Sống không đôi mắt: Chăm con bằng... sờ và ngửi

27/06/2019 09:00 GMT+7

Sống không đôi mắt, người mù làm sao pha sữa, tắm rửa cho trẻ sơ sinh? Khi con bệnh, làm sao cho bé uống thuốc đúng liều lượng, chủng loại?...

Bản năng làm mẹ và tình yêu thương đã giúp những bà mẹ khiếm thị “cân” mọi tình huống lúc chăm con.

Pha sữa, cho con uống thuốc... theo cách riêng

Người mù canh con kỹ lắm, thậm chí kỹ hơn người sáng mắt. Đã mấy lần, em nghe trên ti vi tin tức về người sáng cho con uống nhầm thuốc độc. Con của người mù không có chuyện đó đâu!
Chị Lê Thị Lan Hương
Từ ngày sinh cu Chí, người mẹ mù Lê Thị Diệu Hiền (22 tuổi, tạm trú P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM) ở nhà chăm con. Phòng trọ sát đường đi, xe cộ qua lại ào ào nên mỗi khi người chồng khiếm thị ra ngoài mưu sinh, Hiền đóng cửa cùng con ở suốt trong nhà.
Cu Chí đã được 9 tháng tuổi, sắp mọc răng nên ngứa nướu, vớ được cái gì cũng gặm. Hiền lần xuống bếp pha sữa, thằng con bò theo khóc. Cô quờ chân bước rón rén vì sợ giẫm phải con.
Bị mù bẩm sinh nên trong thời gian mang thai, Hiền hồi hộp lo đôi mắt con giống mình. Lúc cu Chí chào đời, câu đầu tiên cô bật ra là: “Mắt con em có bị sao không?”. Nghe bác sĩ nói mắt bé không sao, Hiền thở phào nhẹ nhõm.
Gần một tháng ở cữ dưới quê (tỉnh Long An), Hiền được mẹ ruột phụ chăm em bé. Từ tháng thứ hai, vợ chồng Hiền trở lên TP.HCM, tự xoay xở chăm con. Thời gian đầu quậy sữa, cô thường làm đổ hoặc vón cục, đôi lần bị phỏng nước sôi…
Tuy nhiên, khâu tắm con mới khiến Hiền nhát tay nhất. Cô kể: “Mới mấy tuần tuổi, Chí nhỏ xíu, em đâu dám tắm cho nó. Em lấy nước ấm lau mình nhưng nó sợ nước, khóc quá chừng. Hàng xóm tưởng có chuyện gì, chạy qua coi. Sau khoảng một tháng rưỡi, em mới tắm cho con lần đầu”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (35 tuổi, ngụ P.14, Q.6, TP.HCM) cũng chia sẻ bí quyết nuôi con: “Để pha sữa hoặc cho con bú, tôi chế sữa vào ca nhỏ, lấy muỗng lường xem nhiều hay ít rồi cho nước sôi vào, sau đó nếm thử vừa uống chưa mới đổ vào bình. Một tay cầm bình, một tay vừa ôm vừa xác định vị trí miệng bé để đút sữa vào”.

Tổ ấm của đôi vợ chồng khiếm thị Lan Hương - Tâm Thương cùng con gái Thiên Kim

Đến tuổi con tập đi, chị Hà đeo vào chân bé cái kiềng gắn lục lạc để biết bé đang ở đâu. Mỗi lần kiểm tra con tiểu tiện hay không, bên cạnh ngửi mùi, chị Hà còn sờ bên trong cái tã con mặc. Chị cười lỏn lẻn: “Lỡ sờ trúng phân của bé cũng đâu có sao, con mình mà!”.

Nghe giọng chọn người yêu

Theo những người khiếm thị, họ thường chọn người yêu bằng cảm nhận giọng nói trước tiên, rồi tới tính tình này nọ.
Thanh Bình (16 tuổi, quê Đồng Nai) cho rằng người trẻ khiếm thị thời hiện đại cũng nghe giọng nói để đoán “người ấy” đẹp hay xấu (với Bình, cô nào có giọng nhẹ, êm là… đẹp). Đặc biệt, họ tận dụng điện thoại và mạng xã hội để tìm hiểu đối tượng. Bình tiết lộ: “Đợt trước, em quen cô bạn ở lớp hòa nhập. Em chụp hình bạn rồi về nhờ mấy đứa em họ sáng mắt tả lại, tụi nó phán: Xấu đau xấu đớn! Cũng có khi thực tế phũ phàng, không như mình tưởng tượng”.
Bị mù, lại sớm mồ côi cha mẹ, chị Lê Thị Lan Hương (37 tuổi, trọ P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM) không có sự trợ giúp của người thân khi sinh con. Chỉ riêng chuyện pha sữa cũng đủ khiến chị đau đầu: “Sữa công thức nếu ít thì lạt, không ngon, nếu dư thì con sẽ bị táo bón. Khó nhất là mình không thấy đường, làm sao pha cho đúng chuẩn”.
Sau vài lần trầy trật, chị Hương tìm được cách khắc phục. Chị lấy nắp bình sữa múc đầy nước đổ vào bình.
Thông qua một người bạn sáng mắt, chị biết được mỗi nắp nước là bao nhiêu mi li lít và mấy nắp sẽ đầy bình sữa. Từ đó, chị kết hợp số lượng muỗng sữa tương ứng.
Với người khiếm thị, lúc con phải chích ngừa hoặc đau ốm, việc đo nhiệt độ (sốt) và chia thuốc cho bé uống cũng khá khó khăn.
Theo chị Hương, sau khi lãnh thuốc, chị kiếm người sáng mắt nhờ chỉ dẫn cẩn thận. Với thuốc ho, chị rửa tay thật sạch rồi rờ những ngấn cộm trong lòng ly để canh liều lượng.
Khi được hỏi có sợ con bị lạc, bị bắt cóc không, chị Lan Hương khẳng định: “Người mù canh con kỹ lắm, thậm chí kỹ hơn người sáng mắt. Đã mấy lần, em nghe trên ti vi tin tức về người sáng cho con uống nhầm thuốc độc. Con của người mù không có chuyện đó đâu!”.

