Sống lương thiện

07/03/2020 06:56 GMT+7

Trong những ngày thực hiện loạt bài điều tra Xích lô “chặt chém” giữa Sài Gòn , tôi được nhiều tài xế xích lô 'dạy nghề' với phương châm: 'Làm bậy để kiếm tiền thì không bền vững được...'.

Quả thật, trong giới xích lô ở Sài Gòn, số người làm nghề đàng hoàng, lương thiện và số người chuyên “chặt chém”, lấy tiền đắt gấp nhiều lần, không giao du với nhau.
“Luật bất thành văn” trong giới xích lô là: ban ngày, khi lượng du khách đông đúc đi tham quan TP, sẽ có một nhóm xích lô chuyên “chặt chém” hành nghề (tuy nhiên, không phải tất cả những người đạp xích lô giờ này đều “chặt chém”).
Và khi đường sá Sài Gòn vắng hoe, đêm hôm khuya khoắt, một nhóm xích lô khác lững thững đạp xe ra đường, lặng lẽ đậu ở một góc phố để chờ khách. Ông Năm xích lô (60 tuổi, ngụ Q.8), thuộc nhóm này.
Ông tâm sự với tôi, nhiều khi đang nằm trên xe đợi khách, ông buồn đến phát khóc, vì chợt nghĩ nghề xích lô giờ hẩm hiu quá. Mấy chục năm trước, nghề đạp xích lô giúp ông trang trải cuộc sống, kiếm tiền nuôi con cái học hành.Vậy mà giờ không những ế ẩm, “tiếng xấu” còn bủa vây với nghề xích lô.

ĐIỀU TRA | Thủ đoạn xích lô “chặt chém” ở Sài Gòn: Báo giá mềm, thu tiền "cắt cổ"

Trong những ngày “nhập vai” đạp xích lô, tôi còn quen được ông Sáu (67 tuổi, ngụ H.Hóc Môn). Ông Sáu thuộc làu những “thâm cung bí sử” của nhiều gã xích lô chuyên làm bậy. Ông kể những năm trước, ông dìu dắt cho những “xích lô đàn em” vào nghề. Khi bắt được nhóm khách, ông thường gọi cho bạn xích lô tới chở cùng; tiền khách trả sẽ “cưa đôi”.
Sau này, kiểu làm ăn chặt chém "lên ngôi" vì chỉ cần 1 cuốc xe, xích lô đã có thể rủng rỉnh tiền bạc ra về và chén một bữa ra trò. Rồi họ dính vào đề đóm, vay tiền góp... nên cuối cùng số tiền làm bậy cũng chẳng còn đồng nào.
Ông Sáu có “bí quyết” riêng để có thể trụ được với nghề. Đó là khi lấy đúng giá, đàng hoàng, lúc nào ông cũng được “boa” thêm vài chục, thậm chí vài trăm ngàn đồng cho cuốc xe. Ông xích lô già tâm niệm, làm chuyện bậy bạ thì trước sau gì cũng phải trả giá. Còn sống lương thiện, đúng với mồ hôi công sức mình làm ra, đó mới là chân lý để mọi thứ trở nên bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.