Những tập truyện hằn sâu ký ức
Tuổi thơ của chúng tôi (lứa tuổi thuộc thế hệ 5X, 6X) ở miền Nam cách đây nửa thế kỷ, dù sống trong khói lửa chiến tranh nhưng những “món ăn tinh thần” trong sáng, hồn nhiên thích hợp với tuổi chúng tôi lại rất phong phú. Tôi nhớ hồi tiểu học, cô giáo treo thưởng cho học sinh đứng hạng nhất mỗi tháng một cuốn truyện tùy loại. Đó là những cuốn truyện mỏng, be bé xinh xinh như: Sách hồng Khái Hưng (Cây tre trăm đốt, Cái ấm đất...); Tuyển tập 15 (15 truyện biển, 15 rừng, 15 truyện băng tuyết...), rồi các nguyệt san (hoặc bán nguyệt san): Thiếu Nhi, Thằng Bờm, Tuổi Ngọc... Trong đó, tôi đặc biệt yêu thích bán nguyệt san Tuổi Hoa. Tuổi Hoa là tờ báo dành cho lứa tuổi thiếu nhi, được thành lập tháng 6.1962. Lúc đầu ra 1 tháng/số, sau đó thì nửa tháng/số, nội dung là thơ văn viết về và viết cho lứa tuổi thiếu nhi. Vẽ bìa và minh họa cho các bài viết là họa sĩ “độc quyền” ViVi...
Nửa thế kỷ qua rồi mà tôi vẫn còn nhớ truyện dài Thung lũng rắn của Nguyễn Trường Sơn đăng nhiều kỳ trên Tuổi Hoa (phải đợi đến nửa tháng mới được đọc tiếp), rồi có một truyện viết về anh hùng thời chống Pháp: Mai Xuân Thưởng, truyện đi hun khói bắt chuột đồng ở miền Tây Nam bộ, truyện sau cơn lũ có con thuyền độc mộc chở theo những con nai, mễn xuôi về đồng bằng... Truyện Pho tượng rồng vàng, họa sĩ ViVi vẽ một người đàn ông lực lưỡng cầm chiếc gậy toan đánh hai anh em Đông và Hương...
Tôi nhớ mỗi tháng một lần, mẹ vẫn thường đi Sài Gòn, lo công chuyện ở đường Yên Đổ (bây giờ là Lý Chính Thắng, Q.3), tôi thường xin đi theo. Đến nơi, việc đầu tiên của tôi là tranh thủ đi bộ đến số 38 Kỳ Đồng - tòa soạn Tuổi Hoa (vì rất gần). Dạo đó, tôi 12 tuổi mà đã thuộc làu làu từ tên tác phẩm lẫn tác giả Tuổi Hoa: Bên đường biên giới, Bóng người dưới trăng, Con tàu bí mật (Nguyễn Trường Sơn), Đường vào hang cọp (Hà Châu), Hoa nắng, Mây trên đỉnh núi , Vườn cau nước dâng (Thùy An), Mật lệnh U đỏ, Pho tượng rồng vàng (Hoàng Đăng Cấp), Đồng tiền giả (Nam Quân), Bí mật dầu lửa (Nguyễn Hiến Lê), Cao như đỉnh Thái, Phương nào bình yên, Người dưng khác họ (Kim Hài), Tiếng hát vành khuyên, Ngoài cửa sổ (Nguyễn Thái Hải)...
Tủ sách định hướng nhân cách
Năm 1967, có lẽ thấy được trách nhiệm của người làm báo, người cầm bút là không chỉ giáo dục cho lứa tuổi thiếu nhi mà còn phải định hướng cả cho lứa tuổi ô mai, tuổi mới lớn bởi những tuổi này đang có những “bất ổn” về tâm sinh lý thời kỳ “chuyển giao” nên nhà văn Nguyễn Trường Sơn đã thành lập Tủ sách Tuổi Hoa. Các ấn phẩm (truyện vừa) trong tủ sách này được phân thành 3 loại: Hoa Xanh (viết về tình cảm gia đình, tình bạn, sinh hoạt học đường với những nhân vật hồn nhiên trong sáng), Hoa Đỏ (truyện phiêu lưu mạo hiểm đáp ứng nhu cầu hiếu động của tuổi thiếu niên), Hoa Tím (những tình cảm xao xuyến, rung động đầu đời của tuổi mới lớn nhiều mơ mộng). Quây quần dưới mái nhà Tuổi Hoa là một đội ngũ sáng tác hùng hậu, họ không chỉ có văn tài mà còn có cái “tâm” thật trong sáng, tươi đẹp - quyết đem ngòi bút của mình hun đúc nên một thế hệ đàn em biết yêu thương đồng loại, yêu Tổ quốc, thiên nhiên, gia đình, học đường, xã hội..., biết sống chan hòa với mọi người chung quanh và biết tự trọng.
