Sống không đôi mắt: Người khiếm thị đá bóng, đấu cờ

25/06/2019 12:30 GMT+7

Nhiều người khiếm thị đam mê theo đuổi những môn thể thao như bóng đá, judo, cờ vua... Để làm được điều đó họ có cách tiếp cận khác, đôi khi rất độc đáo.

Bị mù từ nhỏ nhưng mê đá banh, anh Vòng Thành Được (30 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện làm nghề massage ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tranh thủ mọi cơ hội để được chơi bóng. Có thời gian không kiềm nổi cơn ghiền, Được rủ nhóm bạn đá với nhau, theo tỷ lệ: 2 người sáng mắt “chấp” 7 - 8 người mù. Va chạm, chấn thương thường xuyên bởi không thấy đường, vậy mà Được cười hồn nhiên: “Đã lắm!”.

Đá bóng bằng... tai

Tối 18.5, giải bóng đá khiếm thị tổ chức tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM với 4 đội tham gia.
Sân bóng mini được dựng hai vách ngăn cao khoảng 1 m ở hai đường biên dọc để khi bóng chạm vào vẫn có thể tiếp tục trận đấu. CLB bóng đá khiếm thị Thăng Long và đội Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM đấu trận đầu tiên. Mỗi đội có 4 cầu thủ khiếm thị, tất cả đeo băng bảo vệ trên đầu và đều phải bịt mắt để tạo công bằng giữa người mù và người thấy mờ mờ.

[VIDEO] Khi người mù đá bóng

Khan hiếm sân chơi
Từng là huấn luyện viên trưởng đội tuyển khiếm thị bóng đá VN, ông Nguyễn Minh Hào tâm tư: Người khiếm thị không thể đá bóng ở đâu cũng được, vì dễ bị va chạm, té ngã ra ngoài. Việc tạo sân bóng đúng chuẩn cho các bạn khiếm thị gần như không có. Chỉ những giải như thế này, chúng tôi cố gắng sử dụng đội ngũ tình nguyện viên để hỗ trợ bắt ốc, tạo vách đường biên cho các bạn thi đấu. Tương tự, sân chơi và các giải phong trào về cờ vua, cờ tướng, judo... cho người khiếm thị cũng rất khan hiếm
 Ngoài thủ môn sáng mắt, mỗi đội còn có 2 người hướng dẫn (1 người đứng sau khung thành đối phương và 1 người chạy dọc biên).
Tiếng còi khai cuộc vang lên. Các cầu thủ khiếm thị đá banh chủ yếu dựa vào... âm thanh. Họ căng tai chạy tìm trái bóng có gắn lục lạc bên trong. Những người không có banh theo quy ước phải kêu “voi, voi” (tức là “voice”, nhưng thực tế cầu thủ kêu “boy, boy” cho dễ) để những người khác biết được vị trí của mình, nhất là để cầu thủ đang dẫn bóng xác định đối thủ đến cản ở đâu nhằm tránh va chạm.
Khi đội tuyển Trường Phổ thông đặc biệt (PTĐB) Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) so tài với CLB bóng đá khiếm thị Sài Gòn, cô giáo Phạm Thị Thu Thanh liên tục la to điều khiển các học trò: “Ân qua trái, chậm lại.... Người ta giao bóng... Thuần lùi cánh, sát biên luôn... Bạn đó đang ở giữa, bên phải, sát biên, kèm chặt Phát ơi, nhanh lên...”. Giọng cô vang khỏe nhưng lắm lúc cũng bị át bởi những tiếng hô khác.
Khán giả Nguyễn Văn Kiên (ngụ P.10, Q.Tân Bình) kinh ngạc: “Nghe quá nhiều chỉ thị liên tục từ các phía và những tiếng “boy, boy” khắp sân, thực sự tôi bị... loạn não và rối tai. Vậy mà các cầu thủ vẫn phân biệt được, rất siêu! Họ mù nhưng chạy y như thấy đường”.
Chứng kiến pha tranh chấp bóng hấp dẫn, người xem ồ lên. Lập tức, ban tổ chức nhắc nhở trên loa: “Đề nghị khán giả giữ im lặng trong lúc các cầu thủ thi đấu, trừ khi có bàn thắng mới cổ vũ”. Ờ nhỉ, nếu bên ngoài cũng náo nhiệt, làm sao các cầu thủ khiếm thị có thể nghe được người điều khiển!
“Rầm!”, cầu thủ Hưng của CLB bóng đá khiếm thị Sài Gòn va vào vách, bị tét cằm. Đồng đội Đỗ Văn Thiết (quê Khánh Hòa, một trong 3 võ sĩ judo khiếm thị ưu tú vừa được chọn tham gia thi đấu Para Games 2020 tại Philippines) cho rằng người khiếm thị chơi bóng đá bị chấn thương là “chuyện bình thường”. Thiết kể có lần anh nhận cú “đúp” chấn thương: vừa bị cầu thủ đội bạn húc đầu vào bụng đau đớn, ngay sau đó lại va trúng vách khiến mũi sưng to.
Thi đấu xuất sắc với hai lần sút tung lưới hai đội đối phương, Huỳnh Tiến Phát (19 tuổi, quê Tiền Giang) góp công lớn đưa đội Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu giữ danh hiệu vô địch. Phát khẳng định bởi quá mê đá bóng, nên bản thân không thấy bất cứ khó khăn gì với môn này.
Vòng Thành Được đã ghi bàn cho CLB bóng đá khiếm thị Thăng Long bằng cú đá luân lưu đẹp mắt góp phần đưa đội này về nhì. Được đã chơi bóng đá 15 năm nay và cũng từng dính chấn thương, bị gãy một răng cửa. Nhưng như cái tên của mình, anh chàng chỉ muốn ghi nhớ những cái được: “Bóng đá giúp tôi rèn luyện sức khỏe và tự tin hơn trong cuộc sống. Là cầu thủ đội tuyển bóng đá khiếm thị quốc gia, tôi có cơ hội đi nước ngoài thi đấu, có nhiều bạn hơn”.
Kỳ thủ khiếm thị Nguyễn Thị Minh Thư thi đấu cờ vua với PGS-TS Nguyễn Thiện Tống
Người mù so tài nhau tại giải cờ vua dành cho người mù do Thư viện Sách nói Hướng Dương tổ chức Ảnh: Như Lịch

