Sông lở do thiếu cát, biển lở do mất 'áo giáp' phù sa

17/06/2023 07:08 GMT+7

Sạt lở tràn lan ở ĐBSCL không chỉ bởi khu vực này đang bước vào thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa, dễ tổn thương… mà còn bởi quá trình gọi là tái phân phối của dòng sông.

Nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho biết cả tháng qua tại ĐBSCL xảy ra sạt lở phức tạp trên diện rộng. Nguyên nhân chủ yếu là đất bờ bị khô trong mùa khô, khi vào đầu mùa mưa đất bờ gia tăng tải trọng do các dòng thấm tác động dẫn đến nguy cơ sạt lở cao hơn. Cũng chính vì vậy đầu mùa mưa sạt lở ở ĐBSCL xảy ra nhiều hơn thời gian khác trong năm.

Cũng theo ông Hùng, một nguyên nhân khác là tình trạng đáy sông đang bị hạ thấp. Nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam ghi nhận đáy sông Cửu Long đã hạ thấp trung bình khoảng 1,3 - 1,5 m/10 năm trở lại đây. Điều này tác động rất lớn lên chế độ thủy triều. "Tại Tân Châu (An Giang), mực nước trung bình 20 năm (2008 - 2018) giảm 0,45 m, đỉnh triều giảm 0,2 m, chân triều giảm 0,7 m, nhưng biên độ thủy triều tăng 0,5 m. Điều đó cho thấy chế độ thủy triều đang thay đổi mạnh trong hệ thống sông, kênh, rạch ở ĐBSCL. Khi biên thủy triều tăng sẽ làm gia tăng dòng chảy trên sông, kênh và trực tiếp làm tăng nguy cơ sạt lở", ông Hùng nói.

Chuyên gia này nhận định các địa phương chỉ có thể hạn chế rủi ro thiệt hại cho người dân bằng cách nâng cao tinh thần cảnh giác, cảnh báo và theo dõi ở nơi có nguy cơ sạt lở cao. Thời gian đầu mùa mưa, cần cảnh báo rộng rãi nguy cơ sạt lở cho các hộ dân sống ven sông rạch, theo dõi các vết nứt nẻ đất, tránh chất tải (cát sỏi, gỗ, vật nặng,…) lên ven sông rạch. Ở những nơi nguy hiểm, chính quyền địa phương và người dân cùng đồng thuận di dời, tránh sạt lở mất nhà cửa, tài sản và thậm chí tính mạng. Về lâu dài, cần có quy hoạch tổng thể không gian ven sông, rạch để tránh nhà cửa và công trình dân cư sát bờ sông. Ở những nơi đã hình thành lâu đời về đô thị, văn hóa, công trình hạ tầng quan trọng, cần được đầu tư bảo vệ kiên cố.

Sông, biển "đói" phù sa, cát

Chia sẻ thêm về nguyên nhân dẫn tới sạt lở liên tục gia tăng ở ĐBSCL, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái độc lập, cho rằng những vị trí sạt lở thường xảy ra ở khu vực dòng sông cong, đường tim sông bị đưa sát vào bờ. "Ở đoạn sông cong, dòng chảy mang theo lực quán tính và lực ly tâm đẩy tim sông vào sát bên vịnh, nước bên vịnh cao hơn, dòng nước xoắn vào bờ tạo ra hàm ếch. Thêm vào đó, khai thác cát tràn lan khiến cho đáy sông sâu hơn. Đến một lúc nào đó, mái dốc bờ sông thiếu ổn định dẫn tới trượt lở để hình thành nên một mái dốc bờ mới. Hay nói đơn giản là dòng sông đòi lại những gì đã bị lấy đi", ông Thiện nói.

Phân tích về sạt lở dây chuyền từ sông lớn đến sông nhỏ, ông Thiện cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất là dòng nước Mê Kông đang ngày càng thiếu cát và thiếu phù sa. Thiếu phù sa khiến dòng nước "đói", dư năng lượng, nước chảy hung hãn gây sạt lở nhiều hơn, thiếu cát thì làm sông sâu hơn. Ở ĐBSCL, khai thác cát ở một nơi thì toàn bộ dòng sông và đoạn bờ biển 250 km ở vùng cửa sông Cửu Long từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng tới Bạc Liêu bị đói cát. Quá trình bồi đắp bị dừng lại và quá trình đảo ngược diễn ra, bờ biển bị thụt lùi. "Hệ thống sông Cửu Long là một hệ, khi khai thác cát trên dòng chính sông Tiền, sông Hậu tạo ra những hố sâu. Dòng chảy sẽ khỏa lấp và tái phân phối đáy sông làm hạ thấp toàn bộ đáy sông Tiền, sông Hậu. Khi đáy sông của dòng chính sông Tiền, sông Hậu bị sâu thì sẽ rút đáy các sông nhánh ra. Sông nhánh bị sâu thì rút đáy sông con ra. Từ đó sạt lở lan tỏa khắp đồng bằng, kể cả những kênh rạch nhỏ, nơi không có khai thác cát", ông Thiện nói.

Cũng theo chuyên gia này, bờ biển ĐBSCL thực tế cũng được phù sa, cát từ dòng Mê Kông "nuôi nấng". Bởi từ bờ trở ra biển khoảng 30 km luôn có một lớp nước đục bao quanh. "Đó chính là phù sa từ sông Mê Kông đưa ra, hình thành nên lớp áo giáp bảo vệ cho bờ biển. Trước khi sóng vỗ vào bờ, gặp lớp phù sa này sẽ bị triệt tiêu năng lượng rất đáng kể, đến gần bờ có thêm rừng ngập mặn sẽ trở nên êm ru. Thế nên khi phù sa và rừng ngập mặn mất đi, sạt lở chắc chắn gia tăng. Chỉ khi có phù sa và rừng ngập mặn "song kiếm hợp bích" chúng ta mới giữ được đất", ông Thiện nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.