Anh Quý đang đóng xuồng - Ảnh: Thanh Dũng
|
Xóm đóng xuồng đó có tên Bà Đài, nằm sâu trong con đường đất ở xã Long Hậu, H.Lai Vung, nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh mua bán. Người dân nơi đây tự hào khi ghe xuồng Bà Đài đã tạo được thương hiệu, đi khắp miền Tây và làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài đã được Bộ VH-TT-DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013.
Xóm... ồn ào
Cận tết nhưng con đường vào rạch Bà Đài đoạn chảy qua ấp Long Hưng 2 và Long Hòa (xã Long Hậu) vẫn vang tiếng cưa xẻ gỗ, tiếng đục ình ịch, tiếng búa đập chan chát... Xóm ồn ào suốt ngày nhưng chẳng ai phiền lòng vì những âm thanh ấy đã trở thành nhịp sống không thể thiếu ở đây. Trong khuôn viên đất vườn nhà nào cũng trồng nhiều cây sao vườn - loại gỗ dùng để đóng xuồng ghe. Các thợ xuồng nói rằng cây này trồng đúng 30 năm mới cưa nhánh, cưa thân lấy gỗ làm ván đóng xuồng.
Đi vòng quanh xóm, đâu đâu cũng thấy bãi gỗ với các mảnh gỗ nhỏ to nằm la liệt, xuồng đủ kiểu dáng nằm chất đống trong sân chờ lái tới nhận hàng. Các ghe lớn, ghe nhỏ nằm choán hết các bãi đất chờ gia công xuất xưởng.
Ông Trần Thanh Hải (43 tuổi, ngụ ấp Long Hưng 2) kể ông biết cầm búa đóng xuồng lúc còn thanh niên. Trải qua ngần ấy thời gian, cái nghề tưởng chừng đơn điệu quanh năm suốt tháng chỉ biết cầm cưa với búa đã thấm sâu vào máu người thợ xuồng trẻ năm nào. Ông Hải nói trước đây lúc chưa có đê bao, mùa lũ nước ngập tràn đồng kéo theo tôm cá nên nghề làm xuồng phải tập trung làm trước vài tháng mới đủ giao hàng.
Cũng như dòng chảy của rạch Bà Đài, những thợ xuồng vì cuộc mưu sinh, vì theo gia đình lìa xứ đã đem theo nghề đóng xuồng tới Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang... Từ đó, các cơ sở làm xuồng lần lượt xuất hiện ở các vùng đất mới nhưng không vì thế mà làng xuồng Bà Đài bị lấn át tiếng tăm.
Đo ni đóng xuồng
Anh Lê Văn Quý (33 tuổi, ngụ ấp Long Hòa) tâm sự lúc còn thanh niên đã phụ ông bà cầm búa, cưa đóng xuồng và gắn luôn với nghề này. Nghề làm xuồng đời trước cứ truyền lại cho đời sau. Đàn ông, trai tráng xứ này ai cũng thạo cầm cưa, búa đóng xuồng ghe; còn trẻ nít, người già, phụ nữ thì biết trét ghe kiếm thêm thu nhập.
Tùy sở thích của người dân mỗi nơi mà thợ xuồng theo đó “đo ni đóng... xuồng” như vùng Tháp Mười (Đồng Tháp) thích xài kiểu xuồng ba lá, vùng An Giang ngư dân thích xuồng cui, vùng Cần Thơ hay Bến Tre lại chuộng kiểu xuồng sáu lá. Một chiếc xuồng tùy theo đóng be dày hay mỏng mà giá cả từ 600.000 đồng đến vài triệu đồng/chiếc. Cũng có thợ nhận đóng loại xuồng “năm quăng”, nghĩa là xài xong một năm là quăng bỏ vì hư mục. Theo anh Quý, một thợ xuồng trung bình có thể đóng được 3 chiếc xuồng/ngày, trừ chi phí cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng/ngày.
Hiện ở Bà Đài còn gần 100 hộ sống bằng nghề đóng xuồng, ghe. Những năm trước có hơn 200 hộ sống với nghề cha ông, sau đó do đường lộ được mở mang, đi lại thuận lợi nên người dân chủ yếu dùng xe máy, ít dùng ghe xuồng. Rồi lũ ngày càng thấp, ít cá tôm nên ngư dân cũng chuyển nghề, ít mua xuồng vì thế nhiều thợ đành chuyển nghề. Tuy nhiên, không vì thế mà làng xuồng sớm tàn lụi. Các thợ đóng xuồng đã thích nghi với biến đổi của thị trường nên đóng phong phú nhiều loại xuồng, ghe kích cỡ khác nhau như: xuồng mẫu dành cho các điểm du lịch, các nhà hàng mua về làm mẫu chất các loại cây ăn trái lên để minh họa hình ảnh sông nước; các loại ghe nhỏ, xuồng nhỏ bán cho các vùng nuôi tôm sú, vùng nuôi cá tra để bơi trong ao nuôi; các ghe lớn, ghe tam bản bán cho các thương hồ...
Anh Quý tự hào vì ngoài đam mê nghề, các thợ xuồng còn giữ được chữ tín cho làng xuồng ghe truyền thống Bà Đài, không vì lợi nhuận mà đóng những chiếc xuồng kém chất lượng. Với các thợ ở Bà Đài, khi đóng những chiếc xuồng chất lượng tốt họ thấy vui và yên tâm. Vì họ biết sản phẩm họ làm ra là tài sản giá trị, là sự an toàn của biết bao người sử dụng trên sông rạch. Khi nghe hỏi mai này xóm xuồng còn được bao người thợ, Quý cười hồn nhiên nói rằng miền Tây sông nước, kênh rạch chằng chịt, còn sông nước là còn ghe, xuồng...
Ông tổ nghề xuồng của làng
Anh Quý cho biết ông bà xưa kể lại ông tổ đóng xuồng ở Bà Đài chính là cụ Phạm Văn Thuông, đã mất cách đây hơn 60 năm. Cụ Thuông là thợ mộc giỏi, đóng được nhiều bàn ghế, ghe xuồng. Năm 1900, cụ đã đóng chiếc xuồng cui đầu tiên, sau đó truyền nghề lại cho nhiều người trong xóm. Từ đó, làng nghề đóng ghe xuồng Bà Đài hình thành và phát triển cho đến nay.
|
Bình luận (0)