Sóng - mở đầu đào tạo bài bản nhạc kịch kiểu Broadway?

09/03/2022 06:29 GMT+7

Những chuyển động của diễn viên trên sân khấu đã bắt đầu có nét tự nhiên, linh hoạt sau hàng tháng trời được đào tạo, để có thể nghĩ đến một vở nhạc kịch thuần Việt, chất lượng và thu hút.

Giọng ca, bước nhảy trên nền xanh biển

Dù chỉ mới hé lộ một phần vở diễn, nhạc kịch Sóng của Nhà hát Tuổi trẻ đã cho thấy một câu chuyện trên nền xanh biển nhẹ nhàng. Phần được “hé” trước này có thiết kế sân khấu với nhiều bậc thang trải đều giúp diễn viên kết thành khối nhân vật và cho phép tạo thành những đợt “sóng” người, qua đó thể hiện tâm trạng vui buồn. Những diễn viên còn rất trẻ của vở đã có thể di chuyển nhẹ nhàng trên những bậc thang, lướt qua những nốt nhạc và cả lời thơ của cố thi sĩ Xuân Quỳnh.

Không gian xanh của Sóng

Nhà hát cung cấp

Nhạc sĩ Minh Đạo cho biết với nhạc kịch Sóng, anh sáng tác hai phần nhạc khí và ca khúc. Chất liệu văn học - những bài thơ của Xuân Quỳnh cho anh sự thuận lợi nhất định. Trước đó, biên kịch Kim Thùy cũng đã chọn những bài thơ phù hợp với mạch của vở để chuyển thành âm nhạc. “Có những bài chúng tôi giữ nguyên bản gốc. Chẳng hạn bài Con yêu mẹ, lời thơ rất hay rồi, tôi không can thiệp, chỉ điệp lại câu thơ ở những cung bậc, giai điệu khác nhau để tăng chiều sâu cho ý thơ, cũng là để phát triển âm nhạc hơn”, nhạc sĩ Minh Đạo cho biết. Anh cũng là người được phân công viết những phần “kịch tính” của vở diễn. Phần còn lại do nhạc sĩ Bùi Tường Văn thực hiện…

Tổng đạo diễn của vở, NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đã “lôi kéo” nhân sự ở nhiều nguồn khác nhau. Người từ chính nhà hát của bà, cũng có người còn đang học nghệ thuật được casting… “Chốt đơn”, Sóng có một ê-kíp nghệ thuật được bà Ánh tự hào là “thuần Việt”. Từ sáng tác âm nhạc, đến dàn nhạc bán cổ điển 23 người, diễn viên vừa hát vừa nhảy, biên đạo… Những cảnh mới được hé lộ cho thấy sự linh hoạt trong việc chiếm lĩnh không gian của diễn viên khi di chuyển. Sóng cũng cho thấy những bài thơ đã được hát theo cách của “nhạc kịch”. Nhưng theo nhạc sĩ Bùi Tường Văn thì “không phải như một chương trình ca nhạc”.

Sóng có bài hát chủ đạo là Thuyền và biển. Chính vì thế, sắc xanh biển trên phông nền cũng sẽ là một phần của bài hát. Ca khúc này, theo ê-kíp sáng tạo, cũng được phối khí biến hóa. Nhờ đó, bài hát có nhiều vẻ: lúc êm đềm ngọt ngào, lúc vui tươi háo hức... rất đáng chờ đợi.

Diễn viên của Sóng được casting rộng rãi

Khó và hay

Nhưng có lẽ điều được mong chờ hơn cả không chỉ là chất lượng của vở Sóng. Vở diễn được chờ đợi nhiều hơn khi đã có nhiều tác phẩm nhạc kịch thu hút công chúng. Sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã được cho mượn, cho thuê để diễn nhiều vở nhạc kịch do học sinh các trường phổ thông thực hiện. Đạo diễn nhạc kịch của vở, nghệ sĩ Nguyễn Triều Dương cho biết: “Nhạc kịch đang là làn sóng rất mới ở Việt Nam. Có nhiều nhóm tự phát, đang tự học và xây dựng. Có những đơn vị hoạt động bỏ nhiều công sức về nhạc kịch. Chúng ta cùng đang tạo tiền đề, nền móng để nhạc kịch phát triển ở Việt Nam”. Ông Dương cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải luôn nhớ, khán giả Việt Nam khó tính và điều đó rất hay. Những người thực hiện phải tìm tòi, có cái mới để thu hút khán giả, mới cả trong dàn dựng, bối cảnh và cách diễn. Tôi kỳ vọng, Sóng thành công, là món ăn hoàn toàn mới hấp dẫn khán giả”.

Sóng trên sàn tập

Nghệ sĩ Triều Dương thừa nhận, để làm ra một vở nhạc kịch đúng nghĩa tại Việt Nam, con đường còn rất chông gai. “Nếu có con đường định hình trước thì đi dễ dàng hơn. Nhưng nếu chưa có sẵn khung thì có điểm thú vị là chúng ta có thể sáng tạo, hoán đổi các yếu tố để có sản phẩm tối ưu nhất. Trong nghệ thuật không có đúng sai, nên khi chưa có khung vừa là thuận lợi nhưng cũng phải luôn lưu ý một điểm là đi đúng con đường chúng ta vạch ra từ ban đầu”, ông Dương nói.

Để “mở khung, mở đường”, Nhà hát Tuổi trẻ đã rất “chịu chơi” khi mở hẳn một khóa đào tạo diễn viên nhạc kịch. Ở đó, ông Triều Dương cũng tham gia huấn luyện, theo cách ông được đào tạo và giờ đang biểu diễn tại Anh. Nhà hát cho biết đây cũng là khóa đào tạo diễn viên nhạc kịch đầu tiên. “Chúng tôi đã có những vở nhạc kịch từ những năm 1990 như Câu chuyện tình. Các vở cho thiếu nhi cũng đã có nhạc kịch, hay ở phân khúc người trẻ chúng tôi có Trại hoa vàng vừa được giải vàng liên hoan toàn quốc. Và bây giờ là Sóng. Quá trình làm nhạc kịch thuần Việt đó kéo dài 1 năm”, NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, chia sẻ.

NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cũng rất vui với việc có đào tạo, có nghiên cứu và thực hành nhạc kịch. Trước đó, bà Ly đã thành công với nhiều đêm nhạc kịch Những người khốn khổ cháy vé. Bản thân đạo diễn Triều Dương cũng là “đồng đội” của bà trong Những người khốn khổ. Là người quản lý, bà Ly nhìn nhận vấn đề từ góc độ công nghiệp văn hóa. “Chúng ta có thể nghĩ đến việc phát triển công nghiệp văn hóa mà các nước như Hàn Quốc, hay các sân khấu Broadway (Mỹ) làm từ lâu. Việc làm nhạc kịch thuần Việt rất khó. Để thuần Việt được phải có đào tạo bài bản. Để phát triển công nghiệp văn hóa, tôi đánh giá Sóng là một bước tiến”, bà Ly Ly nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.