỏ, lấy hột, sau đó cho vào cần xé lót lá chuối ủ trong 7 ngày để phân hủy lớp thịt bên ngoài. Quá trình ủ cho lên men này rất quan trọng vì vừa tách bỏ lớp thịt, vừa giúp tạo ra hương vị sô cô la đặc trưng. Nếu không ủ, hột ca cao sẽ giữ nguyên vị chát. Sau khi ủ, hột ca cao được phơi nắng liên tục trong 5 ngày. “Nếu biết cách làm, người trồng sẽ có thu nhập cao hơn. Trái ca cao tươi hiện có giá khoảng 4.000 đồng/kg, còn hột ca cao đã qua sơ chế là 65.000 đồng/kg; trong khi chỉ cần từ 5 - 6 kg ca cao tươi là làm ra được 1 kg hột”, ông Mười Cương nói. Hiện ông đang thu mua trái ca cao tươi của các nhà vườn trên địa bàn và đem về sơ chế hột rồi bán cho các công ty chế biến ca cao, cà phê.
Ngoài ra, ông Mười Cương còn tự tay chế biến nhiều sản phẩm từ hột ca cao. Ông cho biết ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được cha mẹ dạy cho cách làm bột ca cao, sô cô la vào những dịp lễ tết. Từ hột ca cao, qua quá trình rang, bóc vỏ, xay… ông tạo ra ca cao khối, rồi bột ca cao. Sản phẩm do ông làm ra còn có bơ ca cao, sô cô la nguyên chất và món nước ca cao lên men độc đáo.
Khi loại hình du lịch homestay bắt đầu được chú trọng phát triển ở Phong Điền, ông bắt tay vào sửa sang khu vườn, chỉnh trang phòng nghỉ để phục vụ khách tham quan. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào không khí nhà vườn, thưởng thức các món ăn dân dã, đặc biệt là được quan sát và tham gia vào các công đoạn làm bột ca cao, sô cô la… “Tôi cảm thấy rất thú vị khi được rang, xay hột ca cao rồi ngồi thưởng thức ly ca cao do mình làm ra trong không gian đậm chất Nam bộ ở vườn chú Mười Cương”, anh Trần Văn Toàn, một khách du lịch đến từ TP.HCM, chia sẻ.
Bài, ảnh: Bách Hợp
>> Hơn 5.000 ha ca cao bị đốn bỏ
>> Giá tăng, nông dân vẫn đốn bỏ ca cao
>> Khánh thành Trung tâm phát triển ca cao Bình Phước
>> Trồng ca cao vẫn thu lợi nhuận cao
Bình luận (0)