Dòng sông Nile linh thiêng và huyền thoại là một phần tất yếu trong tiến trình hình thành nền văn minh, lịch sử và đời sống của các quốc gia châu Phi như Ethiopia, CHDC Congo, Kenya, Uganda, Tanzania, Rwanda, Burundi, Sudan, nhất là Ai Cập. Tuy nhiên, dòng sông này đã và đang phát đi các tín hiệu đáng báo động do biến đổi khí hậu và sự can thiệp quá mức của con người.
Các nhà lãnh đạo Ai Cập hy vọng, Hội nghị lần 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tổ chức tại thành phố biển Sharm El-Sheikh từ ngày 6 - 18.11 với sự tham dự của các phái đoàn đến từ gần 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 40.000 đại biểu, có thể giúp giải quyết được vấn đề nan giải của dòng sông Nile trong bối cảnh khí hậu ngày càng nóng lên và biến đổi nghiêm trọng.
Sông Nile chảy qua thủ đô Cairo của Ai Cập |
AFP |
Trong nửa thế kỷ qua, lưu lượng dòng chảy của sông Nile đã giảm từ 3.000 m3/s xuống 2.830 m3/s. Địa Trung Hải đã lấn vào 35 - 75 m của Đồng bằng sông Nile - một khu vực canh tác quan trọng của Ai Cập, nơi từng được ví là “giỏ bánh mì” của khu vực và tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn nữa trong thời gian tới.
Theo dự đoán xấu nhất của Liên Hiệp Quốc, với tình trạng hạn hán ở miền đông châu Phi như hiện nay, dòng chảy sông Nile có thể giảm 70% và nếu mực nước biển dâng lên dù chỉ một mét thì 1/3 khu vực màu mỡ này có thể biến mất, buộc 9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Gần đây một nhóm các nhà khoa học quốc tế được giám sát bởi Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu và Khí quyển của Viện Síp (Cộng hòa Síp) và Viện Hóa học Max Planck (Đức) đã công bố báo cáo cho thấy, hàng nghìn mẫu Anh của vùng đồng bằng sông Nile có thể bị chìm dưới nước vào cuối thế kỷ này và không còn đủ điều kiện để sinh sống hoặc canh tác, một phần do bị nhiễm mặn.
Các nước nghèo lấy tiền từ đâu để lo việc khí hậu? |
George Zittis, đồng tác giả của báo cáo trên cho biết: “Điều này sẽ dẫn đến những thách thức nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng và nông nghiệp ven biển, đồng thời có thể gây ra tình trạng nhiễm mặn các tầng chứa nước ven biển, bao gồm cả đồng bằng sông Nile trù phú đông dân cư”.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), khu vực Đồng bằng sông Nile là nơi sinh sống của khoảng 40% trong số 104 triệu dân của Ai Cập và chiếm một nửa nền kinh tế của nước này. Các trang trại và nghề cá dọc theo hai nhánh sông Nile, Rosetta ở phía tây và Damietta ở phía đông cung cấp nguồn thực phẩm lớn cho tiêu dùng nội địa và các sản phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng trên.
Biển xâm thực
Từ năm 1986 - 2009, biển đã ăn sâu 3 km vào Đồng bằng sông Nile khi dòng chảy yếu của sông không thể chống lại sự xâm thực của nước biển, trong khi đó mực nước Địa Trung Hải đã tăng 15 cm trong thế kỷ 20 do biến đổi khí hậu.
Kè bê tông ngăn sóng từ Địa Trung Hải tại Alexandria, Ai Cập |
AFP |
Việc Ai Cập xây đập Aswan từ những năm 1960 để điều tiết lũ trên sông Nile đã khiến lớp phù sa bồi tích hàng nghìn năm trên sông không thể chảy ra cửa biển để bảo vệ đất liền khỏi bị nước mặn xâm thực, khiến sự cân bằng bị xáo trộn. Chính vì thế, tại cửa sông Nile, hai doi đất Damietta và Rosetta từng nhô ra Địa Trung Hải ở phía bắc Ai Cập đã biến mất. Các bờ kè bằng bê tông được xây dựng để bảo vệ doi đất giờ đây bị ngập một nửa trong nước biển.
Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cảnh báo, nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng, mỗi năm Địa Trung Hải sẽ xâm lấn Đồng bằng sông Nile khoảng 100 m; nuốt chửng 100.000 hecta đất nông nghiệp, tương đương diện tích gần 50 TP.HCM. Đây sẽ là thảm họa với Ai Cập bởi Đồng bằng sông Nile là nguồn cung cấp 30 - 40% sản lượng nông nghiệp quốc gia.
Tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng
Theo Hãng tin AP, người dân sống dọc theo bờ biển Địa Trung Hải đã cảm nhận rõ rệt ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong nhiều năm nay, đặc biệt là khi mực nước biển dâng cao. Tình trạng nước mặn xâm thực và lượng nước ngọt giảm đi dưới mạch ngầm trở nên rõ rệt hơn.