Đấu cờ với người sáng mắt

Đuối hơn... ca sĩ tổ chức liveshow

Thầy Nguyễn Đình Hậu (giáo viên dạy thể dục Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu) được xem là một trong những người đầu tiên đưa bóng đá dành cho người khiếm thị vào trường này từ năm 2002. Ông cũng từng đưa học sinh sang đá giao hữu ở Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đề cập vai trò của người huấn luyện, thầy Hậu chia sẻ: “Xong mỗi trận đấu trở về, chúng tôi thấy đuối hơn... ca sĩ tổ chức liveshow. Vì phải la liên tục, điều khiển cho cầu thủ biết chiến thuật của mình, cực và áp lực lắm”.
Sau các ván đấu gay cấn, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) - vốn là kỳ thủ cờ vua dày dạn kinh nghiệm, thẳng thắn thừa nhận: “Nhóm chúng tôi không phải đại bại mà là... toàn bại. Dù vậy, chúng tôi rất vui khi được thi đấu, giao lưu với các em khiếm thị”.
Sự kiện trên diễn ra tại giải cờ vua dành cho người mù khu vực phía nam (do Thư viện Sách nói Hướng Dương tổ chức ngày 12.5). Bên cạnh những trận so tài của 70 người mù với nhau, còn có những ván đấu đặc biệt với sự góp mặt của những kỳ thủ sáng mắt, gồm: PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, thạc sĩ Lê Tấn Lộc, kỹ sư Huỳnh Minh Phúc. Đối thủ của họ là những vận động viên đội tuyển cờ vua khiếm thị VN: Nguyễn Thị Minh Thư (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), Đào Thị Lệ Xuân (Phó chủ tịch Hội Người mù Q.Bình Thạnh), Đào Tuấn Kiệt (Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu).
Theo lịch trình, mỗi cặp chỉ đấu giao hữu một ván cờ. Tuy nhiên, sau khi bị thua, nhóm kỳ thủ sáng mắt đề nghị được đấu ván nữa. Kết cục, họ tiếp tục... thua “tâm phục khẩu phục”.
“Người khiếm thị đánh cờ với người sáng mắt có khó khăn gì không?”, tôi thắc mắc. Kỳ thủ khiếm thị Nguyễn Thị Minh Thư khẳng định: “Có chứ! Thời gian cho hai bên là như nhau. Nhưng tụi em không thấy thì phải tìm, sờ lâu hơn. Nếu sáng mắt, em chỉ cần nhìn và suy nghĩ thôi. Còn đây, em phải tưởng tượng đối phương đi cái đó để làm gì, nghĩa là có nhiều cái khiến mình bận tâm hơn”.
Trong các bàn cờ ở đây, tất cả quân đen đều có chấm nổi trên đầu. Nhờ đó, người khiếm thị sờ vào sẽ phân biệt được quân đen hay quân trắng. Ngoài ra, mỗi quân cờ có gắn đinh để cắm vào lỗ tròn giữa mỗi ô cờ, tránh đổ ngã...
Kỳ thủ khiếm thị Nguyễn Thị Minh Thư (quê Khánh Hòa) đã có nhiều thành tích nổi trội trong những giải đấu quốc tế: 6 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 1 huy chương đồng tại các kỳ Para Games 2014, 2015 và 2017; huy chương bạc tại Asian Para Games 2018... Cũng trong năm 2018, Thư vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng ba. Hằng ngày, Minh Thư và những vận động viên khiếm thị đều đi luyện cờ với người sáng mắt.
Ông Lê Hiền Thục (Huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia cờ vua người khuyết tật) trăn trở: “Đến nay, Nguyễn Thị Minh Thư và một số vận động viên khiếm thị vẫn chưa được hưởng lương. Các em phải tự gồng gánh trang trải việc tập luyện rất vất vả”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.