|
Tình trạng sạt lở đất tại xóm Bình Thạnh bắt đầu diễn ra từ đầu năm 2011, đến nay vẫn chưa được khắc phục. Ông Võ Văn Đào, Chủ tịch UBND xã Đạ Oai (H.Đạ Huoai), cho biết: “Trước đây, khu đất thuộc xóm Bình Thạnh là khu đất màu mỡ được bà con dùng để trồng dâu nuôi tằm. Mấy năm gần đây, mỗi khi mùa mưa đến, tình trạng sạt lở liên tục xảy ra khiến nhiều diên tích đất canh tác ven sông của bà con đã bị “xóa sổ”. Chúng tôi đã báo cáo vụ việc lên các cơ quan chức năng cấp trên để tìm phương án khắc phục”.
Khu vực đất bị sạt lở thuộc địa phận 2 xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai) và Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh). Chiều dài khu vực sạt lở khoảng 400m, chiều rộng từ 50 - 70m. Đến nay, sông Đạ Quay đã “nuốt” hơn 7 ha đất canh tác của bà con nơi đây. Cùng với đó, khoảng 35m kênh mương Đạ Gùi cũng bị nước sông bẻ gãy. Ông Hồ Thanh Áng, một hộ dân bị sông nuốt hết đất sản xuất, phản ánh: “Gia đình tôi (6 người) chỉ có gần 3 sào đất ven sông để canh tác, cuộc sống của gia đình phải bấu víu vào đó mà sống. Ai ngờ tất cả đã bị nước sông xóa sổ...”. Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Áng, xóm Bình Thạnh còn có nhiều gia đình khác bị sông Đạ Quay “nuốt” mất đất sản xuất, hộ ít thì mất 1 sào, hộ nhiều mất tới 1,2ha. Tình trạng sông “nuốt” đất của dân vẫn chưa dừng lại ở đó, bởi hiện trạng khu vực này không theo quy luật “bên lở, bên bồi” mà cả 2 bên bờ sông đều bị sạt lở.
Theo người dân địa phương, nguyên nhân khiến đất sản xuất của họ dọc theo sông Đạ Quay bị sạt lở một phần là do yếu tố tự nhiên, nhưng không thể phủ nhận việc khai thác cát, sỏi trên sông làm ảnh hưởng. Ông Nguyễn Xuân Lăng, Trưởng thôn 3, khẳng định: “Năm 2011, ông Lưu Quang Trung (ngụ thôn 4, xã Đạ Oai), là người được cấp giấy phép khai thác cát, sỏi trên sông Đạ Quay - khúc sông thuộc địa bàn xóm Bình Thạnh và chỉ cách khu vực sạt lở khoảng 250m. Cuối năm 2013, khi đất canh tác của bà con bị sạt lở nghiêm trọng thì ông Trung bị tịch thu giấy phép khai thác. Song, vào mùa khô nước sông cạn, tình trạng khai thác “lậu” trên sông vẫn diễn ra vào ban đêm”. Nhiều người dân cho rằng, khi họ “tố” việc khai thác cát trái phép, thì bị “cát tặc” bơm thuốc sâu vào vườn dâu để trả thù.
Ông Nguyễn Quý Mỵ, Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai, cho biết: “Để khắc phục tình trạng sạt lở này, huyện đã lập đề án khắc phục với tổng kinh phí 6,4 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh đồng ý. Hiện tại, chúng tôi đang chờ kinh phí và sẽ tiến hành nạo vét và kè đá những điểm xung yếu trong thời gian tới. Riêng, những hộ bị nước sông cuốn hết đất sản xuất, chúng tôi sẽ cho điều tra lại và có biện pháp hỗ trợ cho bà con”.
Minh Sơn
Bình luận (0)