Ông Mohamed Abdel Monem, Cố vấn cấp cao về đất đai và biến đổi khí hậu của FAO, cho biết nước mặn từ Địa Trung Hải xâm nhập vào các vùng canh tác rộng lớn của Đồng bằng sông Nile làm đất nhiễm mặn, cây trồng chết dần, chất lượng suy giảm, gây ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực.
Lồng bè nuôi cá trên sông Nile tại Alexandria, Ai Cập |
AFP |
Nông dân cho biết rau củ giờ đây đổi vị, không còn như xưa. Các loại cây trồng cũng không còn đa dạng mà chủ yếu chỉ trồng được xoài và cam, quýt vì nước mặn làm chết các loại cây như táo, bí, cà chua… Chính vì vậy, nông dân phải sử dụng máy bơm để đưa nước ngọt từ sông Nile vào để khử mặn hoặc nâng đất lên để tránh nhiễm mặn.
Ông Sayed Mohammed, một nông dân 73 tuổi ở vùng Kafr El-Dawar cách biển 15 km, cho biết khu vực của ông chưa bị ảnh hưởng nhiều nhưng hàng xóm của ông đã phải sử dụng máy bơm chạy bằng dầu diesel và điện để bơm nước ngọt từ sông Nile vào ruộng. Chi phí ngày càng tăng đang bóp nghẹt dân làng vốn bị ảnh hưởng bởi lạm phát và sự mất giá của đồng bảng Ai Cập; khiến ngày càng nhiều nông dân bỏ ruộng và một số vùng đồng bằng ở châu thổ trở nên hoang hóa.
Siêu đập thủy điện trên sông Nile khiến 3 '"ông lớn" châu Phi tranh cãi |
Hiện nay, FAO cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ hệ thống tưới hoạt động bằng năng lượng mặt trời nhằm giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân ở vùng Kafr El-Dawar để ngăn họ bỏ ruộng.
Hậu quả nghiêm trọng
Nhóm chuyên gia khí hậu thuộc Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc cho biết tác động của việc Địa Trung Hải xâm thực sông Nile sẽ vô cùng thảm khốc. Họ dự đoán sông Nile sẽ mất 70% dòng chảy vào cuối thế kỷ này và nguồn nước cung cấp cho người dân sống dọc sông giảm mạnh xuống còn 1/3 so với hiện nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân và sự phát triển của nhiều nước dọc hai bên sông Nile.
IPCC cũng cảnh báo khí hậu nóng lên sẽ làm lũ lụt, bão lớn tấn công Đông Phi ngày càng gia tăng nhưng lại chỉ bù đắp được 15 - 20% lượng nước mất đi. Điều này có nghĩa là các quốc gia phụ thuộc vào sông Nile để trồng trọt và làm thủy điện sẽ lâm vào cảnh khốn cùng. Hơn một nửa nguồn điện của Sudan là từ thủy điện, còn 80% sản lượng điện của Uganda được tạo ra từ sông Nile.
Tình hình xấu đi, đồng nghĩa với việc tình trạng mất điện ngày càng tăng. Mặc dù là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Phi nhưng hiện nay, có tới hơn một nửa trong số 110 triệu người Ethiopia sống trong cảnh thiếu điện. Chính phủ Ethiopia hy vọng dự án đập Đại Phục Hưng ở sông Nile - dự án thủy điện lớn nhất châu Phi, sẽ khắc phục được điều này.
Dự án đập thủy điện Đại Phục Hưng trên sông Nile tại Ethiopia |
AFP |
Từ năm 2011, dự án đập Đại Phục Hưng trên sông Nile xanh, hợp lưu với sông Nile trắng ở Sudan để tạo thành sông Nile, đã tích được lượng nước gần bằng 1/3 sức chứa 74 tỉ m3 theo công suất thiết kế. Tuy nhiên, con đập này khiến chính quyền Ai Cập đau đầu vì lo ngại dòng chảy sông Nile sẽ sụt giảm nghiêm trọng
Năm 1959, Ai Cập ký thỏa thuận với Sudan, trong đó chia 66% dòng chảy hàng năm của sông Nile cho Ai Cập, còn 22% cho Sudan. Năm 2013 Các quan chức Ai Cập dưới thời cựu Tổng thống Mohamed Morsi từng nêu ý tưởng đánh bom đập Đại Phục Hưng để “bảo vệ lợi ích sống còn” cho nước này.
Bên cạnh đó, lượng phù sa của sông Nile ngày càng mất đi nhiều, nhất là khi các nước tăng cường xây dựng đập thủy điện trên sông với quy mô ngày một lớn. Nước sông Nile ngày một trong hơn, phù sa mất đi ảnh hưởng rất lớn đến canh tác nông nghiệp và sinh kế của người dân.
Dòng sông Nile linh thiêng đang “héo mòn” vì trải qua những tác động to lớn của biến đổi khí hậu, sự khai thác thủy điện quá mức cũng như tác động không nhỏ của con người. Cuộc sống của nửa tỉ người dọc theo hai bờ sông Nile đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời, sự chung tay của cả khu vực và cộng đồng quốc tế thì chẳng bao lâu nữa dòng sông Nile sẽ không còn là dòng sông huyền thoại vĩnh hằng nữa.
Bình luận (0)