Mong đời con sáng hơn đời mẹ

T.H (cựu học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM) kể rằng sự ra đời của cô gắn với kỷ niệm buồn của đời mẹ. T.H thổ lộ: “Lúc cha mẹ quen nhau, mẹ mang bầu em. Gia đình nội nói nếu siêu âm con trai sẽ cho cưới, còn con gái thì không. Tới tháng thứ 5, mẹ siêu âm ra con gái, bên đó nhất định không chịu. Bà nội sợ mang tiếng nên mua thuốc ngừa thai trộn vào đồ ăn uống của mẹ…”.
Khi H. khoảng 1 tháng tuổi, ông ngoại cột chùm vải đủ màu và cố gắng gây chú ý cho H. nhìn vào chùm vải đó. Nhưng H. cứ ngó mông lung. Gia đình chở H. đi khám, mới hay H. bị tiêu nhãn cầu bẩm sinh, mù suốt đời!
Học xong lớp 8, H. theo nghề massage. Hơn 3 năm, H. trôi nổi qua 5 chỗ làm. H. cho biết cô thường gặp phải “khách dê”. Một số chủ cơ sở ép H. và các nhân viên chiều “thượng đế” bằng mọi giá, nếu không thì cho nghỉ việc. Từ tháng 2.2018, H. cùng chồng (cũng từng làm massage) ra đường bán móc khóa, tăm, nhang cho đến khi cô sinh con.

Bây giờ Nguyễn Đức Tuấn Nghị là đôi mắt dẫn đường của mẹ Nguyễn Thị Ngọc Hà

H. cho biết gia đình chồng không chấp nhận cô. Họ muốn con trai mình cưới người sáng mắt để còn nhờ cậy. Hiện con trai H. đã ngoài 8 tháng tuổi. Khi đã khá thuần thục với việc chăm sóc con, H. bán áo quần qua mạng. Vợ chồng cô dự tính khoảng 3 năm nữa sẽ về quê mở tiệm massage. H. bày tỏ: “Dù vất vả cỡ nào, tụi em cũng ráng cho con học hành, sống vui vẻ”.
Nguyễn Đức Tuấn Nghị, con trai của chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (ở P.14, Q.6) năm nay đã lên lớp 6. Chị Hà tâm sự: “Đôi lúc tôi cũng hoang mang, nghĩ mình có lo được cho con đến ngày nó trưởng thành hay không. Tôi làm massage tự do, bữa có bữa không, trong khi chi phí phòng trọ và xe ôm khá nhiều. Bù lại, con tôi rất hiếu thảo, sớm đỡ đần việc nhà”.
Chị Hà xúc động kể lần chị đưa con đi học thêm chuẩn bị vào lớp 1. Lúc đó, sợ con mặc cảm, chị định lánh mặt: “Lỡ bạn con gặp mẹ, tụi nó chọc Nghị có mẹ bị mù thì tội nghiệp cho con”. Cậu bé dứt khoát: “Ai nói kệ người ta, con hổng quan trọng. Miễn sao mẹ đi với con là được rồi!”.
Bây giờ, Nghị là đôi mắt dẫn đường của mẹ. Mẹ muốn đi đâu, Nghị đều háo hức song hành…(còn tiếp)

 Rớt nước mắt chọn áo cưới

Thời cùng học và sinh hoạt tại Hội Người mù TP.HCM, anh Thạch Thảo Tâm Thương (quê Bến Tre) và Lê Thị Lan Hương (quê Đồng Nai) yêu nhau rồi tiến tới hôn nhân.
Cận ngày cưới (năm 2009), anh Thương cật lực ngày làm massage, đêm đi bán vé số để trang trải chi phí, nên chị Hương phải lo liệu đám cưới từ A tới Z. Chị tâm sự: “Tủi thân nhất là lúc một mình đi chọn áo cưới. Em mồ côi trơ trọi, lại bị mù, rờ áo cưới mà rớt nước mắt. Khi chọn xong, em nói với nhân viên cửa hàng áo cưới: Chị hãy coi em như em gái, thật lòng nhận xét chiếc áo này có hợp với em không…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.