Đập tường thoát hiểm trong đêm
Ngày 26.12, chúng tôi đến thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (H.Bình Sơn), chứng kiến bờ biển dài hàng cây số ở đây bị sóng đánh tan tác, rễ cây, gốc cây trơ ra trước những con sóng bạc.
Bà Nguyễn Thị Cảm (45 tuổi) là một trong những người ở đây có nhà bị sóng đánh sập. Cách đây chừng 10 ngày, 1 căn nhà của hàng xóm bà Cảm bị sóng dữ đánh sập trước. Khi đó, căn nhà của bà Cảm cũng bị nhiều cơn sóng cao 3 - 5 m liên tục “bủa vây” phía trước. Chứng kiến những cơn sóng lớn ập tới, tung cao tới ngọn cây dừa, cả thôn Phước Thiện ai nấy đều lạnh người. Nghe tiếng kêu cứu từ nhà bà Cảm, hàng chục bà con hàng xóm đã đến giúp đỡ. Tuy nhiên, lúc này chỉ còn lối thoát duy nhất là đập tường nhà liền kề.
Không một chút do dự, bà Từ Thị Vân (73 tuổi) ở kế bên đã kêu người dùng búa đập tường nhà mình để cứu gia đình bà Cảm. Ba gia đình kế bên thấy vậy cũng đập tường làm lối thoát hiểm cho những gia đình có nhà đang bị sóng dữ đe dọa. Hôm đó phải đến 1 giờ sáng, gần 20 người ở những căn nhà bị sóng đánh sập mới thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Những ngày mưa lạnh này, trai tráng và đàn ông thôn Phước Thiện đều ra bờ biển để đắp đê ngăn chặn nạn sạt lở do các đợt triều cường ập đến như những cơn lốc. Ông Trần Trung Dũng (54 tuổi) cho biết cả chục ngày qua, hôm nào mọi người cũng dồn ra bờ biển để cố đắp lại những nơi bị sóng làm sạt lở. Thế nhưng, chiều hôm trước đê được đắp, gia cố vững chắc, sáng hôm sau đã thấy bờ đê bị sóng đánh hư hại, có chỗ tan nát. Dù vậy, mọi người vẫn kiên trì làm từ ngày này qua ngày khác, vì nếu không làm thì những nhà dân ở gần biển sẽ bị sóng cuốn đi. “Rất may những ngày gần đây, một số người từ thôn khác cũng kéo tới phụ giúp bà con thôn Phước Thiện”, ông Dũng nói.
Ông Phạm Cầu, Phó chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết: Ngoài 3 căn nhà bị sóng biển giật sập, cuốn trôi, còn có 40 nhà dân khác ven bờ biển cũng bị biển xâm thực, có nguy cơ sập. Chính quyền đang huy động lực lượng cùng người dân gia cố bờ kè bằng bao cát, trụ cây nhằm bảo vệ bờ biển. Xã cũng đã đề xuất lên cấp trên để có chính sách cấp đất cho người dân đang nằm trong vùng nguy hiểm được tái định cư.
|
Nghe biển động là đi… ngủ nhờ
Từ bờ biển thôn Phước Thiện, chúng tôi ngược vào vùng ven biển Sa Huỳnh, P.Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Ở đây, triều cường cũng đánh liên tục gây sụp móng, tan nát hàng trăm mét bờ kè chắn sóng, đe dọa hàng trăm hộ dân. Dọc theo bờ kè chắn sóng là cảnh nát vụn bề mặt đường bê tông nối giữa bờ kè và làng biển thuộc thôn Thạch Bi 2, xã Phổ Thạnh. Nhiều chỗ bờ kè bị sóng biển khoét sâu vào bên dưới. Có đoạn kè bị triều cường bào mòn dần bề mặt bê tông, ló ra cả sắt thép bên trong. Hoặc nhiều nơi, bờ kè bê tông bị “cắt” làm đôi, nứt toác.
