Dòng sông Kỳ Lộ với chiều dài hơn 120 km chảy qua H.Đồng Xuân và H.Tuy An (Phú Yên). Mới đây, nhà đầu tư đã đề xuất với UBND tỉnh Phú Yên xây dựng thêm 3 nhà máy thủy điện, gồm: Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 trên thượng nguồn sông Kỳ Lộ. Các thủy điện này được xây dựng rất gần nhau.
Việc cùng một lúc xây dựng hàng loạt thủy điện khiến cho người dân sống trên lưu vực sông này từ thượng nguồn đến hạ du càng lo lắng mỗi khi lũ về và nguồn nước phục vụ sản xuất khi vào mùa khô.
TRÊN CÙNG DÒNG SÔNG GÁNH 4 THỦY ĐIỆN
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, các nhà đầu tư đang thực hiện những thủ tục trình UBND tỉnh Phú Yên để chấp thuận chủ trương đầu tư cùng một lúc 3 nhà máy thủy điện, gồm: Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2. Cả 3 dự án thủy điện này đều dự kiến thực hiện các thủ tục đầu tư từ quý 4/2024 và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý 1/2027.
Cùng với 3 nhà máy thủy điện đang chờ chấp thuận chủ trương, trên thượng nguồn sông Kỳ Lộ có Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 đã hoạt động gần 10 năm nay.
Theo đề xuất của các nhà đầu tư, Nhà máy thủy điện Khe Cách có công suất thiết kế 12 MW với sản lượng điện sản xuất 38,6 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư 426 tỉ đồng. Nhà máy thủy điện Khe Cách có diện tích đất sử dụng hơn 21,2 ha ở các tiểu khu 57, 67 và 68. Nhà máy thủy điện Sơn Hòa 1 thì có công suất 10 MW, sản lượng điện 29,05 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư 340 tỉ đồng. Diện tích đất sử dụng khoảng 85 ha gồm đất rừng sản xuất, đất lúa và đất trồng cây hằng năm khác. Còn Nhà máy thủy điện Sơn Hòa 2 có công suất thiết kế 14 MW, sản lượng điện 44,95 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư 476 tỉ đồng. Diện tích đất sử dụng 55,6 ha đất rừng sản xuất tại các tiểu khu 59, 67, 68, 73, 74 thuộc xã Phú Mỡ.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15.5.2023) và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1.4.2024), các dự án nhà máy thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 được đưa vào vận hành giai đoạn 2026 - 2030.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên, cho biết quy định tại mục 5 phần III Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 ghi rõ: "Trước khi thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nguồn điện chưa có trong danh mục dự án quan trọng, ưu tiên của ngành điện, lấy ý kiến Bộ Công thương và các cơ quan liên quan về sự phù hợp với quy hoạch".
Theo ông Tuấn, hiện các dự án nhà máy thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 chưa có trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên của ngành điện, do đó cần phải lấy ý kiến của Bộ Công thương trước khi tham mưu UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt. Bên cạnh đó, các dự án Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 chưa phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất của UBND H.Đồng Xuân đã được duyệt theo Quyết định số 270/QĐ-UBND ngày 22.2.2022 của UBND tỉnh Phú Yên. Vì vậy chưa đủ cơ sở để thống nhất về chủ trương đầu tư dự án.
Trong khi đó cũng trên sông Kỳ Lộ, Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 đang hoạt động với công suất 18 MW gồm 2 tổ máy, sản lượng điện hằng năm khoảng 68,12 triệu kWh. Như vậy, nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà máy thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2, đầu nguồn sông Kỳ Lộ sẽ có 4 nhà máy thủy điện cùng hoạt động.
NHIỀU NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN: MỪNG HAY LO?
Việc các nhà đầu tư đề xuất xây dựng thủy điện sẽ đóng góp thêm sản lượng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và đóng góp thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương... Tuy nhiên, người dân ở đây vừa mừng vừa lo.
Hiện các dự án thủy điện chưa có trong quy hoạch sử dụng đất nên UBND H.Đồng Xuân phải đưa vào dự thảo Quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất đến năm 2030. UBND xã Phú Mỡ đã tổ chức lấy ý kiến công khai để hoàn tất thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Khi đến UBND xã Phú Mỡ làm thủ tục hành chính, ông La Chí Thảo (ở thôn Phú Giang, xã Phú Mỡ, H.Đồng Xuân) và nhiều người dân được cán bộ xã giải thích rõ về việc điều chỉnh quy hoạch này. Bản đồ thể hiện rõ vị trí đặt nhà máy, vị trí chạy đường ống nước qua các cánh rừng, rẫy lúa... Điều này khiến ông Thảo không khỏi lo lắng về việc mất đất sản xuất và ngập lụt. Ông thổ lộ: "Nếu đầu tư thủy điện thì mình mừng vì có điện để thắp sáng, có điện sản xuất, nhưng lo là sau này nước lũ có lên cao thì người dân không biết chỗ nào để đi. Làm thủy điện thì nước tràn lan, mất hết đất sản xuất, khi đó kinh tế hộ sẽ sụt giảm".
Khi người dân sống ven sông Kỳ Lộ biết được thông tin nhà đầu tư đề xuất xây dựng nhiều dự án thủy điện thì không khỏi lo lắng. Ông Nguyễn Phi Hải (cán bộ hưu trí, sống bên sông Kỳ Lộ) phân tích: "Không nên xây dựng thêm các nhà máy thủy điện trên sông Kỳ Lộ vì hai lý do. Thứ nhất, hiện đã có Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 và hồ chứa nước Phú Xuân (dung tích hơn 11 triệu m3). Hai công trình này tích nước vào mùa khô và xả nước vào mùa lũ. Vào mùa lũ, hai hồ chứa cùng xả nước về hạ du, khu vực xã Xuân Quang 3, TT.La Hai, xã Xuân Sơn Nam (H.Đồng Xuân) và xã An Nghiệp, An Định (H.Tuy An) đã ngập lụt nặng. Thứ hai, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các xã ở vùng hạ du đều sử dụng nước bơm từ dòng sông này. Nếu thêm 3 thủy điện cùng tích nước, dòng sông sẽ khô và không có nước phục vụ sản xuất. Hơn thế, sông Kỳ Lộ hiện đang bị bồi đắp nên việc trữ nước, điều tiết nước vào mùa khô là rất khó khăn".
Đến nay, người dân ở H.Đồng Xuân vẫn chưa quên trận lũ thảm khốc năm 2009 khi nước sông Kỳ Lộ dâng cao đã xóa sổ Xóm Trường, xã Xuân Quang 2, khiến 18 người chết. Bởi vậy, người dân rất mong các cấp, ngành chức năng quan tâm, xem xét trước khi quyết định cho triển khai thêm 3 dự án thủy điện nói trên... (còn tiếp)
Bình luận (0)