|
Sau năm 1975, hầu như “Tuổi Hoa” chìm dần vào dĩ vãng, đến khoảng đầu thập niên 1990, NXB Đồng Nai có một đợt in lại vài đầu sách Tuổi Hoa (Báo Thanh Niên có đưa tin) rồi không hiểu sao lại im luôn? Cũng trong thời gian này, tôi liên lạc được với chị Thùy An (một thành viên của Tuổi Hoa) và cộng tác rất thân thiết với chị, qua chị Thùy An tôi biết thêm chị Kim Hài, rồi anh Nguyễn Thái Hải (tức nhà văn Khôi Vũ). Đi làm báo, một hôm anh bạn đồng nghiệp giới thiệu: “Đây là anh Nguyễn Tri Chính, Phó tổng biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, ngày xưa ảnh có viết văn, bút danh là Trinh Chí”. Mới nghe đến đó, tôi hỏi liền “Phải Trinh Chí, Tuổi Hoa, Dòng sữa mẹ không?”. Anh ôm chầm lấy tôi, giọt lệ ngân ngấn dưới cặp chân mày thật rậm: “Không ngờ, mới nghe Trinh Chí là chú biết ngay tác giả Dòng sữa mẹ, hơn 20 năm qua, không ai nói với tôi như thế cả!”. Tôi cũng vẫn thường gặp chị Minh Quân ở trụ sở Hội Âm nhạc TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo), lúc này mái tóc của chị đã bạc trắng nhưng dáng dấp vẫn quý phái, lịch lãm.
Bây giờ, anh Trinh Chí, chị Minh Quân đã khuất bóng, “người anh cả” của Tuổi Hoa - Nguyễn Trường Sơn cũng đã qua đời (2015). Có lẽ, nơi chín suối các anh chị cũng sẽ mỉm cười, thấy ấm hồn khi biết được NXB Phương Đông và Phương Nam Book vừa in lại 8 đầu sách (trong số hơn 120 tựa sách của Tủ sách Tuổi Hoa), giữ nguyên hình bìa xưa của họa sĩ ViVi như một cách bày tỏ sự trân trọng giới cầm bút và cả những bạn đọc thế hệ ngày xưa.
Nhà văn Nguyễn Thái Hải cho biết: “Trong tủ sách Tuổi Hoa trước đây, tôi có 8 cuốn (6 cuốn Hoa Xanh, 2 cuốn Hoa Tím). Việc tái bản tủ sách Tuổi Hoa nghe nói đã mấy năm rồi, nay mới thành hiện thực. Cảm giác là vui và lo khi có sách tái bản đợt này. Vui vì sách của mình được chọn. Còn lo là không biết các bạn đọc nhỏ tuổi ngày nay tiếp nhận ra sao, ở mức độ nào. Ngoài ra, vẫn còn nhiều tác giả Tuổi Hoa xứng đáng được chọn, hy vọng sẽ có mặt trong đợt sách tái bản lần sau”.
Chị Lâm Nguyễn bày tỏ trên trang Facebook của mình: “Đọc được tin tái bản Tủ sách Tuổi Hoa mà thấy như có cơn gió trong lành thổi qua mát rượi. Cứ mơ ước cho đến bao giờ những cuốn truyện be bé, xinh xinh Hoa Đỏ, Hoa Xanh, Hoa Tím của Tủ sách Tuổi Hoa được xuất bản trở lại. Rồi cứ tiếc vì sao nền văn học thiếu nhi và tuổi mới lớn phong phú, đa dạng, có tính giáo dục cao của lứa tuổi học trò ở miền Nam trước 1975 bị mai một và mất mát dần. Lứa tuổi 5X, 6X, ai mà không mê Tuổi Hoa. Những câu chuyện nhẹ nhàng, trong sáng đã đi vào lòng bọn trẻ chúng tôi ngày ấy để rồi dần dần trở thành những bài học về đạo làm người... Nếu Tủ sách Tuổi Hoa hồi sinh, tôi tin nhiều người trong lứa 5X, 6X ở miền Nam trước 1975 sẽ rất vui mừng và xúc động sau 42 năm được gặp lại những người “bạn cũ” thân thiết thời thơ ấu của mình; được gặp lại các nhà văn mình rất yêu mến dù chỉ qua các bút danh. Tôi còn nhớ ngày nhà văn Minh Quân mất, tôi đã cắt mẩu tin cáo phó của gia đình trên một tờ báo và trang trọng cất vào ngăn kéo vì lòng tiếc thương của mình đối với cô. Mà lúc đó tôi đã đi qua rất xa tuổi hoa niên của mình, đã là bà mẹ 2 con”.
8 đầu sách Tuổi Hoa mới được tái bản: Mật lệnh U đỏ, Pho tượng rồng vàng (Hoàng Đăng Cấp), Tiếng chuông dưới đáy biển (Nguyễn Trường Sơn), Ngục thất giữa rừng già (Minh Quân và Mỹ Lan) - Hoa Đỏ; Chiếc lá thuộc bài (Nguyễn Thái Hải), Lòng mẹ (Nhật Lệ Giang) - Hoa Xanh; Con đường lá me (Thùy An) và Ngày tháng nào (Tôn Nữ Thu Dung) - Hoa Tím.
|
Bình luận (0)