Sống bao mùa nắng hạn, ở bấy mùa bão giông, dòng sông Lam vốn hiền hòa là vậy nhưng đôi khi ưu tư mà vật vã đỉnh trời. Nguồn cơn từ hai nhánh chính là dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ, chảy qua hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng (Lào), sông Lam ngập mình chảy vào Việt Nam xứ sở, băng qua Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông nó vặn mình thác lũ Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn. Một ngày dòng Lam bàng hoàng máu thịt với dòng La, ngồn ngộn qua Đức Thọ, Nghi Xuân rồi ầm ào giao mình cho biển nơi thập thò cửa Hội.
Con thuyền chòng chành xuyên qua những sườn đồi, đôi lúc nó mươn man sóng mà cua quanh một hẻm núi, rồi có khi nó cắt côn êm ru dạo rượt bình nguyên. Đôi bờ sông Lam có lúc lặng tờ bờ bãi, có khi ồn ào một phiên chợ hôm, có buổi dềnh dàng bè tre bè luồng thả dòng trôi hoang.
Dòng Lam chính là cái ven cống của xứ Nghệ, nó bơm huyết tương, huyết thanh để rạo rực đất này. Đất xanh lên từ bãi, bãi xanh lên từ sông, sông lớn lên từ nguồn, cứ thế cứ thế gạn đục vui buồn, khơi trong lịch sử. Ai đi xa nhớ quê, ai ở gần yêu làng yêu xóm, đâu đâu chẳng một bóng dòng Lam.
Thuyền chạy qua Anh Sơn, Con Cuông vào dịp chiều tà, dòng phù sa đỏ thẫm mặt trời, những bãi ngô đang non xanh lên một khoảng trời nắng Nghệ. Chim muông ngẩn ngơ đập cánh, hai bên bờ chạnh vạnh nhớ thương.
Đất bãi, đất bồi, thứ phù sa màu hồng đỏ, như màu mắm con ruốc phơi được nắng mà hả hê mùi vị. Lớp phù sa chồng chồng, liên liên, hồi hồi, từ đời cha đời ông, đóng cái cọc neo lều mà mũi tre đi ngọt ngào lút cán. Dựng lều trại xong, tôi cùng hai người bạn xả vầu tra gạo lam cơm, lại thêm củi lửa nhén nhom mà nướng muối ớt hai con cá lăng nhơ nhỡ kiếm được lúc vi vu thượng nguồn. Không gì ngon bằng cơm lam xế chiều, chẳng gì đượm bằng thứ cá lăng nhơ nhỡ củi lửa than hồng mà phong thanh muối ớt. Thân không từng ăn cá lăng nướng, không từng ngồi trong lều trại mà thấm đẫm dòng Lam, không buông mắt bãi xa bờ gần, phải chăng đã hoang phí một cõi người.
Ngồi một chốc mà thư thoảng tiếng mõ tiếng cốc bên tai, yên một chốc mà lấm lấm lem lem bùn vẹm vào bãi bồi bãi lở, thở một chốc mà còn nghe tiếng gươm khua giục gió xuyên rừng. Hình ảnh tổ tiên giữ bờ, cha ông mở cõi, anh anh chị chị, cô cô bác bác, cậu cậu mự mự ghì súng, cắm chốt, giữ đất giữ làng cứ bộn bề khua khỏa vào nơi nơi chốn chốn dòng nông dòng sâu.
Trăng mỗi lúc một xanh, trăng xanh hay vì bát ngát lớp ngô này đuổi lớp ngô kia xanh thành bờ bờ bãi bãi. Trăng thỏa xuống dòng Lam thứ ánh sáng núi non làm cho dòng nước hắt lên một ánh tơ hồng. Vài con chim núi bay từ phía cánh cung sườn đồi xa xa, ngả cánh sau cánh đồng bãi ngô, tha theo thơ thẩn vài bóng chuông chùa.
Bình minh trên dòng Lam cũng khác nhiều bình minh trên những dòng sông mà tôi có dịp băng qua. Hai bên bờ sông có những lúc cao và dốc lút đầu, ngước mắt nhìn lên, mặt trời chạy vòng quanh theo những cánh cung sông lượn sông lèo.
Có lúc dòng Lam va phải đá núi mà cua gấp như một tay áo nhàu nhĩ, có lúc nó phình ra đổi hướng lại nuột nà phẳng phiu. Nhiều đời nay vẫn thế, trăm ngàn mùa rồi vẫn vậy dòng sông Lam lịm ngọt đôi bờ.
Qua cầu Bến Thủy, dòng Lam thảng thốt nhập vào dòng La, hai con sông đổ vào biển cả. Đến khúc sông này phải là tay lái cừ, mới giữ được cho thuyền đi đúng hướng. Nhiều lúc bạn cho nổi chân vịt lên mà xuôi dòng, mà luồn lách, xiên đông né tây ghì mũi con thuyền.
Xa xa kia tầm mắt chúng tôi đã không còn bưng bởi núi đồi, bởi vặn vẹo hiểm trở. Trước mắt mông lung lắp tắp là phía ngàn trùng cửa Hội, nơi con tàu lớn đang neo đậu chờ tôi khởi hành đến những cõi người ta. Lạ kỳ thay đến khúc sông này, dòng phù sa tưởng chừng chầm chậm khoan thai, ấy vậy mà không, nó lại như hăm hở dấn thân vào một cuộc sinh tồn. Cửa Hội mở nắng, đón gió, đón dòng Lam dòng La tưng bừng như hội.
Dòng sông vít đầu xuống mà rền, mà chảy, mà mênh mang trở dạ phù sa, những thứ sinh sôi, những thứ nương náu từ đất, từ cát, từ núi, từ rừng, từ bờ, từ bãi, từ bom cày đạn xới, từ ông, từ cha, từ xưa, từ nay. Tôi nín thở lắng nghe, đời tôi đã bao lần nín thở lắng nghe từ dòng sông này từ khúc sông này. Sông Lam đang hát, nó hát bài hát lứa đôi, nó hát bài hát kiêu hùng, nó hát bài hát khải hoàn, nó hát lời hát sinh sôi. Còn tôi, tôi nghĩ gì, tôi hát gì, ai mà biết được, chỉ có trong lòng, thổn thức, một khúc trở dạ dòng Lam...
|
Bình luận (0)