Ông Nguyễn Soi (70 tuổi, ở thôn Thạch Bi 2) cho biết triều cường gây sạt lở và làm hư hại thì chứng kiến nhiều, nhưng chưa bao giờ kéo dài và dai dẳng như năm nay. “Từ trước bão số 9, cứ mỗi bận áp thấp nhiệt đới, triều cường lại diễn ra, sóng đánh ngày đêm vào bờ kè Sa Huỳnh này. Dân chúng tôi cứ nơm nớp”, ông Soi lo lắng.
|
Chị Phạm Thị La Na (25 tuổi), nhà sát bên bờ kè Sa Huỳnh, cho biết có hôm sóng dựng cao hơn thành bờ kè 2 - 3 m, phủ qua bên đường bê tông. Sóng đập vỡ lớp mặt bê tông, thậm chí tấp kín cổng nhà, không thể mở cổng ra được. Cứ nghe biển động là chị không bao giờ dám ở nhà. Ban đêm gia đình chị phải về nhà ông nội ở sâu bên trong xóm để ngủ.
Những tháng qua, phần lớn người dân thôn Thạch Bi 2 không dám để tài sản có giá trị trong nhà, mà phải đưa đi nơi khác để “lánh nạn”, vì sợ triều cường gây sập nhà, cuốn trôi. Ông Nguyễn Thành Lưu, Trưởng phòng Kinh tế TX.Đức Phổ, cho biết bờ kè Sa Huỳnh dài 800 m, trước đó nhiều năm, nhất là năm 2016, bờ kè này cũng bị triều cường gây hư hại nhưng chỉ cục bộ vài đoạn. Chính quyền TX.Đức Phổ hằng năm chi hàng trăm triệu đồng để làm rọ sắt bọc đá, đổ đá lớn xuống giữ chân kè dưới biển. Tuy nhiên, biện pháp này xem ra không hữu hiệu.
Theo ông Lưu, năm nay cả bờ kè Sa Huỳnh đều bị hư hỏng, sóng biển uy hiếp 400 hộ dân thôn Thạch Bi 2, gây nguy cơ sạt lở sâu vào một trường học và nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn. TX.Đức Phổ đã khảo sát chi tiết và nhờ đơn vị tư vấn đề xuất phương án xây dựng lại bờ kè này. Theo đó, phải mất khoảng 100 tỉ đồng mới xây lại được bờ kè chắn sóng. TX.Đức Phổ đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi xem xét, xử lý.
|
Không còn chỗ che nắng, che mưa
Ngồi bên căn nhà đã bị sóng ngoạm sụp đổ, bà Nguyễn Thị Cảm than thở vài hôm nữa thôi, con trai của bà đi lao động bên Hàn Quốc sẽ về quê ăn tết. “Cháu nó mấy năm rồi không được ăn tết ở quê, năm nay về thì không có chỗ ở”, bà Cảm thở dài. Trước tình hình biển xâm thực còn có thể kéo dài, bà Cảm dự tính đi mượn sân nhà ai đó rồi dựng một túp lều ở tạm.
169 điểm sạt lở bờ sông, bờ biểnTheo ông Bùi Đức Thái, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi, năm 2020 là năm sạt lở nghiêm trọng nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh này. Qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 169 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài gần 148 km. Mức độ sạt lở theo chiều ngang từ 5 - 10 m, nhiều nơi hơn 30 m, tập trung ở các huyện ven biển và các sông lớn như Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu. Các điểm sạt lở này, một số điểm đã được đầu tư xây dựng kè kiên cố, hoặc đang thi công, nhưng nhiều khu vực sạt lở hiện chưa có kinh phí xây dựng kè.
“Hiện nay do tình trạng hút cát, khai thác cát trái phép dọc theo các mép sông diễn ra ngày càng nhiều nên hiện tượng sạt lở bờ sông diễn ra nhanh và ngày càng nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp làm giảm tình trạng sạt lở thì những bãi đất bồi dọc sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu... sẽ bị thu hẹp, thậm chí không còn đất để canh tác”, ông Thái nói.
|
Rồi nỗi lo ấy thành hiện thực, khi cách đây 10 ngày, sóng đánh sập căn nhà nhỏ của ông. Tương tự gia đình ông Thặng, nhiều hộ dân khác ở ven biển xã Bình Hải cũng bị sóng đánh sạt lở làm sập nhà, phải đi ở nhờ nhà người khác và không biết đến bao giờ mới có được căn nhà như xưa.
Bình luận (0)